Chuyện đi làm của một "rich kid nửa mùa": Nhìn profile, nhà tuyển dụng dè dặt không muốn tuyển vì sợ bỏ việc ngang chừng, trầy trật với áp lực kinh tế vô hình...

DQD |

Với sự "chống lưng" của gia đình, một số rich kid thường không sẵn lòng ép bản thân phải chịu đựng ở lại một môi trường không tốt, đồng nghiệp chèn ép hay một người sếp tồi. Thật ra, bất cứ ai cũng không muốn ở lại một môi trường như vậy, chẳng qua các rich kid "ra tay" nhanh hơn vì họ không phải chịu gánh nặng nào về kinh tế hay trách nhiệm chu cấp cho gia đình mà thôi.

Rich kid this, rich kid that

Mình tự phong bản thân là rich kid vì cũng đang sở hữu một căn hộ riêng ở khu đắt đỏ nhất quận 2, và một chiếc thẻ đen quyền lực trong truyền thuyết.

Nhưng mà phải thêm khúc "nửa mùa" vì nhà mình không có bộ sưu tập hàng hiệu hay siêu xe nào cả. Sự xa xỉ nhất về xe cộ đối với mình chắc là việc mua một chiếc xe 2 năm rồi nhưng chưa bao giờ chạy, nhưng vẫn mua đứt một chỗ riêng trong hầm giữ xe và đóng tiền duy trì hàng tháng.

Nói chung là, chắc mình thuộc dạng "đỉnh của chót" trong danh sách rich kid (đấy là nếu như có lọt được một chân vào).

Nỗi sợ rich kid là có thật?

Khi đi tìm việc, 9/10 nhà tuyển dụng khi nhìn thấy địa chỉ hay background của mình thì luôn hỏi "nhà có điều kiện như vậy thì mục đích đi làm của em là gì?"

Chà, quả là một câu hỏi khiến mình suy ngẫm. Mặc dù mình không biết là người ta có nên hỏi như vậy trong một buổi phỏng vấn không nữa, nhưng mình cũng hiểu tại sao họ lại lo lắng khi tuyển những người như mình.

Chuyện đi làm của một rich kid nửa mùa: Nhìn profile, nhà tuyển dụng dè dặt không muốn tuyển vì sợ bỏ việc ngang chừng, trầy trật với áp lực kinh tế vô hình... - Ảnh 1.

Một chị HR đã bảo mình rằng rich kid thì thường dễ nghỉ ngang nếu như có chuyện gì đó không vừa lòng. À thì chắc cũng đúng đấy, với sự "chống lưng" của gia đình, một số rich kid thường không sẵn lòng ép bản thân phải chịu đựng ở lại một môi trường không tốt, đồng nghiệp chèn ép hay một người sếp tồi.

Thật ra, bất cứ ai cũng không muốn ở lại một môi trường như vậy, chẳng qua các rich kid "ra tay" nhanh hơn vì họ không phải chịu gánh nặng nào về kinh tế hay trách nhiệm chu cấp cho gia đình mà thôi.

Nhảy việc, đúng hay sai?

Có lẽ một rich kid "hàng real" sẽ khác, nhưng mình thì vẫn có một số gánh nặng kinh tế nhất định. "Gánh nặng" của mình chính là mình, mình phải kiếm cách tự nuôi bản thân mình, ít nhất là cho tương lai sau này.

Mỗi khi đi làm ở một môi trường không hợp, mình lại thường tự hỏi, là do môi trường thật sự không tốt hay do mình quá nhạy cảm? Liệu việc mình muốn từ bỏ là do đã quen sống trong sự thoải mái và không bị ai rầy la? Liệu rằng mình có đang hiểu sai cho rằng mình có thể làm bất cứ gì mình muốn vì luôn có gia đình đứng đằng sau?

Mình đã luôn cho rằng bản thân có quyền được thử đi thử lại cho đến khi tìm được công việc mà mình thấy phù hợp nhất.

Thế nhưng, như tất cả mọi thứ trên đời, những lượt thử là hữu hạn. Mình có kịp tìm được câu trả lời trước khi không còn được thử thêm lần nào nữa? Không chỉ thế, việc nhìn những bạn bè cùng trang lứa gặt hái thành công trong công việc, mình lại càng cảm thấy cho dù có tìm thấy thứ phù hợp, mình cũng đã bị bỏ xa.

Vậy nên chăng là ở lại "lượt chơi" này, dù trầy trật thật đấy nhưng đường đến đích sẽ ngắn hơn?

Chuyện đi làm của một rich kid nửa mùa: Nhìn profile, nhà tuyển dụng dè dặt không muốn tuyển vì sợ bỏ việc ngang chừng, trầy trật với áp lực kinh tế vô hình... - Ảnh 2.

Cách để "sinh ra ở vạch đích"

Có một người anh từng nói với mình rằng: "Công việc em thích chính là công việc em tự khiến em thấy thích". Lúc đấy mình chỉ nghĩ ông ấy giả vờ làm "người lớn" nói những điều cao xa. Thế nhưng câu nói đó hóa ra lại mang đến hiệu nghiệm không ngờ.

Nếu như bạn là kiểu người dễ từ bỏ, hãy thử tìm những điểm mà bạn yêu thích từ công việc và tập trung vào nó, có thể bạn sẽ vượt qua được quãng thời gian chênh vênh và gắn bó lâu hơn bạn tưởng. Cho dù đến một lúc bạn phải rời đi, hãy chắc chắn rằng bạn đã mãn nguyện với khoảng thời gian đó.

Cuối cùng, hãy tự giải thoát cho bản thân khỏi cuộc đua vật chất và danh vọng nếu như đó không phải cái đích mà bạn muốn nhắm đến. Nếu như bạn biết cách tận hưởng những phút giây hiện tại và phát triển bản thân theo nhịp riêng của mình mà không cần so đo với "con nhà người ta", thì chúc mừng, bạn đã "sinh ra ở vạch đích" rồi đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại