Chuyện dạy con của các tỷ phú đô la Việt: Cha mẹ là doanh nhân có tiếng, con cái muốn thành công vẫn phải “làm từ nhỏ mà lên”

Hoàng Lan (Tổng hợp) |

Sinh ra trong gia đình giàu có, có bố hoặc mẹ làm là thương nhân có tiếng nhưng con cái ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay ông Trần Đình Long không hề được ưu ái, "trải thảm đỏ" trong công việc.

Nói đến con cái của các tỷ phú, nhiều người cho rằng, đương nhiên họ sẽ nối nghiệp cha mẹ, tiếp quản công ty. Nhưng con đường mà những thiếu gia, tiểu thư con nhà các tỷ phú Việt phải đi lại không hề dễ dàng.

Cố triệu phú Việt kiều Alan Phan ví chuyện dạy con còn khó hơn gấp chục lần việc điều hành một doanh nghiệp. Bởi vậy những tỷ phú giàu nhất Việt Nam không hề có ý định ép con nối nghiệp, càng không bao giờ "trải thảm đỏ" cho con một cách dễ dàng.

Trong những lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông, các tỷ phú hàng đầu Việt Nam đều tiết lộ một đặc điểm chung khi nuôi dạy con: Luôn hướng cho con tự lập, tự phát triển theo sở thích và năng lực cá nhân.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không bắt các con phải "ôm công việc của bố"

Là người giàu nhất Việt Nam trong nhiều năm liền, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng có quan điểm rằng, các con phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Trong bài phỏng vấn với Tuổi trẻ, ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ câu chuyện dạy con về lao động: "Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân. Cháu và mấy đứa bạn nữa cứ chở từ đầu này đến đầu kia sắp xếp xong là được 100 đô, cứ như vậy làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động.

Như con bé út nhà tôi bây giờ cũng thế, ăn cơm xong là phải đi dọn bát, làm việc nhà".

 Chuyện dạy con của các tỷ phú đô la Việt: Cha mẹ là doanh nhân có tiếng, con cái muốn thành công vẫn phải “làm từ nhỏ mà lên”  - Ảnh 1.

Ông Vượng cũng chia sẻ rằng, ông không bắt các con sau này phải "ôm công việc của bố". Ông muốn các con lựa chọn công việc theo sở thích và năng lực của bản thân. Bởi công ty, sự nghiệp ông đang gây dựng cũng là công sức của rất nhiều người tâm huyết cùng chung tay, vì thế không thể bị hủy hoại được.

Chính con trai lớn của tỷ phú cũng "phải đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được". Ông cho rằng đó là cơ hội để con học hỏi, nghe xem những thế hệ chú bác, bố mình làm việc như thế nào. Nếu chỉ mãi tiếp xúc với những người trẻ hơn mình thì khó mà vươn lên được.

Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Phương Thảo "để con phát triển một cách tự nhiên, theo sở trường và đam mê chứ không ép buộc"

Trong khi đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ đình đám nhất trên thương trường Việt Nam. Bà là Tổng giám đốc của VietJet Air, phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân Hàng HD Bank và là nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo danh sách của Forbes.

Là người có "máu mặt" trên thương trường nhưng ở nhà, bà Thảo "không ngại vào bếp nấu ăn", đồng thời là một người bạn thân của con. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ, bà Thảo chia sẻ: "Với cậu con trai lớn, tôi với con trai như bạn, cùng đi xem phim, cà phê, tôi để con phát triển một cách tự nhiên, theo sở trường và đam mê chứ không ép buộc.

Bạn ấy học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu và năm nay bạn dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu "mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo". Con tự viết mà không chia sẻ gì với tôi. Khoa đó rất khó, chưa biết kết quả ra sao nhưng tôi cũng may mắn là bạn ấy học giỏi và tự lập. Sau này nếu bạn ấy kế nghiệp được thì tốt".

 Chuyện dạy con của các tỷ phú đô la Việt: Cha mẹ là doanh nhân có tiếng, con cái muốn thành công vẫn phải “làm từ nhỏ mà lên”  - Ảnh 2.

Bà Thảo thường đưa con đi làm cùng vào cuối tuần "vừa để gần con, cũng muốn tạo thói quen làm việc cho con". Người phụ nữ quyền lực trên thương trường làm gương và uốn nắn cho con từ thói quen làm việc, vun ven gia đình của chính mình một cách tự nhiên, không cứng nhắc.

Không phụ tấm lòng của mẹ, cậu con trai cả của nữ tỷ phú thời gian gần đây nhận được sự chú ý khi nối nghiệp kinh doanh giống mẹ. Chàng thiếu gia nhà tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tên Tommy Nguyễn, từng là du học sinh Anh và hiện tại là người đồng sáng lập Swift247 - một start-up công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng không siêu tốc.

Tỷ phú Trần Đình Long: "Con tôi muốn làm cũng phải từ nhỏ mà lên"

"Tỷ phú thép" Trần Đình Long có 2 người con. Tuy được gọi là "ông trùm ngành thép" nhưng ông không có ý định nâng đỡ con cái mình trong sự nghiệp. Trong lần trả lời phỏng vấn với Trí thức trẻ, ông Trần Đình Long cho biết: "Tôi có 2 con, trước cả hai đều làm ở đây nhưng giờ cô con gái vừa nghỉ để ngó nghiêng làm cái khác. Còn con trai học chưa ra trường, nhưng đã bắt đầu tiếp cận rồi. Tôi cũng hướng con vào đây nhưng có làm được hay không thì không phải do mình, mà là do con. Hơn nữa, con tôi muốn làm cũng phải từ nhỏ mà lên, chứ không thể nghiễm nhiên ngồi ngay vào vị trí cao cấp. Cái đó ở Hòa Phát là không có đâu!".

 Chuyện dạy con của các tỷ phú đô la Việt: Cha mẹ là doanh nhân có tiếng, con cái muốn thành công vẫn phải “làm từ nhỏ mà lên”  - Ảnh 3.

Ảnh: Trí thức trẻ.

Được biết, con trai của tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1996 này mới đi làm ở công ty của bố mình được một thời gian ngắn và vẫn phải bắt đầu từ vị trí một nhân viên vật tư. Bên cạnh đó, cậu cũng tham gia một dự án về chuyển đổi số tại Hòa Phát.

Tỷ phú thép Hòa Phát khẳng định: "Chúng tôi vận hành các vị trí trong công ty theo năng lực, công việc chứ không liên quan đến họ hàng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại