Người đứng đầu chính quyền hòn đảo này, bà Thái Anh Văn, bộc lộ rõ ràng và mạnh mẽ hơn khi nào hết từ trước tới nay chủ ý độc lập hơn với Trung Quốc hoặc ít nhất thì cũng không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm với Đài Loan.
Những chính khách như bà Thái Anh Văn nhận thức được đầy đủ hơn ai hết là nếu không dựa vào Mỹ và dựa vào sự hậu thuẫn chính trị của dân chúng thì cả hiện tại cũng như lâu dài Đài Loan không phải là đối thủ của Trung Quốc về quân sự cũng như kinh tế.
Bởi vậy, họ cho rằng sự sống còn của chính quyền ở Đài Loan phụ thuộc vào thành công hay thất bại của xứ này trong việc giữ và tăng được cái giá của Đài Loan trong chiến lược của Mỹ nói chung và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc nói riêng, cũng như trong việc xử lý các mối quan hệ với bên ngoài, đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc, sao cho đối tác này không bị buộc phải lựa chọn giữa quan hệ với đối tác kia và quan hệ với Đài Loan.
Năm 1979, Đài Loan đã không cản được Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và bị bật ra khỏi Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn còn có được bộ luật của Mỹ với tên gọi là Taiwan Relation Act (Đạo luật quan hệ với Đài Loan) và tháng 6/1982 có thêm "Sáu đảm bảo" của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan làm nền tảng cho mối quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan và cả sự đảm bảo cho an ninh của Đài Loan trước mọi chủ định của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc có được cái Trung Quốc muốn có và cần có nhất là Mỹ đáp ứng yêu cầu của nước này liên quan đến chính sách "Một Trung Quốc".
Từ đó đến nay, cả ba đều có cái dễ và cái khó trong xử lý các mối quan hệ với nhau. Đài Loan phải đối phó với thách thức từ phía Trung Quốc nhưng biết rằng có thể dựa và tin vào Mỹ. Mỹ đã xác lập cơ sở pháp lý để đảm bảo an ninh cho Đài Loan, đặc biệt về chính trị và cung cấp vũ khí nhưng phải duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Trung Quốc có được cam kết của Mỹ về chính sách "Một Trung Quốc" nhưng lại vấp phải cam kết của Mỹ đối với Đài Loan về không bỏ rơi hòn đảo này. Kẻ nhỏ tuy bị kẹt giữa hai ông lớn nhưng vẫn khá yên ổn - cho tới khi Donald Trump đắc cử Tổng thống và lên cầm quyền ở Mỹ.
Do nhận thức khác về chính trị thế giới và quan hệ quốc tế, do thiếu từng trải kinh nghiệm chính trị và xử lý những chuyện liên quan đồng thời đến nhiều đối tác, do cách thức cầm quyền chẳng giống ai và thay đổi quan điểm thất thường, ông Trump đã động chạm ngay đến những điều được coi là cấm kỵ nói trên trong các mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Đài Loan.
Lúc đầu ông đã làm Trung Quốc bối rối và bực mình bằng những phê phán và cáo buộc Trung Quốc gây tổn hại đến kinh tế và thương mại Mỹ, thậm chí còn doạ sẽ trừng phạt Bắc Kinh về thương mại, đặc biệt là còn điện đàm với bà Thái Anh Văn và công khai nghi ngờ chính sách "Một Trung Quốc" để rồi về sau lại thay đổi hoàn toàn.
Trung Quốc hài lòng về sự đảo ngược này nhưng đồng thời lại không thể không hoài nghi về tính bền vững của sự đảo ngược. Chẳng phải một sự bất tín thì vạn sự bất tin hay sao? Trung Quốc không thể không phòng ngừa khả năng ông Trump hiện vồ vập và thân thiện, đề cao và tranh thủ Trung Quốc chỉ nhằm thuyết phục Bắc Kinh giúp Mỹ và đứng về phía Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nếu Trung Quốc làm Mỹ thất vọng hoặc sau khi vấn đề này đã được giải quyết rồi thì tình thế sẽ lại hoàn toàn khác.
Bao giờ chả thế, bên này cần bên kia cái gì đó thì bên kia có cái để buộc bên này phải trả giá và Trung Quốc sẽ đặt giá với Mỹ trong nhiều chuyện mà trong đó chắc chắn không thể thiếu chuyện liên quan đến Đài Loan và Biển Đông.
Xem ra, bà Thái Anh Văn và chính quyền Đài Loan nhận ra mức độ nguy hiểm hiện tại đối với Đài Loan nên vừa mới có những phát biểu và động thái như vậy.
Đó là cách họ thể hiện chủ ý và bản lĩnh chính trị, phô trương uy lực trên thực tế, răn đe Trung Quốc và nhắc nhở Mỹ về mối đe doạ an ninh đối với Đài Loan và trách nhiệm của Mỹ đối với hòn đảo này.
Cũng còn thấy được qua đó định hướng chiến lược của Đài Loan là tự tăng cường tiềm lực quân sự và mạnh dạn thể hiện quan điểm riêng để ngăn cản bị lấn lướt.