Chuyện kể rằng, một ngày nọ, một cậu bé mang thắc mắc đến hỏi cha cậu “Cha ơi, giá trị lớn nhất của đời người là gì ạ?”
Cha cậu không trả lời cậu bé, mà cúi xuống nhặt một viên đá với những góc cạnh khá lạ mắt, đưa cho con trai và bảo con “ngày mai, con mang viên đá này ra chợ bán. Nếu có người hỏi mua, dù với giá nào con cũng không được bán”.
Cậu bé vâng lời, hôm sau mang viên đá ra chợ bán. Ngồi mãi đến trưa gần tan chợ, có người mẹ trẻ dắt theo một cậu bé trạc tuổi cậu đi qua, cậu bé nhìn hòn đá thích thú đòi mua, người mẹ trả cậu 2 đồng để mua viên đá. Nhớ lời cha dặn, cậu bé không bán và mang viên đá trở về nhà.
Nghe cậu bé kể chuyện phiên chợ sáng nay, cha cậu lại bảo cậu, "ngày mai con lại mang viên đá này ra cổng chùa lớn kia nhé, mai là ngày lễ và du khách thập phương sẽ qua lại rất đông. Và dù ai trả giá nào cũng không bán".
Cảm thấy hứng thú, sáng sớm tinh mơ cậu bé đã ra trước sân chùa để bày bán viên đá. Ngồi một lúc đã có khá nhiều người tò mò vây quanh để xem. Một người đàn ông trong số đó lên tiếng hỏi: “Chú bé, viên đá bao nhiêu tiền thế?” Cậu bé không trả lời.
Người đàn ông nghĩ ngợi liền phát giá: “10 đồng nhé chú bé?” cậu bé lắc đầu, ông ta nói thêm “20 đồng nhé?”. Cậu bé vô cùng ngạc nhiên nhưng nhớ lời cha dặn, quyết không bán mà mang viên đá trở về.
Ngày tiếp theo, theo chỉ dẫn của cha, cậu bé lại mang viên đá ra trước một dãy phố chuyên bán đá phong thủy. Cũng giống như mấy lần trước, lần này viên đá cũng thu hút được ánh nhìn của khá nhiều người qua lại. Một lúc sau, một anh thanh niên đến gần, xem xét và hỏi “cậu bé, viên đá này là đá gì thế? Bao nhiêu tiền vậy?”
Cậu bé không nói gì, chỉ giơ tay chỉ vào hòn đá. Người thanh niên cầm lên xem xét kỹ lưỡng một lúc rồi lên tiếng “100 đồng nhé cậu bé?” Cậu bé lắc đầu không nói gì. Thấy thế, chàng thanh niên lại xem xét viên đá kỹ hơn và hỏi tiếp “thôi, 200 đồng, bán cho tôi nhé!” Cậu bé tròn mắt ngạc nhiên vội vã mang viên đá chạy một mạch về nhà.
Kể hết chuyện cho cha nghe, cậu bé vẫn còn rất mơ hồ về những gì xảy ra mấy ngày vừa qua với viên đá trên tay.
Cha cậu bé đến giờ mới giải thích: “Giá trị một vật cũng giống như viên đá kia vậy. Để giữa đất và không ai quan tâm, nó chỉ là viên đá bình thường. Con đem ra chợ quê bán, có người trả con 2 đồng cũng vì con họ thích nó.
Khi con mang ra cổng chùa với lượng khách thập phương qua lại đông đúc, nó đáng giá 20 đồng hoặc hơn nữa. Còn hôm nay, khi con mang nó ra khu phố đá phong thủy, đã có người trả giá nó đến 200 đồng. Con thấy đó, nền tảng khác nhau, đặt ở những vị trí khác nhau, thì giá trị hiện vật cũng vì thế mà khác nhau…!”.
Bài học rút ra là, mọi vật đều có giá trị của nó. Và, ở mỗi hoàn cảnh, môi trường khác nhau, giá trị lại được thể hiện khác nhau. Cũng như vậy, một tảng cỏ bán ngoài phố chỉ mấy chục ngàn. Cũng tảng cỏ như thế trong 1 sân vận động, sau khi trải qua trận đấu bóng đá lớn, lại được tách ra bán hàng trăm ngàn đô la.
Đối với con người, giá trị cuộc sống đều do chính chúng ta quyết định. Cũng giống như lúc do dự khi mang một hòn đá nhặt được đi bán. Giá trị cuộc sống là do chính chúng ta tạo dựng và đặt ra. Vì vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.
Trong công việc, hãy tự biết về giá trị bản thân, và đặt mình đúng vị trí công việc phù hợp. Bạn là lãnh đạo, bạn không cần phải biết tất cả chi tiết như những anh thợ kỹ thuật, nhưng bạn phải biết cách lãnh đạo, quản lý nhân viên của mình, đó là giá trị của bạn.
Giá trị của một thứ không thể được vội vàng xét đoán, kết luận, nếu không đặt chúng vào những hoàn cảnh khác nhau, những góc nhìn khác nhau. Mỗi người có một cách “định giá” khác nhau về thành công hay thất bại. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người và làm cho mình trở nên giá trị theo cách của mình.
Có một câu chuyện về người thợ sửa tàu. Một chủ tàu bị hỏng đã thuê bao nhiêu thợ đến tìm nguyên nhân nhưng tất cả đều không tìm ra "bệnh" và lắc đầu đi về. Một ngày nọ, một ông già nổi tiếng về nghề chữa tàu được mời đến. Sau khi xem qua một lượt, ông lão tự tin mở túi đồ nghề, lấy chiếc búa nhỏ ra và gõ mạnh một cái lên trên thân máy.
Kỳ lạ thay, chiếc tàu đã hoạt động trở lại bình thường. Ông chủ tàu vui mừng cảm ơn và hỏi xem phải trả công ông lão bao nhiêu. Sau khi nghe con số 10.000 đô la, ông chủ tàu tức giận hỏi lại: “Ông lấy 10 ngàn đô la cho 1 cái gõ búa ư?” và nhận ngay câu trả lời từ người thợ “cái gõ búa chỉ mất 1 đô la, việc tìm ra vị trí cần gõ mất 9.999 đô la còn lại!”
Cho nên, bài học cho tất cả mọi người là hãy tự tin vào bản thân, mỗi người đều có thế mạnh riêng, chỉ cần chờ cơ hội đặt nó đúng chỗ để phát huy.
Một câu nói hay được nhiều người chia sẻ là: “hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà. Và đó là lý sao nó được gọi là “The Present”. Khi không biết phía sau là gì, thì cố gắng, cố gắng và cố gắng luôn là động lực để tiến tới.
Quay lại câu chuyện về người nông dân và những nông sản họ làm ra đang được nhiều người quan tâm gần đây. Cũng là hàng nông sản do nông dân trồng ra, và những người nông dân đó cũng trồng theo phương pháp hữu cơ, không bón phân hóa học. Tuy nhiên, tự bản thân người nông dân không thể thuyết phục khách hàng rằng đây là nông sản sạch, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, cũng những người nông dân đó, cũng cách trồng nông sản với phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn, cũng những sản phẩm làm ra đó, chỉ khác là, người nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm có tổ chức, thì bản thân sản phẩm đã được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không cần người nông dân phải ra rả thuyết phục giải trình. Giá trị hàng hóa đã được khẳng định bởi thương hiệu chuỗi cung cầu mà người nông dân tham gia.
Ví dụ đơn giản nhất của chuỗi cung cầu này, là việc hàng loạt nông sản Việt Nam vừa được xuất sang những thị trường “khó tính” như quả Thanh Long, quả vải thiều hay mới đây là củ Cà rốt... Gần hơn, những vườn rau quả tham gia chuỗi Vietgap..luôn được người tiêu dùng đón nhận một cách an tâm.
Từ đó cũng thấy rằng, tạo nên những chuỗi cung ứng sản phẩm hiện nay là cơ hội của các doanh nghiệp đầu ngành, cũng là nhiệm vụ và thách thức đối với những doanh nghiệp lớn, của bộ ngành liên quan, và, cũng là cơ hội của những doanh nghiệp này.
Người nông dân tham gia chuỗi cung ứng này cũng hoàn toàn yên tâm khi không lo cảnh được mùa mất giá, hàng hóa sẽ thể hiện được giá trị thực của nó. Điều quan trọng là, cần những cánh tay đưa ra kết nối người dân với doanh nghiệp, tạo ra những chuỗi cung - cầu hợp lý.