Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54

Huy Hậu |

Từ khi Ngọc mất một chân năm 18 tuổi, chị biết thêm nhiều đôi tay giang rộng trong cuộc đời. Từ khi Ngọc bị ung thư vú năm 43 tuổi, chị tìm được nhiều trái tim khác vẫn đập kiên cường trong những lồng ngực đầy vết sẹo.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 1.

"Ngày đó, có lẽ sống còn khổ sở hơn cả chết chị Ngọc nhỉ?" - tôi gặng hỏi. Giọng Ngọc bỗng nghẹn lại. Chị bất giác im lặng, thở dài, rồi sau đó mới dám thả ra một tràng cười bù trừ.

"Tay chị luôn cầm sẵn 100 viên thuốc ngủ. Lúc đó chỉ có vậy…. Chị dặn chồng, nếu một ngày bác sĩ trả về, chị không còn đi lại, nấu cơm, giặt quần áo cho bố con anh nữa, hãy cho chị quyền được uống 100 viên thuốc rồi ngủ. Nhưng anh phải nói với các con: Mẹ nó ra đi vì ốm, nói dối như vậy đến khi chúng trưởng thành."

"Sau đó?"

"Thần chết chê chị vừa bệnh vừa tàn tật nên cho sống tiếp. Haha. Mà đã sống thì phải sống cho thật ý nghĩa. Vậy là câu lạc bộ Người phụ nữ kiên cường, ra đời…"

Trong suốt câu chuyện Ngọc kể, trừ những lần chị nhắc nhớ về một vài đồng đội, chị em, bệnh nhi ung thư đã mất, tôi mới thấy chị nghẹn ngào. Còn không, tất cả đều rành mạch, lạc quan, vui vẻ đến lạ lùng.

Chị thả nhẹ những tràng cười lúc to, lúc nhỏ, đều đặn. Cứ như thể 54 năm cuộc đời, 1 cái chân cụt và 2 vòm vú hư chỉ là chi tiết nhỏ lẻ nào đó trong cuốn truyện hài.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 2.

Ngọc nhớ như in cái ngày định mệnh đó, 11 giờ đêm, ngày 11, Tết Ất Sửu, năm 1985. Sau một năm theo học đại học ở Hà Nội, Ngọc trở về nhà, rộn ràng đón Tết cùng gia đình.

Qua Tết vài hôm, mẹ Ngọc tất bật mở lại tiệm tạp hoá. Đêm nào, mấy chị em gái trong gia đình cũng thức tận canh khuya phụ mẹ dọn dẹp. Ngọc đảm nhiệm phần quét nhà, gom vỏ bánh kẹo thừa mứa, rồi đổ đúng đống rác bên kia đường mà mẹ quy định.

Tối đó, lúc sang đường, Ngọc bị ô tô đâm trực diện. Chiếc xe lao vun vút cán qua người, cuốn Ngọc vào gầm. Chị chỉ kịp cuộn người lăn ra ngoài, nhưng một phần chân thì mãi nằm gọn dưới bánh xe, nát bươm như chuối băm.

"Cả nhà chạy ra, ai nấy đều khóc. Bố mẹ lấy dây thun buộc hàng nẹp chân chị lại, cõng lên xích lô rồi chở đi. Cái chân chị chỉ còn dính đúng miếng da, nhưng chị chẳng biết đau nữa".

Nửa đêm, bố mẹ đưa Ngọc vào viện, nài nỉ: "Cố gắng giữ được khớp gối". Bác sĩ lắc đầu: "Sẽ nhiều thời gian và tiền bạc lắm". "Bao lâu cũng được, bán nhà tôi cũng cứu con bé", rồi bố mẹ chị khóc nấc.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 3.

Ca tai nạn giao thông năm đó đặc biệt nghiêm trọng. Dù Ngọc đã được phẫu thuật ngay trong đêm, nhưng bác sĩ chỉ giữ lại được 15 phân đùi với may mắn có thể đeo mõm chân giả. Tuổi 18, đang là cô sinh viên Hà Nội danh giá, sáng láng tựa ánh trăng rằm, đùng một cái… Ngọc thành người tàn tật.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 4.

"Buồn bã, đau đớn lắm! Mỗi lần nhìn cái chân từng nhảy nhót, tung tăng giờ lở loét, cụt ngủn, máu mỡ tứa ra vì nhiễm trùng….mà đứt từng khúc ruột. Mẹ thấy chị không thiết ăn uống, bà bất lực, cầm sẵn vốc thuốc, bảo: Nếu con không muốn sống thì mẹ 50 viên, con 50 viên, uống đi rồi cùng chết. Nghe xong, chị biết rằng mình đau một, mẹ đau gấp mười nên bất cứ giá nào cũng phải cố."

Là người chứng kiến bao mất mát, nỗi đau khi con gái thành tàn tật, bị người đời cười chê "Long lanh như bát nước chè/ Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân…", mẹ Ngọc đau đớn bội phần. Nhiều đêm, bà luôn tự trách mình là thủ phạm, rằng chính bà đêm đó đã một mực bắt Ngọc sang đường, rằng chính bà đẩy con gái vào vụ tai nạn thương tâm. Sự dằn vặt, ân hận vắt kiệt sức khoẻ khiến bà ngã quỵ.

Một hôm, chờ mẹ ngồi xuống cạnh giường, Ngọc vội nắm bàn tay bà, bịa ra lời nói dối: "Mợ ơi mợ! Hồi ở Hà Nội, con đi xem bói, người ta bảo năm 18 tuổi không gặp tai nạn thì 21 tuổi con cũng chết thôi". Nghe xong, người mẹ ôm con gái, nức nở.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 5.

"Chị phải tự dối mình, dối mẹ như thế để mẹ tiếp tục vui sống. Không biết mẹ tin điều đó là thật không, nhưng chị thì đã giấu, giấu mãi đến khi bà mất…Chị biết nói dối thế là không tốt, nhưng lúc ấy chả biết nói thế nào là tốt nhất" - Ngọc nhớ lại.

Năm đầu tiên trong viện, mỏm cụt dài hơn 15 phân, qua năm sau, nhiễm trùng, cái chân sưng to như cái ấm, bác sĩ cưa đi cưa lại 4 lần, nó thụt xuống còn 8. Từng mũi khoan sống đâm thẳng vào tuỷ xương, Ngọc đau đớn, bấu tay đến bầm máu.

Chân vừa lành, chị lại âm thầm giấu bố mẹ, ở viện tập tành đi bằng chân giả. Ngày xỏ vào ống gỗ, chưa kịp bước đi thì lớp da non đã kéo rách toạc. Cứ thế, máu chảy rồi khô, đau đớn thành sắt đá, vết thương đứt lại thành những cục thịt chai lì,… Ngọc từng bước, từng bước một, đi trở lại.

Hơn 3 tháng sau, chị xin bác sĩ tự trở về nhà. Ngọc bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện, thênh thang, vui vẻ đi bộ hơn 3 km trên mỏm chân giả. Hôm ấy, lễ 2.9, đường phố đông nghịt, tụi con nít cười tít mắt theo bố mẹ dạo chơi trên những con xe số đủ màu. Ngọc lặng lẽ nhấc từng bước, mồ hôi đẫm vạt áo, máu rỉ tràn ra mỏm chân giả, ướt sũng. Đến cửa nhà, chị lớn tiếng gọi bố mẹ. Cả hai nhìn ra sân, thấy bóng con trong máu và nước mắt, họ cũng lại khóc.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 6.

Bao nhiêu buồn tủi trôi qua, năm 29 tuổi, cuối cùng Ngọc cũng được đền đáp một món quà tình yêu xứng đáng. Năm đó, có anh chàng kỹ sư nghèo sang nhà chơi, nghe chuyện cái chân cụt mà đem lòng thương. Ngày nọ, anh bảo: "Anh sẽ dành phần đời còn lại bù đắp cho em". Thế rồi cả hai có với nhau cái đám cưới, xây một tổ ấm nho nhỏ, 2 mụn con vừa trai vừa gái.

Thế mà, hạnh phúc chẳng tày gang. Một lần đưa tay sờ qua vú phải, Ngọc lờ mờ thấy cục nhỏ nhỉnh hơn hạt đỗ đen. Đợt đó, chị lặn lội ra Hà Nội, vào bệnh viện K. Bác sĩ chụp phim, nhìn phác đồ rồi gọn lỏn: "Ung thư rồi!". Hai chữ ung thư khiến chị choáng váng. Chị xin được về.

"Người nhà nhắn tin, gọi điện cả ngày trời. Chị thì bình tĩnh lắm, nghĩ kiểu gì cũng chết nên vào tiệm tóc, ép cho thật đẹp cái đầu mới, rồi tự đón xe trở về chờ chết… "

Ung thư - vào khoảng thời gian đó, khi sự hiểu biết, thông tin còn hạn hẹp, ai ai đều nghĩ đồng nghĩa với cái chết. Sang tuần, 2 vợ chồng Ngọc quyết định nghỉ việc. Mỗi sớm, cả hai đèo nhau đi dạo quanh bờ hồ, thăm thú vài địa điểm chưa đặt chân đến, gặp bạn cũ, họ hàng, người thân quen lâu lắm chưa thăm hỏi… Đêm, người chồng thủ thỉ: "Bất kỳ chuyện gì xảy ra, anh sẽ mãi bên em…", chị khóc oà.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 7.

"Chị đã dặn dò tất cả cho con. Chị lớn sau này phải biết tắm cho Phong, đút Phong ăn khi không có mẹ. Dặn cậu nhỏ một mình vẫn phải ráng học hành. Hồi đó, cu cậu lên lớp 3, chị hứa sẽ mua cho chiếc cặp mới. Nhưng nghe chị nói thế, cu cậu nằng nặc từ chối: Mẹ ơi, cặp Phong vẫn dùng được, Phong không muốn ăn bim bim nữa, mẹ để tiền đi chữa bệnh… Con vừa ôm mình, vừa nói mà nước mắt thì chảy mãi".

Ngọc nhập viện 9 tháng, truyền 6 đợt hoá chất, 45 lần xạ trị, cắt bỏ khối u bên ngực phải. Đợt đầu tiên vào thuốc, 11 ngày sau tóc đã rụng hẳn. Lo con sợ hãi, chị vội gọi chúng vào phòng, bịa chuyện: "Mẹ đi bệnh viện, đầu mẹ nóng lắm, mẹ không chịu được, bố mua cái tông đơ rồi cạo trọc cho mẹ…"

Chiều đó, 2 đứa trẻ hí hoáy chơi đùa với mớ tóc rối của mẹ. Chúng loay hoay cầm chỏm tóc cho bố đi những đường tông đơ dài, rồi nhìn tóc rơi lả tả, ồ lên cười khanh khách, vui tươi. Bao tiếng cười, bao ngây ngô dại khờ, Ngọc vụn vỡ bấy nhiêu.

Sự suy sụp, tiều tuỵ khiến chị khước từ được gần gũi gia đình. Nhưng càng đẩy người chồng ra, anh lại càng ôm chặt chị vào lòng: "Ngày anh lấy em, em còn nguyên vẹn không? Hồi ấy mất một chân rồi, giờ mất thêm một vú có sao đâu…".

"Lúc nào chị cũng cầm sẵn 100 viên thuốc ngủ em. Đi khám về là xin bác sĩ riêng 2 vỉ thuốc để đó. Chị đã dặn chồng, nếu một ngày bác sĩ trả về, chị không còn đi lại, nấu cơm, giặt quần áo cho bố con nữa, hãy để chị uống. Nhưng mãi không chết, thuốc để lâu hết hạn, thế là hết cơ hội luôn…" - Ngọc cười.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 8.

Cả câu chuyện dài đời Ngọc, chị chưa bao giờ ngừng chiến đấu. Năm 18 tuổi, tai nạn mất chân, chị chiến đấu để được bước đi trở lại. Năm 43 tuổi, ung thư, mất vú, chị chiến đấu để vượt cái chết trở về. "Đó là giai đoạn có nằm trên giường, trong giấc mơ, vẫn phải hô vang khẩu hiệu quyết thắng" - chị hóm hỉnh bảo.

Và rồi, Ngọc chiến thắng.

Vượt án tử trở về, Ngọc tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng vì người có K. Ngọc cùng hơn chục chị em đứng ra thành lập nhóm ACCC - "Ăn chơi chờ chết". Sau này, nhóm ACCC được đổi tên thành câu lạc bộ tổ chức tự nguyện của bệnh nhân ung thư vú "Người phụ nữ kiên cường", nơi mà Ngọc vẫn hay đùa rằng chẳng ai thực sự muốn trở thành thành viên.

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 9.

5 năm thành lập, "Người phụ nữ kiên cường" đã trở thành mái nhà chung cho tất cả phụ nữ có K. Mang trên mình đầy thương tích, một cái chết dường như định sẵn, nhưng họ thực sự là chiến binh. Mỗi ngày trôi qua, cả "đại đội" lại cùng nhau sát cánh chiến đấu chống ung thư. Đồng bệnh nên các chị em kết nối rất nhanh. Họ sẵn sàng chia sẻ từng câu chuyện về nỗi đau bệnh tật, những tâm tư thầm kín, thực hiện từng lời hứa, rồi lặng lẽ đưa tiễn nhau trong ngày tháng cuối đời.

"Có tháng chị tiễn liên tiếp 3-4 chị em liền. Nhiều đứa hôm qua vẫn còn cười đùa, ôm nhau chụp ảnh, vậy mà ngày mai người nhà nhắn tin:"Vợ em đi rồi"… Những lúc ấy, chị suy sụp, không muốn làm kiên cường, không muốn thành thủ lĩnh nữa. Nhưng rồi nghĩ tới lời tâm sự: "Chị ơi em muốn chết quá", "Chị ơi sao mình khổ thế này"… lại phải gắng gượng. Chị mà quỵ ngã thì còn tư cách gì để trả lời câu hỏi đó, thế là chị đứng dậy".

Mỗi năm, câu lạc bộ Người phụ nữ kiên cường đều tổ chức các hoạt động cộng đồng cho các chị em có K. Năm 2017, Ngọc cùng "đại đội" đi thăm thú Hạ Long, chị một chân vẫn chèo thuyền Kayak đưa chị em vượt biển khiến ai nấy cười ngắt nghẻo. Rồi có tháng lại lên rừng, leo đỉnh Lũng Cú, tháng xuống biển, trèo ghềnh Đá Đĩa. Ngọc ngồi tẹt mông xuống đất lết từng bước bằng một chân, nhưng miệng thì cười vui tươi lắm.

Không những thế, nhiều chị em câu lạc bộ "Người phụ nữ kiên cường" còn chụp ảnh triễn lãm khắp Hà Nội để tuyên truyền về ung thư vú. Chân cụt ngủn, đầu trọc lóc nhưng Ngọc lúc nào cũng tươi roi rói, rạng rỡ như thiếu nữ. Rồi những đêm thức trắng, cả "đại đội" ngồi tỉ mẩn may từng chiếc mũ vải cho bệnh nhân không tóc, tổ chức hội chợ Tết 0 đồng, Giáng sinh cho bệnh nhi K3 Tân Triều, quỹ sữa vì hoàn cảnh khó khăn… Mất một chân, Ngọc có thêm vô vàn đôi tay khác để giúp đỡ mọi người.

Có hôm vô viện, nhìn tụi con nít không chân, cụt tay tách biệt khỏi đám đông, ngồi buồn thiu vì không thể chạy nhảy, vui đùa, Ngọc sắn ống quần lên cao, cười: "Cô giờ cũng như con, không chân chạy được mới tài…". Rồi chị lò cò chiếc chân giả, vừa dắt tay tụi nhỏ nhảy nhót tung tăng.

"Con có thể sống không cô?" - một đứa ngây ngô hỏi."Được! Con chỉ cần ăn khoẻ, uống thuốc đều đặn như bác sĩ dặn, rồi vui chơi thôi… Mai mốt con sẽ khoẻ như cô…" - chị trả lời.

"Ai rồi cuối cùng cũng sẽ đến một cái đích thôi mà! Tụi chị chỉ đi nhanh hơn, nhưng còn may mắn vì có thời gian chuẩn bị mọi thứ. Lo sắp đặt công việc thế nào, con mình sau này học ở đâu, thi trường nào, mình nợ ai, ai nợ mình, mình chết nằm đâu, đám ma đám chay phải những ai… Cứ như vậy, nên phải vui vẻ tận hưởng từng ngày còn lại…"- Ngọc nói.

Đến hôm nay, cả đại đội Người phụ nữ kiên cường đã có hơn 800 chiến binh. Nhiều người trong số họ, gần cả nửa cuộc đời chiến đấu trên chiến trường K, ra ra vào vào viện đều đặn, thuốc men, dịch truyền, sự đau đớn đã phá huỷ gần như toàn bộ cơ thể. Nhưng họ chiến thắng.

Cũng có người vừa đi vào mặt trận vài hôm, có người trẻ như búp hoa non, vừa lấy chồng, chưa có con thì đã vội vã chia ly, nằm lại mãi trong phòng bệnh trắng. Có người mất chân, cụt tay, vòm vú hư, vẫn yêu đời. Hàng tháng, họ tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện, kết nối với các bác sĩ chuyên ngành ung thư tại Hà Nội để chia sẻ kiến thức về bệnh tật.

Họ chấp nhận thực tế nghiệt ngã, hàng tuần hàng tháng nhìn những chiến binh của mình lần lượt rời xa, nhưng mỗi ngày còn lại, cuộc sống này, niềm vui này, nụ cười cười chưa bao giờ vụt tắt…

Chuyện của Ngọc: 18 tuổi cụt chân. 43 tuổi ung thư. 100 viên thuốc ngủ và nụ cười chiến thắng tuổi 54 - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại