Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông sẽ Tillerson hành xử ra sao khi đến thăm một trong những điểm nóng trên thế giới này, với một hành trang ít ỏi về ngoại giao.
Ngay cả khi sự nhạy bén ngoại giao của ông Tillerson đang bị thử thách, các nước chủ nhà, đặc biệt là Trung Quốc, có thể sẽ tập trung tìm hiểu xem quan điểm của ông Tillerson sẽ được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe đến đâu.
Tiến sỹ David Lampton, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc tại Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins ở Washington nói: "Tại mỗi chặng dừng chân, khi ông Tillerson gặp gỡ các đồng minh hay giới chức Trung Quốc, họ sẽ tự hỏi liệu những điều ông ta phải nói có ảnh hưởng ở Nhà Trắng hay không."
Ngoài những chương trình nghị sự như cách thức đối phó với Triều Tiên, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc và mối quan hệ Mỹ-Hàn Quốc sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất, câu hỏi lớn nhất trong chuyến thăm này của Ngoại trưởng Mỹ, theo giới chuyên gia, sẽ là tân Ngoại trưởng Mỹ đứng ở đâu trong hệ thống cấp bậc về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.
Tiến sỹ David Lampton nói: "Điều mà họ muốn đánh giá nhiều nhất là: Ông Tillerson gần gũi như thế nào với Tổng thống Trump? Ông ấy đứng ở đâu trong quá trình đưa ra quyết sách của một nhà lãnh đạo bốc đồng, thường lắng nghe một số người xung quanh mình chứ không phải những người khác."
Về điểm này, những dấu hiệu ban đầu chưa có gì tốt lành cho ông Tillerson.
Tuy nhiên, một số ít thông tin rò rỉ từ Nhà Trắng cho thấy rằng vị ngoại trưởng này đã lọt vào nhóm nòng cốt bị chi phối bởi chiến lược gia chính trị Steve Bannon và con rể Jared Kushner của ông Trump./.