Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến công du châu Á với các chặng dừng bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Chuyến đi của ông Trump về tổng thể được đánh giá tương đối êm đềm so với những dự báo về các thách thức mà ông sẽ gặp phải trước đó.
Chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày qua 5 nước, chuyến đi quan trọng nhất từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, đã diễn ra êm đẹp dù thực sự không có đột phá nào đáng kể. Chuyến công du lần này của ông Trump được giới quan sát đặc biệt quan tâm theo dõi bởi nhiều lý do liên quan đến tính khí cá nhân của Tổng thống cũng như chiến lược ngoại giao của chính quyền Trump với một khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế như châu Á-Thái Bình Dương.
Trước khi Tổng thống Mỹ lên đường, giới quan sát đã đánh giá đây sẽ là một phép thử cho phong cách ngoại giao của ông Trump cũng như là chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực từng được chính quyền tiền nhiệm Obama đặt vào trọng tâm của chính sách đối ngoại.
Mục đích của các chuyến công du của mỗi Tổng thống Mỹ đều nhằm tăng cường quan hệ với các nước mà họ tới thăm cũng như quảng bá hình ảnh nước Mỹ. Điều này đã được tổng thống Trump thực hiện khá tốt thông qua các buổi gặp mặt, các cuộc đón tiếp nồng hậu với những nghi thức ngoại giao trang trọng và hoành tráng nhất. Trên phương diện cá nhân, hình ảnh tổng thống Trump đã được thể hiện khá tích cực trên các mặt báo quốc tế và trong nước, điều hiếm khi thấy ở các tờ báo lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, ngoài phương diện hình ảnh cá nhân, Tổng thống Trump chưa thể hiện được sự đột phá nào ở tầm chiến lược như dư luận mong đợi. Qua các bài diễn văn chính thức và những cuộc tiếp tân với lãnh đạo các nước, tổng thống Trump nhiều lần nhắc lại hai ưu tiên của chính sách Mỹ là: Gia tăng áp lực với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và kêu gọi các đối tác để các doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt nhất vào thị trường châu Á.
Trước chuyến đi, giới phân tích và quan sát kỳ vọng chính quyền ông Trump sẽ dần đưa ra một chính sách liên quan tới thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở” đã được đề cập nhiều lần trước đó. Đây được kỳ vọng sẽ là chiến lược mới của Mỹ đối với khu vực so với chiến lược xoay trục của cựu tổng thống Obama, tuy nhiên, không có nhiều thông tin mới nào được đưa ra trong chuyến công du và thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở vẫn chỉ là một phác họa. Ngoài ra, nếu so sánh trước và sau chuyến công du châu Á của ông Trump, thực sự không có gì thay đổi về hồ sơ Triều Tiên. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn chỉ là những tuyên bố vỗ về khẳng định lại quyết tâm bảo vệ các đồng minh, cảnh cáo Bình Nhưỡng. Tương tự, Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên cũng không có đột phá nào.
Về thương mại, tổng thống Donald Trump tuyên bố đây là một chuyến thăm thành công, và ông đã đạt bước tiến gần hơn đến mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Ông Trump đã dành phần lớn thời gian trong những lần xuất hiện của chuyến thăm này để nhấn mạnh về sự cần thiết phải giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Ông cũng đề cao chủ trương "nước Mỹ trên hết", cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ rằng ông sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ các công ty và người lao động Mỹ. Trong chuyến thăm, một loạt thỏa thuận kinh doanh đã được ký giữa các công ty Mỹ và các công ty trong khu vực.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, phần lớn những thỏa thuận này là những bản ghi nhớ. Mặc dù vậy, ông Trump tuyên bố chuyến thăm của ông mang lại trị giá thỏa thuận ít nhất 300 tỷ USD, thậm chí là gấp ba lần con số này.
Cuối cùng, có thể nói chuyến công du châu Á 12 ngày của Tổng thống Donald Trump là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió từ đầu đến cuối và không có nhiều thách thức như giới quan sát đã dự báo hay trông đợi trước đó./.