Hôm 13/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von De Leyen đã có bài phát biểu thường niên kéo dài hơn một giờ đồng hồ, trong đó có cả chuyện công và chuyên tư.
Bà Leyen. Ảnh: AP.
Bài phát biểu đề cập những vấn đề cấp bách nhất mà Liên minh châu Âu đang phải đối mặt, trong đó được quan tâm nhiều nhất là chính sách năng lượng và chính sách khí hậu của EU, trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều đồn đoán về sức chống chịu của EU trong mùa đông tới.
Cùng với những chính sách chung của toàn khối, điều mà nhiều người chờ đợi ở bài phát biểu của bà Leyn là kế hoạch của cá nhân bà khi cuộc bầu cử châu Âu sẽ diễn ra vào năm sau. 4 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên vừa qua, bà Leyen đã chèo chống đưa EU vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, vì vậy đang có rất nhiều đồn đoán về việc bà có thể tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Cách tiếp cận của châu Âu
Vào thời điểm cuối năm trước, Châu Âu vẫn đang lo lắng và đầy chật vật trong quá trình chuẩn bị tích trữ năng lượng cho mùa đông sắp tới. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn khối và các nhà lãnh đạo buộc phải yêu cầu người dân tiết kiệm, thậm chí là tính đến phương án cắt điện luân phiên để có thể đảm bảo nguồn điện đủ cung ứng cho mùa đông lạnh giá. Chưa kể đến giá năng lượng lúc đó đã leo thang, lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 trong vòng mấy tháng ở một số quốc gia gây nên hoang mang cực độ cho người dân bản địa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Châu Âu đã rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu cho bài học đắt giá của mình. EU đã có sự chuẩn bị khá chắc chắn về năng lượng dự trữ cho mùa đông sắp tới. Khối hiện đang có 100 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 12 quốc gia thành viên với tổng công suất gần 100 Gigawatt. Một số nước thành viên nhóm 27 đang tiến hành xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân mới như Phần Lan, Pháp, Slovakia và Hungary. Và nhiều dự án điện hạt nhân đang được nhen nhóm ở nhiều nước khác. Điện hạt nhân hiện đang chiếm khoảng 22,1% tổng số năng lượng sản xuất của EU.
Ngoài ra, theo dữ liệu tổng hợp từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), các cơ sở lưu trữ Châu Âu đã lấp đầy trung bình hơn 90% kho lưu trữ khí đốt, tương đương khoảng 93 tỷ mét khối vào giữa tháng 8 vừa qua, sớm hơn nhiều so với mục tiêu được đặt ra là ngày 1/11 hàng năm. Và theo Ủy ban châu Âu, tỷ lệ 90% có thể đáp ứng tới 1/3 nhu cầu khí đốt của EU trong mùa đông. Điều này sẽ giúp khối có thể ổn định thị trường khí đốt trong thời gian tới. Hơn nữa, các quốc gia thành viên đã cam kết giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2023 đến hết tháng 3 năm 2024 so với mức trung bình được ghi nhận trong các năm 2017-2022. Phần lớn họ đã vượt mục tiêu này vào năm ngoái nhờ thời tiết tốt và giá cả cao đã thúc đẩy các hộ gia đình và doanh nghiệp phải tiết kiệm. EU cũng đã giảm mức tiêu thụ khí đốt xuống 18% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023 so với mức trung bình của 5 năm trước đó. Với các dự liệu trên, các chuyên gia cho rằng Liên minh Châu Âu có đủ cơ sở để có thể hoàn toàn tự tin trước mùa đông đang đến.
Thế nên, trong bài phát biểu hôm thứ 4 (13/9), Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen chỉ tập trung vào việc hỗ trợ năng lượng tái tạo. Bà cho biết Liên minh Châu Âu sẽ đề xuất một gói hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng gió của Châu Âu trong bối cảnh các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phải đối mặt với những thách thức như lạm phát. Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh Liên minh Châu Âu đang hoàn thiện khung pháp lý để nhắm tới mục tiêu sản xuất 42,5% tổng số năng lượng sẽ là năng lượng tái tạo vào năm 2030. Các chuyên gia đánh giá đây là một trong những mục tiêu tham vọng nhất trên thế giới tại thời điểm này. Điều này cho thấy, lối tư duy của EU đã thay đổi hoàn toàn so với 1 năm trước đây, chỉ tập trung nhìn vào tương lai và hướng đến việc làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, Liên minh Châu Âu vẫn còn dễ bị tổn thương và phụ thuộc nhiều vào thị trường khí đốt. Đơn cử như việc giá khí đốt tăng vọt vào đầu tháng 8, sau khi có nguy cơ đình công tại các cơ sở khí đốt lớn ở Australia và nhu cầu tăng mạnh ở Châu Á. Sự tự tin của khối 27 chỉ được đảm bảo khi thời tiết tốt và không có biến động địa chính trị lớn nào xảy ra trong mùa đông này.
Thỏa thuận Xanh đẩy cao chi phí đầu vào của doanh nghiệp
Liên minh Châu Âu hiện đã thông qua phần lớn điều khoản của « Thỏa thuận xanh », một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon của khối. Đây cũng được coi là dự án tâm huyết của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn còn 37 văn bản đang được đàm phán. Trong đó, một số văn bản như "phục hồi thiên nhiên" hay quy định về thuốc trừ sâu, v.v. vẫn đang vấp phải sự phản đối từ cánh hữu và cánh cực hữu, những người tố cáo gánh nặng quy định áp đặt lên nông dân và các doanh nghiệp. Thậm chí Đảng nhân dân Châu Âu (EPP) đã từng nhấn mạnh các cử tri và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không tuân theo sự thay đổi của chương trình Thỏa thuận Xanh nếu nó đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí và các thủ tục hành chính bổ sung.
Trước những ý kiến đó, trong bài phát biểu của mình, bà von der Leyen đã cam kết “đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng” với “lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời khẳng định sẽ thu hút các doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện “Thỏa thuận xanh” thông qua tham vấn. Bà sẽ bổ nhiệm, trước cuối năm nay, một đặc phái viên Châu Âu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người sẽ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. Nhưng các chuyên gia Châu Âu cũng lưu ý rằng, phương án này dường như không mấy khả thi khi chỉ có một người phải đối mặt với khối công việc khổng lồ. Chưa kể đến việc các dữ liệu thu thập được sẽ có thể phiến diện và không phản ánh hết được tình hình thực tế.
Ngoài ra, dự án Thỏa thuận Xanh còn vấp phải phản ứng gay gắt của các ngành sản xuất hàng đầu Châu Âu như ngành sản xuất ô tô hay ngành cơ khí… Họ cho rằng việc đặt ra nhiều quy định với cách tiếp cận « lý tưởng hóa » sẽ làm giảm sức cạnh tranh và tạo cơ hội cho những đối thủ khác của Châu Âu như Mỹ hay Trung Quốc. Về phần mình, bà von der Leyen cho rằng Thỏa thuận Xanh không mẫu thuẫn với việc cải thiện khả năng cạnh tranh của Châu Âu mà ngược lại khối sẽ có thêm lợi thế trong tương lai với việc đổi mới “công nghệ sạch”. Bà cũng dẫn chứng rằng trong 5 năm qua, số lượng nhà máy thép sạch ở EU đã tăng từ 0 lên 38 nhà máy. Hiện, Châu Âu đang thu hút nhiều khoản đầu tư vào hydro sạch hơn cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại.
Khả năng bà Von De Leyen
Bà Ursula von der Leyen là người đứng đầu Ủy ban châu Âu kể từ năm 2019 và cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 6 năm sau. Bà luôn là người kín tiếng với giới báo chí về những dự định tương lai của mình. Cho đến gần đây, bà von der Leyen vẫn từ chối cho biết liệu bà có tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau cuộc bầu cử châu Âu vào năm 2024 hay không. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm thứ 4 (13/09), bà đã trình bày một loạt chính sách liên quan đến nhiệm vụ chính trị của Ủy ban trong 4 năm tới, từ chính sách Thỏa thuận Xanh, cho đến việc hỗ trợ nông dân, chống dân di cư bất hợp pháp cũng như việc mở rộng Liên minh Châu Âu. Điều này cho thấy nhiều khả năng bà sẽ tham gia ứng cử nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu thứ hai vào năm tới.
Theo nhận định của các chuyên gia, bà Ursula von der Leyen hiện đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên khối 27. Thành công này đến từ nhiều khía cạnh, một trong những thành công nổi bật của bà là đã dẫn dắt Châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 một cách hiệu quả. Bà lại thêm một lần nữa thành công khi có thể tạo nên tiếng nói chung Châu Âu trong việc ủng hộ Ukraina. Một sự hòa hợp khiến giới chuyên môn phải ngạc nhiên. Chưa kể đến mới đây, sự ủng hộ từ các chính phủ dành cho bà von der Leyen tiếp tục được củng cố bằng việc ký kết thỏa thuận trị giá 785 triệu euro với Tunisia vào tháng 7 vừa qua. Thỏa thuận này nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ kinh tế cho quốc gia Bắc Phi, để đổi lấy cam kết tăng cường ngăn chặn tình trạng di cư qua Biển Địa Trung Hải. Ngay cả lãnh đạo Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trung hữu, Manfred Weber, người được coi là có thể trở thành đối thủ của bà von der Leyen trong việc tranh cử chức chủ tịch Ủy ban, cũng đã nêu bật sự thành công của bà với giới báo.
Hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định việc bà Ursula von der Leyen có tiếp tục tham gia ứng cử nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu hay không. Nhưng một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là đến thời điểm này, nếu bà von der Leyen quyết định rút lui khỏi cuộc đua thì nguyên nhân chính không phải là vì những thành tích bà đã đạt được trong thời gian qua.