Chuyên cơ cứu trợ Covid-19 của Trung Quốc làm gì mà C-17A Australia vừa nhìn thấy đã bỏ về?

Hải Võ |

Giới chức quốc phòng Australia đang tìm hiểu nguyên nhân nhân chiếc máy bay từ Trung Quốc làm "trì hoãn" việc hạ cánh của máy bay Australia mang hàng cứu trợ nhân đạo cho Vanuatu.

Vụ việc gây xôn xao diễn ra hôm Chủ nhật, 12/4, khi máy bay chở hàng cứu trợ của Không lực hoàng gia Australia (RAAF) chuẩn bị hạ cánh tại thủ đô Port Vila của đảo quốc Vanuatu trên Thái Bình Dương, song đã quay đầu trở về Australia khi nhận thấy một máy bay Trung Quốc cũng có mặt trên đường băng.

Chiếc máy bay của Trung Quốc mang theo vật tư y tế viện trợ cho Vanuatu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.

Australia nói máy bay Trung Quốc dỡ hàng cứu trợ chậm trễ

Chuyên cơ cứu trợ Covid-19 của Trung Quốc làm gì mà C-17A Australia vừa nhìn thấy đã bỏ về? - Ảnh 1.

Bộ trưởng quốc phòng Australia, bà Linda Reynolds, ngày 14/4 thông báo trên Twitter rằng nước này đã chuyển giao hàng hóa cứu trợ cho Vanuatu

Theo tờ Sydney Morning Herald, vận tải cơ của RAAF được nhà chức trách địa phương cho phép hạ cánh tại Port Vila, nhưng đã bay vòng trên không trung rồi quyết định trở về Brisbane, Australia, khi đạt đến giới hạn nhiên liệu.

Đang có những lo ngại gia tăng bên trong Bộ quốc phòng Australia, rằng liệu có sự cố ý trong việc làm trì hoãn máy bay của nước này hạ cánh hay không.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Australia nói rằng vận tải cơ Boeing C-17A Globemaster III của họ, mang theo 13 kiện hàng viện trợ nhân đạo để ủng hộ nỗ lực giảm thiệt hại do thảm họa ở Vanuatu, đã trở lại Port Vila vào ngày thứ Hai, 13/4.

"Chiếc máy bay đã không thể hạ cánh một cách an toàn vào ngày 12/4/2020," nữ phát ngôn nói hôm 15/4.

"Có một chiếc máy bay khác - chuyên cơ A320 từ Trung Quốc - đã chậm trễ trong việc tháo dỡ lô hàng cứu trợ Covid-19 tại sân bay Port Vila và cản trở chiếc C-17A của RAAF hạ cánh một cách an toàn. Máy bay C-17A RAAF đã trở về Australia vào ngày 12/4/2020, khi đã đạt đến giới hạn nhiên liệu an toàn."

Người phát ngôn này xác nhận, chuyến bay của RAAF "được nước sở tại chấp thuận hoàn toàn" để hạ cánh, và Australia "đang thảo luận những nguyên nhân đằng sau sự cố đáng tiếc này với tất cả các bên để bảo đảm nó không tái diễn".

"Australia sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với chính phủ Vanuatu để vận chuyển hàng viện trợ nhân tạo nhằm khắc phục hậu quả do bão nhiệt đới Harold. Quy trình kiểm soát Covid-19 được tuân thủ nghiêm ngặt khi xử lý số vật tư này."

Giám đốc chương trình quốc phòng thuộc Viện chính sách chiến lược Australia, Michael Shoebridge, nói rằng sân bay Vanuatu không lớn và đặt câu hỏi về khả năng nó cho phép hạ cánh hai máy bay cỡ lớn.

"Chiếc C-17 được thiết kế với kích thước cho phép nó có thể hạ cánh ở các sân bay nhỏ ở mức phù hợp. Nhưng thực tế có hai máy bay hoạt động song song, chở và dỡ hàng, có thể là nhân tố hạn chế để bảo đảm hạ cánh an toàn," ông Shoebridge nói.

Theo chuyên gia này, sự lộn xộn trong khâu dọn dẹp mặt bằng đã không cho phép cả hai máy bay cùng hạ cánh.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tố Australia chính trị hóa sự cố

Sự cố ngày 12/4 xảy ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Australia đề gửi viện trợ nhân đạo cho Vanuatu nhằm ứng phó hậu quả của bão Harold. Hai nước này cũng gửi vật tư y tế cùng các hỗ trợ khác để giúp các đảo quốc Thái Bình Dương ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát.

Bão Harold đã đổ bộ vào các đảo miền bắc Vanuatu hôm 6/4, trước khi tấn công Quần đảo Solomon, Fiji, và Tonga.

Theo Reuters, vụ việc trên hé lộ cạnh tranh ngày càng tăng giữa Australia và Trung Quốc về viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương, trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này.

Reuters dẫn lời giám đốc điều hành sân bay Port Vila, ông Jason Rakau, nói về tình huống ngày 12/4: "Máy bay Trung Quốc đậu ở tận phía cuối đường băng. Đường băng vẫn còn trống tới 2 km. Chúng tôi nói họ có thể hạ cánh nhưng họ lại quay về".

Báo China Daily (Trung Quốc) ngày 16/4 phản bác rằng chiếc C-17A đã có đủ nhiên liệu để bay trở về nhà mà không cần hạ cánh ở Vanuatu, minh chứng nó có thể dễ dàng tiếp tục "lượn vòng" trên không phận sân bay cho đến khi máy bay Trung Quốc dỡ xong hàng hóa, sau đó có thể hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại sân bay này.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc cáo buộc việc máy bay Australia bỏ về và giới chức nước này sau đó tung tin trên báo chí là hành động cố ý biến "hiểu lầm không may" thành một lùm xùm về chính trị nhằm chống lại Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại