Chuyên cơ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh giác cao độ gián điệp Trung Quốc

Cẩm Bình |

Các quan chức Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp đề phòng an ninh, nhằm đảm bảo Trung Quốc không thể hoạt động gián điệp qua các thiết bị điện tử, khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis công du Bắc Kinh từ ngày 26-28.6.

Thiết bị kết nối được mạng không dây như điện thoại hay máy tính xách tay rất dễ trở thành mục tiêu của gián điệp, vì vậy 10 nhà báo cùng ngồi chiếc Air Force E-4B với ông Mattis đến Bắc Kinh đều bị cấm mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào lên máy bay.

Quan chức an ninh Mỹ lo ngại gián điệp điện tử Trung Quốc cài vi rút hoặc mã độc vào điện thoại/máy tính xách tay, qua đó có thể theo dõi máy bay từ xa.

E-4B là loại máy bay chuyên chở Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng cùng những chỉ huy quân đội trong trường hợp chiến tranh xảy ra, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân.

Khi hoạt động, chiếc E-4B giống như một trung tâm chỉ huy trên không. Truy cập được vào hệ thống điện tử hay thông tin liên lạc của chiếc Boeing này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc chặn/gây rối hoạt động chỉ huy tác chiến hoặc dò xét được phương thức chỉ huy- điều khiển của quân đội Mỹ.

Chuyên cơ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh giác cao độ gián điệp Trung Quốc - Ảnh 1.

Một trong 4 chiếc E-4B của Mỹ - Ảnh: Defense News

Theo báo Washington Times, Trung Quốc được cho đang nhắm vào mạng lưới chỉ huy-điều khiển quân sự của Mỹ, nhằm phuc vụ cho việc thu thập thông tin tình báo cũng như tổ chức tấn công mạng trong tương lai.

Một chiến thuật gián điệp mới của Trung Quốc là cài thiết bị nghe lén vào chìa khóa điện tử phòng khách sạn. Nhân viên an ninh hộ tống Bộ trưởng Mattis đã yêu cầu mọi người bỏ lại tất cả chìa khóa trước khi lên máy bay về nước.

Những tổ chức tình báo và an ninh Trung Quốc triển khai đến 15.000 gián điệp điện tử để theo dõi người nước ngoài có mặt tại nước này. Một chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tất nhiên là mục tiêu không thể bỏ qua.

Nhà báo lẫn quan chức Mỹ buộc phải dùng điện thoại tạm khi đến Trung Quốc. Những điện thoại này sẽ bị bỏ lại khi họ rời Bắc Kinh.

Bất cứ máy tính xách tay nào một khi được mang ra khỏi máy bay thì sẽ không được mang vào nữa, phải bỏ đi hoặc trao cho các đồng nghiệp ở văn phòng tại Trung Quốc.

Nhà báo của những báo không có văn phòng ở Bắc Kinh thì phải tìm cách khác, hoặc phải chấp nhận bị mất liên lạc điện thoại hoàn toàn.

Một nhà bình luận của trang Your Inside the Ring đã mạo hiểm định thuê một máy tính Lenovo để sử dụng. Hãng máy tính này từng bị Lầu Năm Góc khuyến cáo là có cài phần mềm gián điệp của Trung Quốc. Người này còn gặp phải khó khăn khi ngôn ngữ của máy tính là tiếng Trung.

Một phóng viên đài phát thanh định dùng máy tính của tổ dịch vụ văn phòng khách sạn để gửi tin tức, nhưng vấn đề là nơi này không mở cửa cả ngày.

Mối đe dọa gián điệp Trung Quốc

Hai cơ quan gián điệp điện tử chính của Trung Quốc là Bộ An ninh quốc gia (MSS) và Lực lượng Hỗ trợ chiến lược (SSF) thuộc quân đội, cùng nhau tiến hành thu thập thông tin tình báo bằng công nghệ cao trong và ngoài nước. Ngoài ra, quân đội nước này còn có Cục 4 (4PLA), chuyên trách tác chiến điện tử và tình báo radar.

Việc Mỹ phải tiến hành nhiều biện pháp an ninh chặt chẽ trong chuyến công du của Bộ trưởng Mattis cho thấy mức độ nguy hiểm của lực lượng gián điệp điện tử của Trung Quốc. Giới an ninh Washington đã ghi nhận nhiều vụ việc trong nhiều năm qua.

Năm 2015, thông tin cá nhân của 21,5 triệu người nằm trong hệ thống của Văn phòng Quản lý nhân sự chính phủ Mỹ (OPM) bị đánh cắp. Cơ sở dữ liệu của hãng bảo hiểm y tế Anthem cũng bị tấn công. Tin tặc Trung Quốc được cho đứng sau hai vụ này.

Một báo cáo công bố gần đây của Nhà Trắng đã đưa ra nhiều thông tin chi tiết mới về hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Cụ thể, báo cáo cho biết MSS có đến khoảng 40.000 nhân viên tình báo ở nước ngoài và hơn 50.000 tại Trung Quốc. Hơn 90.000 người của MSS còn nhận được hỗ trợ từ “hàng chục nghìn” gián điệp quân sự.

Một đơn vị đặc nhiệm của Lầu Năm Góc còn khẳng định quy mô của gián điệp kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục tăng.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ khó mà xử lý hết những hành vi đánh cắp công nghệ quy mô của quốc gia châu Á này. Báo cáo đưa ra lý do: “Một phần là vì công ty Mỹ không sớm phát hiện được kẻ cắp “nằm vùng”. Ngoài ra cũng do họ không muốn báo cáo, sợ hứng chịu hậu quả bất lợi. Ngay cả khi nạn nhân báo cáo, chính quyền Bắc Kinh cũng không sẵn sàng hợp tác, khiến công tác điều tra trở nên khó khăn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại