Chuyện chưa kể về tộc người 'bí ẩn nhất thế giới': Cú bứt phá ngoạn mục

Hoàng Nam |

Hơn 60 năm sau khi rời hang đá, nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền, Bộ đội Biên phòng, đặc biệt sau khi con đường dài 11km được khai mở vào năm 2001, người Rục đã có cú bứt phá ngoạn mục trong hành trình hòa nhập cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng dạy người Rục trồng lúa nước

Bộ đội Biên phòng dạy người Rục trồng lúa nước

Học làm nông dân

Trở lại câu chuyện của 20 năm về trước, cuộc sống của đồng bào Rục vẫn phải dựa vào rừng và sự trợ cấp của Nhà nước. Trước khi con đường dài 11 km nối từ đường Hồ Chí Minh vào 3 bản người Rục, họ gần như không biết đến thế giới bên ngoài, vẫn độc hành trên con đường mưu sinh “săn bắt, hái lượm”.

Thiếu tá Trương Thanh Lưu, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, người đã có hàng chục năm gắn bó với đồng bào Rục kể rằng: “Những năm đầu bước ra từ hang đá, người Rục lạ lẫm với tất cả. Cuộc sống của họ chỉ đơn thuần với việc săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt từ rừng. BĐBP phải dạy đồng bào từ những bước sơ khai nhất là “phát, đốt, cốt, trỉa”.

Ngày ấy, bộ đội phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn, làm cho đồng bào xem, chỉ cho mọi người cách “chọc” đất tra hạt. Rẫy thì rộng nhưng đồng bào sau khi tra hạt xong là để đó, mặc thời tiết, thú rừng phá hoại, đến mùa chẳng thu được là bao... Từ những bước ban đầu như thế, cây ngô, cây sắn bắt đầu bám rễ trên rẫy, bước đầu có gạo, ngô, khoai, sắn thay bột nhúc trong bữa ăn của các gia đình người Rục”.

Chuyện chưa kể về tộc người bí ẩn nhất thế giới: Cú bứt phá ngoạn mục - Ảnh 1.

Người Rục đang ngày càng ấm no hơn

Năm 2009, trong một chuyến khảo sát tìm nguồn nước để lập dự án nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cụm dân cư và Đồn Biên phòng Cà Xèng vừa mới chuyển vào, thấy một dải đất chạy dọc theo con suối Rục Làn, đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình nghĩ ngay đến việc mở cánh đồng lúa nước trên vùng đất này. Nghĩ là làm, bước đầu, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng khai hoang, cùng dân bản trồng thử nghiệm trên 2,5 ha.

Thiếu tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Lúc đó, tôi là Đội trưởng Đội vận động quần chúng và cũng là một kỹ sư nông nghiệp (anh Ninh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, Đại học Huế) nên được chỉ huy giao nhiệm vụ hướng dẫn bà con thực hiện mô hình lúa nước. Ông Trần Trung Trực ở bản Yên Hợp được BĐBP mời cùng làm thử nghiệm vụ lúa nước đầu tiên. Mô hình trồng được 1.000 m2 lúa, thu hoạch 400 kg thóc. Ngày thu hoạch, dân 3 bản đổ về xem như hội. Chỉ ngay trước đó vài tháng thôi, đối với người Rục, lúa nước vẫn là một loại cây xa lạ, chỉ có miền xuôi và người Kinh mới trồng được.

"Tác giả" đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo việc tạo ra cánh đồng lúa nước Rục Làn là đại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình. Ngày còn đương chức, mỗi lần có dịp lên thăm Đồn Biên phòng Cà Xèng, ông dặn đi dặn lại anh em phải coi sóc ruộng lúa như là một nhiệm vụ chính trị, một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của người lính biên phòng.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc từng chia sẻ: "Dự án xây dựng cánh đồng lúa nước Rục Làn là một quyết định đúng đắn, nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh. Bởi, để giúp đồng bào Rục vươn lên không chỉ bằng các chính sách hỗ trợ mà phải hướng dẫn cho người dân biết tự sản xuất để tạo lập cuộc sống".

Vụ mùa đầu tiên thành công, không chỉ bà con mà cả cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Quảng Bình lúc đó ai cũng mừng rơi nước mắt”.

Theo thiếu tá Ninh, sau 2 vụ lúa “thử nghiệm” thành công, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã quyết định lập dự án đầu tư hệ thống thủy lợi và khai hoang vùng Rục Làn rộng hơn 10 ha thành một cánh đồng lúa nước cho đồng bào Rục.

Những vụ lúa đầu tiên tuy nói là thành công nhưng chủ yếu là công sức của bộ đội. Người dân chỉ tham gia với mức độ “xem” bộ đội làm lúa nước như thế nào. “Bộ đội phải tốn rất nhiều công sức cùng máy móc để san ủi mặt bằng, tạo đất màu.

Có những vụ lúa, ruộng vừa làm xong thì nước lũ tràn về cuốn trôi hết đất màu, cán bộ, chiến sỹ lại phải bắt tay vào cải tạo đất. Gieo giống xong lại gặp rét đậm, lúa sinh trưởng chậm và kéo dài tới 5 tháng mới thu hoạch... Nhìn cây lúa mà lo từng ngày, sợ vụ đầu tiên mà hỏng sau này rất khó vận động được bà con làm theo” - anh Ninh nhớ lại.

Làm chủ cánh đồng

Đến thời điểm này, cánh đồng Rục Làn đã bước qua vụ lúa thứ 20. Từ những vụ lúa đầu tiên bộ đội “làm hộ”, đến nay, phần lớn công việc trên đồng ruộng, đồng bào Rục đều tự tay làm lấy. Mỗi năm 2 vụ lúa, cánh đồng Rục Làn đạt năng suất trung bình 40 tạ/ha. Những năm được mùa năng suất còn đạt cao hơn, giúp cho hơn 50 hộ đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ bảo đảm nguồn lương thực cho cả năm.

Qua hơn 20 vụ lúa, bây giờ, ông Cao Xuân Phiên ở bản Mò O Ồ Ồ đã thành thục các công đoạn làm lúa nước, từ làm đất đến bón phân, ủ giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch lúa. Ông Phiên cho biết, mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình ông thu hoạch hơn 2 tấn lúa, không chỉ đủ gạo ăn cả năm mà còn thừa để dự trữ và chăn nuôi gà, lợn.

“Đời cha ông chúng tôi sống trong hang đá, phải ăn bột nhúc, củ mài, áo quần không có mặc. Bây giờ, thế hệ chúng tôi đã sống định cư, được Nhà nước giúp xây cho cái nhà, lại hướng dẫn trồng được lúa nước, cuộc sống đã đổi thay từng ngày”, ông Phiên tâm sự.

Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ chia sẻ: “Trước đây, dân bản không biết trồng lúa nước, chỉ biết trồng sắn, trỉa ngô trên rẫy. Nhờ BĐBP bày cho, bây giờ, dân bản đã làm chủ được cánh đồng, cuộc sống bà con dần ấm no hơn”.

Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Đóng quân trên địa bàn, bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị luôn trăn trở, kiên trì với những việc làm thiết thực nhất để giúp đồng bào Rục ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen lạc hậu, để họ ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Hơn 10 năm với những gian nan, vất vả, tưởng chừng phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, hiểu biết của đồng bào về lúa nước còn lạ lẫm, bộ đội đã phải đi từng nhà kêu gọi, động viên, thậm chí cho quà mới chịu đi làm. Và hiện nay bà con đã tự giác xuống đồng, nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra, chứ không đem đi đổi rượu như mỗi lần nhận gạo trợ cấp của Nhà nước” - thiếu tá Nguyễn Trung Chính chia sẻ.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại