Chuyện chưa kể về những phóng viên ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của tử tù

Anh Ngọc |

Thời điểm HĐXX tuyên án tử hình cũng là lúc các nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa lao đến ghi lại hình ảnh cuối cùng của phạm nhân.

Mỗi tử tù là một câu chuyện báo chí

Năm 2012, vừa ra trường thì nhà báo Hà Thị Hằng, đã về công tác tại tạp chí Đời sống và Pháp luật. Do tính chất công việc nên chị thường xuyên đến TAND tỉnh Nghệ An để theo dõi các phiên xét xử. Tròn 10 năm theo nghề, chị đã chứng kiến nhiều chuyện buồn vui xung quanh vòng móng ngựa để đưa vào bài báo.

Chuyện chưa kể về những phóng viên ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của tử tù - Ảnh 1.

Phóng viên Kim Long tác nghiệp tại TAND tỉnh Nghệ An.


"Phần lớn những vụ án được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử đều là vụ án quan trọng. Trong đó, do tính chất của đơn vị báo chí nơi tôi đang công tác nên tôi luôn chọn những vụ hình sự như giết người, ma túy, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích… để đưa tin với mục đích giáo dục, tuyên truyền chính sách của Nhà nước, là bài học răn đe cho những đối tượng khác", nhà báo Hằng nói.

Cũng bởi những hành vi nguy hiểm cho xã hội này nên rất nhiều bị cáo trong các vụ án nhà báo Hà Thị Hằng đến theo dõi HĐXX đã tuyên án tử hình. Với nhiệm vụ của mình, nhà báo vô tình là người chụp lại những tấm hình cuối cùng của các đối tượng này. Tử hình được coi là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam. Là hình phạt nghiêm khắc nhất, tử hình chỉ được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và được thi hành theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ.

Cũng vì vậy, khi đối diện với mức án cao nhất thì tâm lý mỗi con người đều khác nhau. Có những "ông trùm" nhiều năm tung hoành buôn bán ma túy, gây ra cái chết trắng cho rất nhiều gia đình, úc đầu vào phiên tòa thì tỏ vẻ bình tĩnh nhưng khi HĐXX tuyên án tử hình thì gục xuống khóc nức nở như đứa trẻ. Thế nhưng có những người đã xác định tư tưởng từ trước thì lại vô cùng bình tĩnh, thậm chí còn quay lại động viên gia đình dù chính mình mới sắp đón nhận cái chết.

Nữ nhà báo cho biết, mặc dù chỉ là công việc nhưng lúc đầu chị đã phải trải qua cảm xúc khá tồi tệ, bởi dù sao đó cũng là khoảnh khắc cuối cùng của họ. Thậm chí, lúc mới vào nghề, chị đã suy nghĩ rất nhiều, có nhiều đêm không ngủ được bởi tình tiết của vụ án, bởi hành vi quá dã man của bị cáo và bởi những giọt nước mắt hối hận của những người chỉ sống tính bằng ngày.

"Họ đã bị pháp luật trừng trị bởi hành vi của mình. Vì thế, dù là tử tù nhưng sau khi ghi lại những khoảng khắc đó, tôi luôn triển khai vào bài với ý nghĩa nhân văn, hướng người đọc vào cảm xúc đặc biệt. Mỗi người là một câu chuyện, nhưng quan trọng là để mọi người tự rút ra bài học cho chính bản thân mình", nhà báo Hằng nói.

Nhiều lần bị đe dọa đập máy ảnh

Phóng viên Kim Long, công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam cũng có rất nhiều ấn tượng khi tác nghiệp tại TAND tỉnh Nghệ An, đặc biệt là giây phút HĐXX tuyên hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án.

Chuyện chưa kể về những phóng viên ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của tử tù - Ảnh 2.

Mỗi bị cáo tại phiên tòa là một câu chuyện báo chí

"Việc duy trì hình phạt tử hình là một biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Những bị cáo phải nhận án tử hình đều đúng người, đúng tội khi hành vi không thể tha thứ, phải bị loại trừ ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, nỗi đau của gia đình, người thân bị cáo mới thực sự ám ảnh. Không có gì đau đớn hơn khi chứng kiến chồng/vợ, cha/con,…sắp sửa phải nhận kết cục tồi tệ nhất", phóng viên Kim Long nói.

Thậm chí, có những vụ án, người cha bị tuyên tử hình thì ở hành lang đứa con chỉ mới vài tuổi vẫn vui vẻ đi tìm con kiến để chơi. Nụ cười trẻ thơ của em khiến cho những người chứng kiến phải xót xa.Cũng vì vậy, không ít lần phóng viên đưa máy ảnh lên chụp ảnh bị cáo mà không khỏi chạnh lòng. Bởi đến kết cục này thì chính những bị cáo cũng hiểu rằng hành vi của họ đã quá lạc lối, thế nên cảm xúc và hành động trước bản án định mệnh cũng cũng phản ánh chân thực chính con người đó.

"Có những bị cáo bị tuyên án tử hình thì rất bình thản, thậm chí họ còn nói đùa là nhà báo chụp ảnh cho đẹp để họ gửi về cho gia đình làm ảnh thờ. Thế nhưng cũng có kẻ nghe xong thì phát hoảng, tức tối, thậm chí còn đe dọa đập máy ảnh,…Chứng kiến rất nhiều vụ việc như vậy, những phóng viên tác nghiệp tại tòa như chúng tôi cũng đã rèn được sự bình tĩnh để cố gắng ghi lại hình ảnh", phóng viên Kim Long nói.

Nữ phóng viên tâm sự, không một ai mong muốn ghi lại khoảnh khắc cuối cùng này cả. Nhưng vì nhiệm vụ được giao, vì trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, chính xác nhất cho bạn đọc nên mỗi phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại tòa đều cố giữ cho mình một cái đầu lạnh, một trái tim mềm yếu và một ngòi bút sắc sảo.

"Chứng kiến tình cảnh của họ thì chúng tôi đều dấy lên sự thương cảm, đó dù sao cũng là giây phút quan trọng của đời người. Nhưng với trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi bắt buộc phải ghi lại những hình ảnh đó. Bởi đây là bài học cho chính mọi người nếu không thượng tôn pháp luật", nữ phóng viên Kim Long nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại