Trời đã tối muộn khi Caroline nhận ra mình đang bị theo dõi. Cô cùng chồng mình - người đang làm việc cho một quỹ rủi ro - chuẩn bị đi ăn tối cùng một cặp đôi khác ở Upper East Side.
Caroline và chồng là những người cực kỳ giàu có. Chồng cô là kiểu người sẽ xuất hiện trên tờ Wall Street Journal, còn cô là gương mặt thường thấy ở các bữa tiệc từ thiện. Nhưng họ không phải loại người khoe khoang, bằng chứng là nhà hàng họ chọn tuy đẹp nhưng không quá đắt tiền.
Họ khá kín đáo, đây là điều mà Caroline luôn coi trọng. Cô đã rất thoải mái và tận hưởng buổi tối, cho tới khi nhìn thấy người đàn ông mặc suit có gương mặt nghiêm nghị đứng trước cửa nhà hàng. Không phải đó chính là anh chàng đứng ở quầy nước lúc nãy sao? Ai đã quanh quẩn ở ngoài đó từ trước? Và giờ anh ta đang tiến gần tới bàn của họ.
Ngạc nhiên thay, cặp đôi mà vợ chồng Caroline hẹn chào người lạ mặt kia như thể họ đã chờ anh ta từ lâu. “Tôi đã thốt lên: ‘Ồ, đó là bạn hai người à?’,” Caroline cho biết.
Hóa ra, đó là vệ sĩ của cặp đôi còn lại. Caroline ban đầu có hơi bối rối. Không phải vệ sĩ chỉ dành cho người nổi tiếng - những người như Leona Helmsley, hiên ngang tiến vào cung điện với chú chó phốc Malta cùng một vài vệ sĩ lực lưỡng đeo tai nghe trong trang phục từ đen từ đầu đến chân - hay sao?
Thế nhưng, Caroline nhanh chóng hiểu ra. Đó là khoảng thời gian ngay sau khi quản lý quỹ rủi ro Eddie Lampert bị bắt cóc ở trước văn phòng của ông tại Greenwich vào năm 2003, cùng năm Anne Bass bị trộm đột nhập vào biệt thự ở Litchfield, Connecticut.
Những vụ việc này khiến giới nhà giàu New York càng thêm mất ăn mất ngủ, nhất là sau vụ 11/9. Rất nhiều công ty như Giuliani-Kerik - công ty dịch vụ tư vấn an ninh được thành lập bởi cựu thị trưởng và ủy viên cảnh sát New York - đã mọc lên để tận dụng cơ hội “ngàn vàng” này.
Nỗi lo sợ của người có tiền
Trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, nỗi lo sợ khủng bố và tình hình chính trị rối ren đã lan tỏa khắp nơi, khiến những suy nghĩ hoang tưởng nhất cũng trở nên bình thường. “Giờ ai cũng có vệ sĩ,” Caroline nhận xét. “Nhất là những người trong ngành tài chính - ngân hàng.”
Nói như vậy thì hơi quá, nhưng một số người thực sự lại cảm thấy như vậy. “Một trong những người hàng xóm của tôi trang bị vũ khí cho cả người giúp việc,” một cư dân khu Upper East Side cho biết. “Cô ấy mặc đồng phục giúp việc, nhưng có súng.”
Giống như các tiện nghi hiện đại khác, vệ sĩ cá nhân cũng được tinh giản. “Không ai muốn một anh chàng cao 1m9 lảng vảng xung quanh mình cả,” Christopher Falkenberg - chủ công ty Insite Security, nơi giới nhà giàu New York thường chọn để tìm kiếm sự an toàn.
Họ thuê cựu cảnh sát New York về chỉ để làm tài xế đưa họ vượt qua những nút giao thông đông đúc, hoặc cả một đội gồm cựu lực lượng đặc nhiệm về chỉ để xây hàng rào ở biệt thự Hamptons của mình.
“Người giàu phải đối mặt với những mối nguy hiểm chỉ người giàu mới có,” Falkenberg cho biết. “Nó giống như lời nói đùa: ‘Vì đó là nơi có tiền’.”
Trên thực tế, việc bắt cóc ở Mỹ là khá hiếm, nếu so sánh với Brazil. Mẹ vợ của tay đua Công thức 1 Bernie Ecclestone đã từng bị bắt cóc đòi tiền chuộc suốt 9 ngày ở đây. Những vụ đột nhập nhà như của Anne Bass cũng không quá phổ biến.
Vụ cướp phá hoại cửa hàng thể thao của nữ thừa kế Gert Boyle năm 2010 là vụ cuối cùng xuất hiện trên mặt báo.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giới nhà giàu không gặp nguy hiểm. “Một điều tôi học được từ công việc này, đó là giàu có không thể giải quyết được mọi chuyện,” Falkenberg cho biết. “Sẽ có cả tá những rắc rối khác.”
“Khi là tỷ phú nổi tiếng, bạn sẽ gặp cả đống người sau. Có người với những câu chuyện hết sức mùi mẫn, có người muốn bán cho bạn các thứ, có người lại nghĩ: ‘Chỉ cần vượt qua chướng ngại vật này, tôi sẽ được nói chuyện với ông ấy’, Falkenberg chia sẻ. Công ty của ông đã phải đào tạo nhân viên để họ có thể nhận diện và ngăn cản những kẻ đeo bám này.
“Đây là vấn đề đòi hỏi sự tinh tế và khôn khéo. Chúng tôi từng gặp trường hợp thế này: Một người quản gia đã nhận được cuộc gọi vào lúc 1:25 chiều. Đầu dây bên kia nói: ‘Tôi chuẩn bị ăn trưa với (tên một chuyên gia tài chính nổi tiếng).
Tôi bị muộn và quên mất số điện thoại của ông ấy ở trong văn phòng rồi. Anh có thể nhắc lại tôi số không?’” Hóa ra, người gọi là một nhân viên bán hàng cho một công ty du thuyền cá nhân. Kẻ này từng có tiền án tiền sự và đã ngồi tù vì tội ấu dâm,” Falkenberg cho biết.
Nguy hiểm đến từ niềm tin đặt nhầm chỗ
Càng điều tra, các công ty an ninh càng phát hiện ra, mối nguy hiểm lớn nhất đối với giới nhà giàu không đến từ người lạ, mà từ những người họ quen.
“Đó thường là những người giúp việc trong nhà,” Tim Horner - cựu sĩ quan cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát New York, đồng thời là trưởng phòng quản lý rủi ro ở Kroll - cho biết. Ông chỉ ra, trong vụ đột nhập nhà Anne Bass, người quản gia chính là hung thủ.
Để phòng ngừa, Falkenberg yêu cầu tất cả những người làm vườn hoặc những người lau cửa sổ phải trình thẻ căn cước trước khi đặt chân vào nhà khách hàng của ông. “Nhờ vậy, bạn có thể biết họ là ai,” ông nói với một giọng điệu y như diễn viên Robert De Niro.
Tuy nhiên, những người nằm trong “vòng tròn quen biết” cũng có thể đem lại rắc rối. “Thật khó tin là người giàu lại hay tin tưởng người khác đến vậy,” Horner cho biết. Ông đã từng chứng kiến đám anh em và bạn bè “giang hồ” cướp đi khoản tiền tiết kiệm của mình.
“Khách hàng của chúng tôi có thể là những người giàu có, thông minh nhất trên thế giới,” ông nhận xét. “Họ không bao giờ phạm sai lầm trong kinh doanh. Tuy nhiên, có lẽ do họ quá bận bịu với công việc hoặc không mấy để tâm, nên cuối cùng, họ thường giao chìa khóa vương quốc mình cho những kẻ không xứng đáng.
Tôi sẽ hỏi: ‘Ông quản lý tài chính của mình thế nào?’ và họ sẽ trả lời: ‘Tôi đã thuê người này, là bạn của một người bạn, và anh ta trở thành trợ lý và giúp tôi giải quyết mọi thứ.’”
Sau rất nhiều năm trong nghề, Horner đã học được cách không để lệ sự nghi ngờ cho đến khi có bằng chứng trong tay. Dù mỗi vụ việc có diễn biến khác nhau, nhưng hậu quả để lại đều nặng nề như nhau. “Điều khiến giới nhà giàu đau lòng không phải số tiền bị mất,” ông cho biết. “Đó là khi niềm tin bị sụp đổ hoàn toàn.”
Công việc vú em “bất đắc dĩ”
Giờ đây, thanh thiếu niên mới là những người đem lại rắc rối lớn nhất. “Một trong những việc đầu tiên chúng tôi làm cùng khách hàng là ngồi xuống với con cái họ,” Falkenberg nhớ lại. “Chúng tôi sẽ nói: ‘Cháu biết cháu không giống mọi người, đúng không?’”.
Chủ đề đầu tiên của cuộc trò chuyện là mạng xã hội. Ông và những vệ sĩ khác muốn khách hàng tuyệt đối không dùng mạng xã hội (“Họ luôn bị định vị vị trí,” Horner thở dài). Tuy nhiên, cả hai bên sẽ thống nhất chỉ giảm thiểu tần suất. Không có gì ngạc nhiên khi những yêu cầu này luôn bị phản đối bằng những lời kêu gào, thậm chí là cơn thịnh nộ.
Theo Denida Zinxhiria - người đã quyết định đi học tâm lý học sau khi làm vệ sĩ cho nhiều gia đình giàu có ở Mỹ và Hy Lạp, thanh thiếu niên thường dễ vâng lời hơn nếu nghe về các mối nguy hiểm từ người ngoài có kinh nghiệm thay vì bố mẹ chúng.
“Trẻ con và vợ là những khách hàng khó tính nhất, bởi họ không dễ dàng chấp nhận việc bị kè kè và theo dõi mọi lúc mọi nơi. Họ không chọn cuộc sống như vậy,” Zinxhiria nói.
“Bạn phải nói rõ với họ: ‘Tôi không ở đây để theo bạn. Tôi cũng không định phá hỏng khoảng thời gian vui vẻ của bạn. Tôi chỉ quan tâm đến sự an toàn của bạn thôi.”
Tuy nhiên, lý lẽ thuyết phục nào cũng không thể ngăn cản được ham muốn tình dục của đám thanh niên đang hừng hực sức sống. Zinxhiria từng có một khách hàng tuổi dậy thì bị hacker đe dọa bán tin nhắn sex cho báo lá cải. Con trai của một trong số các khách hàng của Horner thì bị lộ việc gạ gẫm tình dục trên mạng.
“Chúng tôi còn gặp 2 trường hợp khác, trong đó các anh chàng sinh viên đại học trở về nhà vào dịp Lễ Tạ ơn với những cô bạn gái quyến rũ mới toanh,” Falkenberg cho biết. Không ai trong số những cô gái này là bạn học của họ.
“Những cô gái đó có thể 19 hay 25 tuổi, đến từ Moldova hay Estonia. Họ lướt Facebook và nói: “Này, đây là con trai nhà giàu, hãy nhắm vào cậu ta.’”
Bởi bố mẹ không thể tự mình ra mặt xử lý những tình huống này, trách nhiệm lại thuộc về vệ sĩ và điều tra viên. Họ sẽ phải làm những công việc “bẩn thỉu”. Có trường hợp, bố mẹ nghi ngờ kẻ theo đuổi con gái mình không phải là một người đàn ông đứng đắn và có thể chỉ nhắm tới khối tài sản của cô. “Cô ấy rất buồn,” Horner nói.
Ông là người phải thông báo cho cô biết bạn trai đã lừa dối cô. Sẽ phải mất một khoảng thời gian trước khi cô gái chấp nhận sự thật. “Điều này rất khó khăn. Bản thân việc đối phó với đám trẻ cũng là một công việc rồi.”
Vậy nên, Zinxhiria đã thành lập cả một công ty chuyên để làm việc này. Nó được gọi là: “vệ sĩ bảo mẫu”.