“Nghề chơi” cũng lắm công phu
Cách đây khoảng 10 năm, trong khi nhiều tay nhiếp ảnh phải nghĩ đủ cách để có được tấm hình chụp từ trên cao xuống như cột máy ảnh vào đầu cần cẩu, đặt chế độ chụp tự động liên tục; hay thậm chí mạo hiểm trèo lên những cây cao để chụp... thì Hoàng Mạnh Thắng đã sắm cho mình bộ flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa, dùng để chụp ảnh và quay phim) có giá 65 triệu.
PV Khả Hưng dõi theo “3 tháng lương” bay lượn trên bầu trời Tà Đùng (Đắk Som, Đắk Nông)
Trong chiếc balo nặng gần 20kg mà anh vẫn vác bên người luôn có chỗ cho một bộ máy chụp hình trên cao (flycam) xinh xắn, nặng tầm 2,5 lạng có giá 27 triệu mà Thắng vẫn cưng như “trứng mỏng”. Đây là 1 trong 4 flycam mà Thắng đang sở hữu, với ưu điểm nhỏ gọn đủ để anh có thể tác nghiệp bất cứ lúc nào.
Vừa khoe “em” máy, Thắng vừa cho tôi xem những tấm hình mà anh “săn” được cho Tiền Phong nhờ flycam. Đó là chùm ảnh và clip Những nút giao hiện đại nhất của Thủ đô cho dịp kỷ niệm 10/10 từng gây chú ý; một số bài điều tra về “cát tặc” sông Hồng; vỡ bể than bùn ở Cao Bằng; hình ảnh ở vịnh Lan Hạ- Cát Bà; loạt bài liên quan đến ô nhiễm nước sông Đà (Thắng và nhóm tác giả đạt giải B giải Báo chí Quốc gia năm 2020)…
“Chụp ảnh trên không có những ưu điểm bất ngờ: tầm nhìn rộng, thoáng có khả năng chụp những góc khuất hay những độ cao mà sức người không thể với tới, quy mô ảnh và ánh sáng đặc biệt ấn tượng”, anh chia sẻ.
Cách đây 5-6 năm , flycam vẫn được xem là “thú chơi nhà giàu”, khi các mẫu mã còn ít, giá thành cao. Hiện nay, đã có nhiều loại với nhiều mức giá để người chơi lựa chọn, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cũng có. Tuy nhiên, nói như Mạnh Thắng: “Chơi flycam thì xác định đam mê là chính mà tốn kém là chủ yếu”.
“Với mức giá khoảng 10 triệu đồng, người chơi có thể mua được những chiếc flycam mini nhỏ gọn, chụp hình sắc nét, quay được video chất lượng 4k... Tuy nhiên, nhược điểm của dòng này là sức kháng gió kém, nếu gặp gió lớn thường khó đạt hiệu quả như mong muốn, đôi khi còn rủi ro bị gió cuốn đi mất. Còn những flycam tầm giá trên 15 đến 40 triệu đồng đã đủ sức đáp ứng nhu cầu quay, chụp sắc nét, chất lượng cao”, Thắng cho biết. Ngoài ra, người chơi phải mua thêm pin dự phòng, loại xịn nhất, mỗi viên bay được 45 phút cũng có giá 3-4 triệu. Mỗi máy phải trang bị khoảng 3- 4 viên pin để dự phòng tác nghiệp những chương trình lớn.
Hầu hết cánh phóng viên trong làng báo nói chung và anh em “tổ bay” ở Tiền Phong nói riêng đều phải tự bỏ tiền túi để mua sắm máy móc. “Ngày trước tôi toàn bay ké máy của đồng nghiệp. Khi thấy các cơ quan báo chí bắt đầu sử dụng nhiều hình ảnh flycam, tôi đã tích góp, vay mượn để mua bộ máy Mavic 2pro giá hơn 40 triệu”, Khả Hưng (Ban đại diện báo Tiền Phong - khu vực Tây Nguyên) khoe.
Thời điểm ấy, vẫn đang là cộng tác viên không lương, nhuận bút “đong từng bữa” nên 40 triệu là cả một khoản tiền lớn với Hưng. “Bạn bè bảo tôi hâm vì xe máy chưa có, vẫn đi ké người khác mà lại bỏ đống tiền mua một chiếc máy quay”, Hưng kể.
Tuy nhiên, nhờ có flycam mà anh chàng phóng viên trẻ đã hoàn thành một số loạt bài phóng sự điều tra, phản ánh gây chú ý như: “Vẽ” dự án ảo, rao bán khu nghỉ dưỡng giá… trên trời; loạt bài Tái diễn dự án “bánh vẽ” ở Tây Nguyên; Vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk; Tuyến phố cà phê miễn phí đẹp hút khách tới Đắk Lắk…
Mù Cang Chải qua ống kính flycam của PV Trọng Tài
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong tổ bay, PV Trọng Tài đến với flycam từ sở thích đi phượt của mình. “Để ghi được trọn vẹn cảnh sắc trên các cung đường núi non hùng vĩ mình đi qua thì flycam là phương tiện hoàn hảo nhất. Sau này, khi tác nghiệp ở các sự kiện lớn của báo Tiền Phong như giải Golf, giải Marathon… tôi luôn có cảm xúc đặc biệt khi bay flycam lên cao để ghi lại hình ảnh lễ thượng cờ”, anh chia sẻ.
Bay và… bay mất
Trong cộng đồng chơi flycam ở thủ đô, Mạnh Thắng được anh em “dí” cho biệt danh “sát flycam”, với kỷ lục: rơi mất máy 14 lần trong 10 năm. Đau thương nhất là lần rơi flycam khi ghi hình tuyết rơi trên đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội) năm 2016. Dù biết flycam chỉ bay được trong điều kiện thời tiết 4 độ C nhưng vì muốn có hình ảnh độc đáo, anh đã quyết định bay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời lúc đó là -3 độ C. Chiếc flycam của anh bay được một lúc thì mất tín hiệu. Sau 6 tiếng mò tìm, cuối cùng Thắng đành ngậm ngùi chấp nhận 40 triệu của mình vừa bay mất.
Trước đó, năm 2015, anh cũng từng bất lực nhìn con máy 65 triệu cắm đầu rơi xuống biển Hạ Long chỉ mới sau 2 ngày rước về. Cầu Nhật Tân cũng là một trong những “mồ chôn” flycam của Mạnh Thắng. Khi bay cạnh trụ cầu, flycam bất ngờ bị hút gió, va vào cột và rơi thẳng xuống sông Hồng, khiến chủ nhân chỉ biết cầm điều khiển đi về trong niềm tiếc thương vô hạn.
Trước khi về Tiền Phong, PV Nguyễn Bắc đã có hơn 5 năm kinh nghiệm bay flycam, “trộm vía” chưa bị rơi cái nào, nhưng cũng có lần thót tim khi bay trên cầu Long Biên để lấy hình tàu SE vào thành phố. “Do gần khu vực cấm bay nên bị mất liên lạc 5 phút, lòng tôi lúc đó như lửa đốt. May mắn là một lúc sau lại có sóng”, Bắc kể.
Sau 10 năm “va” vào flycam, Trọng Tài “khoe” thành tích 3 lần rơi máy. “Lần gần đây nhất là hồi đầu năm. Đang ghi hình cây hoa gạo nở đỏ rực ở Chùa Thầy thì đột nhiên mất sóng, flycam cứ thế lao vút rồi đáp xuống khu vực một nghĩa trang. Tuy nhiên, tìm cả ngày vẫn không thấy, đành chấp nhận đã đi đời 16 triệu”, anh kể.
Trong lần lội ruộng để quay cảnh lũ lụt, Khả Hưng bị sụt chân vào hố bùn, flycam cắm đầu xuống nước. May được mọi người hỗ trợ đưa đến quán cắt tóc để sấy kịp thời nên cứu được.
Tuy nhiên, hồi tháng 8 mới đây, may mắn đã không mỉm cười với anh. Khi đang tác nghiệp vụ thiên tai, sạt lở ở Đắk Nông thì flycam của Hưng gặp sự cố, rơi từ độ cao 200m thẳng xuống khe nứt trên đồi. “Mất 2 ngày đi tìm theo định vị nhưng không thể tìm được, đây lại là khu vực cảnh báo nguy hiểm nên dù tôi thuê người cũng không ai dám vào”, chàng phóng viên trẻ tiếc nuối nhớ lại.