Chuyện chưa kể về “anh công an F0”

CTV Cao Thiên-Trung Hiếu |

Thiếu úy Lù Văn Mạnh công tác tại Công an huyện Phù Yên (Sơn La). Quá trình làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, anh không may trở thành F0. Với bản lĩnh của người chiến sỹ công an nhân dân, anh đã chiến thắng bệnh tật và lan tỏa tinh thần lạc quan đến mọi người, mọi nhà.

Thành F0 rồi, ai sẽ thay mình làm nhiệm vụ!

Gia đình thiếu úy Mạnh ở thành phố Sơn La, cách Công an huyện Phù Yên – nơi anh công tác hơn 100km. Bố mất sớm, chị gái đã lấy chồng xa và chỉ còn mỗi Mạnh là điểm tựa vững chắc cho mẹ vì mẹ đã có tuổi, sức khỏe yếu, những ngày dịch bệnh bùng phát, chỉ sợ mẹ đau ốm lại không có ai bên cạnh.

Cuối tháng 7/2021, Thiếu úy Mạnh nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại Khu cách ly tập trung Trường Tiểu học xã Huy Thượng, huyện Phù Yên cùng với các đồng đội của mình.

Quá trình làm nhiệm vụ tại đây, anh được chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn người đi làm ăn xa từ tận các tỉnh phía Nam đổ về và được cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Nhiều đêm phải thức trắng và cũng có những giấc ngủ vội vã, bởi người dân vào khu cách ly có lúc là sáng sớm tinh mơ và cũng có khi là đêm hôm khuya khoắt.

Chuyện chưa kể về “anh công an F0” - Ảnh 1.

Thiếu úy Lù Văn Mạnh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ đảm bảo An ninh trật tự tại Khu cách ly tập trung huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Sau khi vượt hàng ngàn km trở về, nhiều người rất hoang mang, lo sợ khi đối mặt với những ngày dài cách ly. Do vậy, thiếu úy Mạnh cùng đồng đội không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, mà còn thường xuyên phải tuyên truyền, trấn an tâm lý bà con.

Ngày 28/8, thấy cơ thể mệt mỏi, anh chủ động làm test, rồi được lực lượng y tế xét nghiệm PCR cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Dù đã xác định vào “vùng đỏ” thì nguy cơ mắc Covid-19 là rất cao, song khi ấy, anh không tránh khỏi tâm trạng âu lo, bối rối.

“Lúc đó lòng em rất rối, chẳng biết phải làm thế nào, chỉ nghĩ đến mẹ, nghĩ đến chị gái và xác định phải cố gắng chữa trị sao cho chóng khỏi”, Thiếu úy Mạnh chia sẻ.

Chuyện chưa kể về “anh công an F0” - Ảnh 2.

Thiếu úy Lù Văn Mạnh cùng lực lượng y, bác sỹ tại Khu điều trị làm nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân.


Khi biết mình đã trở thành F0 thì hai nỗi lo lớn nhất đối với anh là đồng nghiệp của mình cũng có thể trở thành F0 giống mình, rồi ai sẽ làm nhiệm vụ thay họ, khi lực lượng còn mỏng, đồng đội còn đang ngày đêm bám chốt, vất vả, thiếu thốn đủ bề.

Ngoài ra, anh còn lo nếu mẹ biết tin anh nhiễm bệnh thì tâm trạng mẹ sẽ rất bất ổn, bởi không nói ra thì cũng đủ hiểu sự nguy hiểm của bệnh này.

Đối đầu với thần chết

Ngày đầu vào khu điều trị cho bệnh nhân F0, Mạnh chẳng thể ngủ được do cơ thể mệt mỏi, lại sốt và khứu giác, vị giác không cảm nhận được gì. Được sự động viên của đội ngũ y tế trong khu điều trị, bản thân cũng xác định phải giữ tinh thần lạc quan của một “chiến binh” thì mới có thể chiến thắng được bệnh này, nên sức khỏe của anh ngày một hồi phục tốt.

Mạnh kể, khi mới bước chân vào khu điều trị, trong đầu anh có lúc cũng lóe lên suy nghĩ mình đã chạm tay vào “thần chết”? Tuy nhiên, ý nghĩ đó nhanh chóng được gạt qua đi, vì anh biết mình cần phải sống, phải tiếp tục cống hiến cho tuổi thanh xuân của mình.

Chuyện chưa kể về “anh công an F0” - Ảnh 3.

Thiếu úy Mạnh và các Bác sỹ thăm khám cho các bệnh nhân F0

Rồi mỗi ngày trong khu điều trị, anh luôn là người vui vẻ, hoạt náo nhất bởi anh hiểu chỉ có vui vẻ mới là liều “Vitamin sức khỏe” hữu hiệu nhất để chiến thắng bệnh tật. Anh luôn hỏi han, động viên những bệnh nhân cùng phòng, kể cho họ nghe những câu chuyện vui về cuộc sống, về công việc của mình, về cả việc anh đã động viên mẹ thế nào khi mẹ khóc nhiều vì lo lắng lúc biết tin anh là F0…

Mạnh cho biết, những ngày trong khu điều trị, anh sợ nhất tiếng xe cứu thương đưa người tới điều trị, bởi số mắc Covid-19 thời điểm đó ở Phù Yên tới hơn 250 trường hợp. Có những ngày, tiếng còi hú dồn dập, tiếng đóng cửa của xe cứu thương, tiếng thiết bị điều trị, tiếng của gà rừng gáy văng vẳng phía đồi xa… tất cả trở thành những âm thanh thật khó có thể quên.

Chuyện chưa kể về “anh công an F0” - Ảnh 4.

Kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo cho việc điều trị cho bệnh nhân F0


Sau 14 ngày điều trị, Thiếu úy Mạnh không còn sốt, khứu giác, vị giác cũng đã hồi phục, cơ thể không còn mệt mỏi như trước. Những lần test Covid-19 sau này cũng lần lượt cho kết quả âm tính và anh được cơ quan y tế chỉ định về cách ly thêm 14 ngày để theo dõi sức khỏe.

Khi Mạnh được trở về, các ca F0 ở Phù Yên vẫn cứ kéo dài thêm các con số. Mạnh nghĩ, với những gì mình đã được chứng kiến và trải qua, anh đã sẵn sàng tâm thế có thể quay trở lại làm nhiệm vụ tại đây, bởi anh biết, những bệnh nhân mắc Covid-19 họ rất cần những liều “Vitamin tinh thần” là một F0 vừa khỏi bệnh như anh...

Với suy nghĩ ấy, khi đã hết thời hạn cách ly, thiếu úy Mạnh đã chủ động đề xuất Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cho mình được một lần nữa quay lại “nơi sự sống hồi sinh” mà anh đã từng trải qua.

Trở lại nơi đã cứu sống mình

Trở lại làm nhiệm vụ tại khu điều trị bệnh nhân F0, Thiếu úy Mạnh ở chung phòng với lực lượng y tế làm công tác chăm sóc bệnh nhân. Anh được các y, bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách mặc đồ bảo hộ và quy trình tháo đồ bảo hộ sao cho bản thân mình an toàn sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân đang điều trị…

Ban đầu khi mới tiếp xúc với công việc mới mẻ này, Thiếu úy Mạnh còn nhiều bỡ ngỡ. Khi khoác trên mình bộ đồ bảo hộ trong thời tiết nắng nóng cùng với những áp lực công việc, anh càng thấu hiểu nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu, nhất là đội ngũ y, bác sỹ.

Hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, những “chiến sỹ áo trắng” ấy đã dành cả những tháng ngày tươi đẹp nhất cho “trận chiến” với Covid-19.

Những ngày trong khu điều trị, anh chưa từng thấy họ buồn bã, hay than vãn, mà ở đó là những lời động viên nhau cùng cố gắng, tận tình chăm sóc người bệnh bằng tình cảm xuất phát từ trái tim hơn là trách nhiệm của công việc..

Chuyện chưa kể về “anh công an F0” - Ảnh 5.

Liều “Vitamin sức khỏe” của các bệnh nhân tại khu điều trị F0

Những ngày làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng y, bác sỹ trong khu điều trị F0, Mạnh được chứng kiến biết bao hoàn cảnh đáng thương; nhiều người khi về đến huyện, trong tay chỉ còn đúng một túi đồ ăn khô được tặng và một vài bộ quần áo; hay gương mặt lấm lem, mệt mỏi của anh Lò ở xã Suối Tọ (huyện Phù Yên) sau quãng đường dài hàng nghìn km chở theo con gái nhỏ vẫn còn ẵm ngửa đi xe máy từ Bình Dương về đến huyện, không có ai trông con nên hai bố con lại cùng nhau vào cách ly, điều trị tại đây.

Như hiểu chuyện, những ngày trong Khu điều trị, con nhỏ của anh Lò rất hiếm khi quấy khóc. Chính tinh thần và sự hồn nhiên của “chiến binh nhí” ấy càng tiếp thêm động lực cho Mạnh và các y, bác sỹ làm tại đây cố gắng nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thiếu úy Mạnh chia sẻ, cảm giác vui - buồn, đôi lúc hụt hẫng, âu lo… anh vừa trải qua là những điều hết sức bổ ích, nó sẽ giúp anh có thêm sức mạnh, sự lạc quan để lan tỏa đến những người xung quanh và cả cộng đồng về tinh thần đồng tâm, chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại