Ảnh minh họa
Bố đuổi đánh mẹ khắp nhà, đòi làm "chuyện ấy"
Dù chịu nhiều ấm ức từ bé, chị Linh (28 tuổi) vẫn không bao giờ nghĩ có ngày mình phải tìm đến tổ chức xã hội để "tố cáo" chính bố đẻ. "Bố tôi đã về hưu, tuổi ngoài 60 nhưng vẫn ham muốn tình dục, luôn đòi hỏi mẹ. Mỗi lần không được như ý muốn, bố đánh mẹ tôi chạy khắp nhà, đá bình sữa của cháu ngoại, thậm chí đuổi mẹ ra khỏi nhà", chị Linh ngại ngùng mở lời.
Đã nhiều lần khuyên giải nhưng không được, Linh và chị gái chỉ biết thay nhau về thăm quê để có người đỡ cho mẹ những khi bị bố "hành". Nhưng kể từ dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là thời kì giãn cách xã hội, vài tháng liền chị em Linh không thể về nhà.
Linh tâm sự: "Mỗi lần gọi điện về cho mẹ, tôi rất hoang mang, thương mẹ lắm, nhưng không biết phải nhờ người nào giúp đỡ. Bố tôi luôn được các cô, các bác ruột rất chiều chuộng, không bao giờ chịu nghe ai".
Bản tính này của bố để lại tổn thương tâm lý với chính chị em Linh. Cô không thể quên được kí ức năm học lớp 8, bị bố đổ axit vào sách vở, chửi rủa, đuổi khỏi nhà chỉ vì phản ứng khi bố đụng chạm vào vùng nhạy cảm. Hai chị em cô luôn nơm nớp lo sợ bị bố quấy rối hay nhìn trộm khi tắm.
"Vì chuyện này mà chị gái tôi không học hành tới nơi tới chốn mà đi làm từ lúc còn bé. Tôi cũng phải bỏ nhà ra ngoài ở, tự tìm cách vượt qua thì mới có cuộc sống yên ổn", cô gái trẻ chia sẻ với tư vấn viên.
Ảnh minh họa
Phải đắn đo rất nhiều Linh mới quyết định nhờ tới sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong những lần đầu tiên liên hệ, cô không gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp, mà chỉ để lại những dòng chat với trung tâm CSAGA – Nơi tư vấn miễn phí về Bạo lực Giới - Bạo lực Gia đình.
Linh là một trong những khách hàng tìm kiếm sự trợ giúp của trung tâm CSAGA. Theo CSAGA, bắt đầu từ giai đoạn Covid 19 đầu năm 2020, nhất là thời kì giãn cách xã hội từ tháng 3 đến hết tháng 4/2020, số phụ nữ liên hệ tới văn phòng đã tăng gần gấp đôi, bao gồm cả gọi điện tư vấn và chat trực tuyến. Rất nhiều người chia sẻ rằng trước đây thỉnh thoảng chồng mới tát hoặc đánh, thì trong giai đoạn này tần suất bị bạo lực thể xác nhiều hơn. Nguy cơ bạo lực tình dục cũng gia tăng.
Theo trung tâm CSAGA, một nguyên nhân là do hai vợ chồng gặp nhau nhiều hơn do phải làm việc tại nhà, công việc bị ngắt quãng hoặc thất nghiệp. Thêm vào đó, áp lực kinh tế, mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình hay cách bảo vệ sức khỏe mùa dịch, cách giết thời gian thiếu lành mạnh như cờ bạc, rượu bia… làm tác nhân khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn.
49.6% nạn nhân bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục không nói với ai
Theo báo cáo về bạo lực gia đình thời kì Covid-19 của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS và Trung tâm nghiên cứu khoa học sức khỏe (Đại học Y tế Công Cộng) vào tháng 8/2020 tại Hà Nội, trong số người được hỏi thì có tới hơn 75% phải chịu tổn thương tâm lý, gần 45% chấn thương về thể xác vì hành vi liên quan đến bạo lực do chồng/bạn tình gây ra, nhưng chỉ có 45% trong số đó tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trước dịch Covid-19, sự im lặng này còn đáng sợ hơn. Điều tra quốc gia của UNFPA về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 chỉ ra, gần 65% phụ nữ độ tuổi 15-64 từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế từ chồng/bạn tình. Nhưng có tới hơn 90% không tìm kiếm sự trợ giúp, chưa tới 5% tìm đến công an.
Trong khi đó, người bị bạo lực lại có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp 3 lần, thu nhập hàng năm thấp hơn đến 31% so với người chưa từng chịu bạo lực. Đặc biệt, trẻ em trong các gia đình này cũng có nguy cơ bị bạo lực từ người thân.
Cán bộ trung tâm CSAGA lý giải rõ hơn về việc "im lặng" của người trong cuộc: Một phần là sợ bị bạo lực nhiều hơn và họ phụ thuộc về tài chính hoặc tình cảm cũng khiến họ không dám đứng lên bảo vệ mình. Tâm lý xấu hổ cũng khiến phụ nữ bị bạo lực không dám lên tiếng vì tâm lý đổ lỗi từ cộng đồng, xã hội.
Ảnh minh họa
Không ít quan điểm cho rằng người phụ nữ phải có lỗi gì, cư xử thế nào hoặc không biết cách làm đẹp… nên mới bị chồng bạo lực. Thậm chí nhiều người còn bênh vực và đồng tình với cách sử dụng bạo lực của nam giới để ‘dạy vợ’. Một nguyên nhân nữa khiến phụ nữ im lặng là họ hi vọng vào sự thay đổi từ chồng, hoặc ý nghĩ hi sinh vì sự an toàn của bản thân và các con.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm hỗ trợ người bị bạo lực, Trung tâm CSAGA khẳng định, việc lên tiếng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người xung quanh, từ các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực sẽ giúp xử lý triệt để vấn đề bạo lực.
Hiện tại có rất nhiều trung tâm, dịch vụ và cách thức hỗ trợ người bị bạo lực. Bạn có thể gọi điện thoại hoặc có thể chat online, các tư vấn viên sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ phù hợp với mong đợi và đảm bảo sự riêng tư theo yêu cầu của các nạn nhân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tư vấn cách xử lý khi bị bạo lực gia đình:
- Nắm rõ các dịch vụ hỗ trợ dành cho người bị bạo lực. Lưu các số điện thoại khẩn cấp lên hàng đầu danh bạ để liên hệ ngay khi cần.
- Nói việc mình bị bạo lực với người tin tưởng và thống nhất với họ tín hiệu cần trợ giúp khi bạo lực xảy ra, để nhờ họ can thiệp hoặc gọi công an.
- Gửi người tin cậy giấy tờ quan trọng như chứng minh thư, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn, quần áo và tiền, đề phòng trường hợp phải ra khỏi nhà.
- Nhận diện dấu hiệu của bạo lực và tránh đi chỗ khác, không cố gắng tranh luận.
- Khi xảy ra cãi cọ, đứng gần nơi có lối đi (cửa, đầu cầu thang..) để dễ bề thoát hiểm. Tránh đứng gần các vật dụng có thể gây thương tích (dao, gậy, búa…).
- Lưu giữ dấu vết khi bị bạo lực để báo cáo cho cơ quan hỗ trợ khi cần.
- Giải thích cho con về việc mình bị bạo lực. Hướng dẫn con cách thoát hiểm và tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp khi bạo lực xảy ra.
Các địa chỉ hỗ trợ người bị bạo lực giới:
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) - Hotline: 024.33335599; 0941409119
Quảng Ninh: Ngôi nhà Ánh Dương: 18001769
Đà Nẵng: TT công tác xã hội: 0236.221.4668
Thành phố Hồ Chí Minh: TT công tác XH Ánh Dương: 028.3820.9426/ 028.3820.8470
(* Tên nhân vật đã được thay đổi)