Kỹ sư Nguyễn Duy Hiền bên công trình thủy lợi bờ kè dọc bờ bắc sông Hương do anh và cộng sự thiết kế - Ảnh: NHẬT LINH
Biết câu chuyện này, những người làm chương trình học bổng của Tuổi Trẻ đã đi tìm và "tiếp sức" cho Hiền thêm lần nữa. Chín năm sau bài viết "Cổng trường đại học vẫn còn xa" (Tuổi Trẻ ngày 17-9-2013), Hiền giờ đã là kỹ sư xây dựng thủy lợi và đang góp sức xây dựng Thừa Thiên Huế.
Suất học bổng xẻ đôi
Mình vui đến phát khóc khi biết được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Cầm tiền trong tay, mình nghĩ ngay đến việc vào Đà Nẵng để kịp nhập học, rồi sẽ đi làm thêm. Nhưng niềm vui ngắn lắm, trôi đi ngay khi về đến nhà, bắt gặp ánh mắt thăm thẳm buồn của mẹ.
Hai anh trai mình lúc đó đang học tại Trường ĐH Y dược Huế và Trường ĐH Nông lâm Huế. Mấy sào ruộng ở quê không gánh nổi học phí của hai anh. Thứ quý nhất là sổ đỏ nhà cũng được ba mẹ cầm cố ngân hàng khi hai anh vào đại học rồi. Thời điểm đó, mẹ luôn thấp thỏm, sợ người ta đến siết căn nhà dột nát che mưa nắng của cả gia đình vì khoản nợ ngân hàng hơn 60 triệu đồng.
Nhiều đêm suy nghĩ, mình nuốt ngược nước mắt, đưa 5 triệu đồng học bổng còn nóng hổi trong tay cho mẹ gửi hai anh kịp nộp học phí. Mình nói với mẹ: "Con sẽ lên Huế kiếm việc để tích tiền học. Sang năm anh cả ra trường, ba mẹ bớt gánh nặng rồi con thi lại cũng chưa muộn". Mẹ cầm tiền, bật khóc, mình cũng òa theo!
Thật lòng khi ấy mình sợ những người đã trao niềm tin qua suất học bổng thất vọng vì mình giấu họ nghỉ học. Nhưng phép màu đã xuất hiện. Thầy Nguyễn Thiện Tống - người kết nối học bổng cho mình - cùng những nhà hảo tâm khi biết tin không những không giận mà còn gọi đến, tặng mình suất học bổng "Tiếp sức đến trường" đặc biệt.
"Thợ săn học bổng"
Ngày được báo Tuổi Trẻ mời đến văn phòng ở Huế nhận suất học bổng bổ sung, mình cứ nghĩ đang sống trong giấc mơ có thật giữa đời. Suất học bổng đặc biệt ấy tới hơn 20 triệu đồng được các nhà hảo tâm trao tận tay mình. Cầm số tiền đó, mình tức tốc vào Đà Nẵng. Cũng may, nhà trường tạo điều kiện tối đa cho nhập học và xét cho mình ở ký túc xá luôn.
Vì vào muộn hơn các bạn cả tháng, mình có chút hụt hơi. Kiến thức cũng mới quá mà thật sự lúc đó mình chưa hiểu ngay. Nhưng mình không được phép từ bỏ trước bao niềm tin đã được gửi trao. Mượn vở, giáo trình của bạn để học lại, chỗ nào khó quá, mình tìm thầy cô, bạn bè hỏi ngay. Mình cắm đầu học, gần như đêm nào phòng tự học của ký túc xá cũng sáng đèn đến tận khuya.
Hết học kỳ 1 năm đầu, mình đạt điểm xuất sắc nhưng buồn một chút. Vì nhập học trễ, mình không kịp dự kỳ thi tiếng Anh đầu vào nên không có điểm để đủ điều kiện xét học bổng loại xuất sắc dù điểm tổng kết rất cao. Nhưng cũng từ đó, mình đặt quyết tâm phải "săn" cho bằng hết những học bổng nào có được trong đời sinh viên.
Năm năm ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), mình đã nhận được rất nhiều học bổng: Tokai (Nhật Bản), Vallet (Tổ chức khoa học và giáo dục "Gặp gỡ Việt Nam"), học bổng của trường cho sinh viên có điểm tổng kết học kỳ xuất sắc...
Gần như suốt thời sinh viên mình không xin thêm tiền từ ba mẹ ở quê. Bạn bè đặt cho mình biệt danh "Thợ săn học bổng". Ban đầu cũng hơi ngại nhưng sau lại thích biệt danh ấy vì đó là những gì bản thân đã nỗ lực.
Trở về và báo đáp ân tình
Tốt nghiệp thủ khoa ngành kỹ thuật tài nguyên nước (khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện), mình cũng có một vài cơ hội vào miền Nam làm việc nhưng quyết định quay về Huế, đầu quân vào một công ty xây dựng thủy lợi qua sự giới thiệu của nhà trường.
Lúc đi học, mình cùng thầy cô, bạn bè tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó hứng thú với việc đánh giá tác động của thiên tai lên các công trình thủy lợi và lập bản đồ đánh giá rủi ro thiên tai.
Mảnh đất miền Trung quanh năm bão lũ, việc nhận định và có giải pháp chống thiên tai được người dân rất mong đợi. Những kiến thức có được từ giảng đường, mình muốn quay về góp chút công sức xây dựng mảnh đất quê mình.
Sau vài năm công tác, mình đã có mặt trong nhiều công trình xây dựng ở Huế. Mình nhớ những lần vượt núi, băng rừng đưa hệ thống nước sạch lên các bản vùng cao ở xã Nhâm, A Đớt (nay là Lâm Đớt) của huyện A Lưới. Khuôn mặt rạng ngời của những đứa trẻ nghèo vùng cao lần đầu được sử dụng nước sạch khiến mình chẳng thể nào quên được.
Hiện mình đang phụ trách việc xây dựng hệ thống kè chống sạt lở dọc bờ bắc sông Hương, là công trình thủy lợi gần như đầu tiên ở Huế theo phương pháp thi công đóng cọc cừ bêtông cốt thép. Với phương án này, việc thi công đảm bảo an toàn hơn nhưng rút ngắn thời gian, ít tốn diện tích giải phóng mặt bằng, trong khi thẩm mỹ, tuổi thọ công trình cũng cao hơn so với cách thi công cũ.
Ân tình "Tiếp sức đến trường"
Chín năm đã qua nhưng anh Nguyễn Duy Viên vẫn nhớ như in cảm xúc khi hay tin Hiền quyết định nhường suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho hai anh trai có thể tiếp tục học.
Anh Viên kể hay tin Hiền nhường học bổng, hai anh buồn và thương em vô cùng! May mắn là Hiền lại được "tiếp sức" lần nữa, nhờ đó cả ba anh em không dang dở việc học.
Sinh viên Nguyễn Duy Hiền cười thật tươi khi được “Tiếp sức đến trường” lần 2 năm 2013 - Ảnh: TIẾN LONG
Tốt nghiệp, anh Viên vào Nam và hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Đợt dịch COVID-19 hồi năm 2021, anh Viên tham gia tuyến đầu chống dịch tại Bình Dương. Mấy anh em cũng đã trả xong khoản vay ngân hàng hơn 60 triệu đồng ngày đó.
"Ân tình của những nhà hảo tâm, của báo Tuổi Trẻ qua chương trình "Tiếp sức đến trường" vô cùng lớn với anh em mình. Ngoài lời cảm ơn, chúng mình luôn tự hứa không ngừng nỗ lực, đóng góp để xã hội tốt đẹp hơn", anh Viên tâm tình.
"Không từ bỏ khi đối diện với khó khăn là tinh thần mình học được từ những tấm lòng vàng của "Tiếp sức đến trường" và vẫn luôn áp dụng".