Thời điểm này, chị Vũ Mùi (40 tuổi, hiện sống tại Singapore) tất bật mua sắm, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón tết trong khi chồng và con gái vẫn đang đi làm, đi học. Đây là cái tết thứ 6 chị Mùi đón tết ở xa quê.
Trước đây, chị Mùi làm tiếp viên hàng không, sau đó chị lấy chồng và định cư tại Pháp từ năm 2010. Đến năm 2014, gia đình chị chuyển tới Singapore do chồng chị thay đổi công tác.
Gia đình chị Mùi du xuân ở Singapore (ảnh do nhân vật cung cấp)
Ngoài các món ăn truyền thống, chị mua sắm đủ các loại cây và hoa để trang trí nhà như quất, hoa đào, hoa lay-ơn. Chị tâm sự, lưu giữ hồn tết Việt nơi đất khách còn là để cho chồng và con gái gần gũi với văn hóa Việt Nam hơn. Chồng chị là người Pháp, con gái cũng sinh tại Pháp, cả hai luôn háo hức tìm hiểu về văn hóa cũng như ẩm thực Việt.
Cứ giáp tết là con gái 9 tuổi lại náo nức phụ mẹ làm bánh và chuẩn bị tết. Đây là dịp chị Mùi chỉ dạy con về văn hóa quê hương. Mỗi năm, hai mẹ con đều may áo dài mới để đầu năm đi lễ chùa. Có lẽ nhờ thế, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng bé nói, đọc tiếng Việt thông thạo và hiểu văn hóa Việt Nam.
Ngày tết, chị Mùi và con gái đều mặc áo dài (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhà nước Singapore đang thực hiện biện pháp hạn chế, nên sẽ không có pháo hoa, không tụ tập quá đông (mỗi nhà chỉ được tụ họp tối đa 8 người) và đại sứ quán cũng không tổ chức đón tết cho người Việt như mọi năm. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lắm vì theo chị Mùi, tết là gia đình, là ấm cúng từ bên trong, từ những hương vị tết mà mình chuẩn bị.
Trong những năm đón tết ở xa quê, kỷ niệm nhớ nhất của chị Mùi là vào tết năm 2012 - cái tết đầu tiên gia đình chị ở Pháp. Trong chuyến hàng đặc biệt mẹ chị gửi sang cho con gái chuẩn bị tết, ngoài bánh chưng, đu đủ xanh, khô bò, rau thơm, măng, gấc, mứt dừa, ô mai, chè đỗ, chè con ong còn có một cây quất trĩu quả.
Cây quất đặc biệt được gửi từ Việt Nam sang Pháp trong năm đầu tiên gia đình chị Mùi đón tết xa quê (ảnh do nhân vật cung cấp)
Cây quất đặc biệt này được một đồng nghiệp cũ của chị Mùi gửi tặng và phải nhờ một bạn tiếp viên hàng không chuyển giúp. Để mang được một cây quất như thế từ Việt Nam sang Pháp, bạn chị đã phải chọn thật khéo sao cho cây quất có thể bỏ vừa vào chiếc vali to và quấn bọc cẩn thận để quả không bị rụng trong quá trình di chuyển.
Chị Mùi rất xúc động khi nhắc lại câu chuyện cây quất tết, nó là biển trời tình cảm của người ở quê nhà dành cho gia đình chị. Giữa Paris, chị có thể mua một cành đào ở phố người Hoa, đồ ăn Việt có thể tự nấu, nhưng không thể tìm đâu ra một cây quất như thế.
Chị Mùi kể, đêm trước đó chị không ngủ được, cứ thấp thỏm mong trời sáng để đón bạn tiếp viên cùng cây quất và đồ ăn tết gia đình gửi. Lúc dỡ vali, chị nâng niu cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ nên cây quất đi nửa vòng trái đất vẫn... vẹn toàn.
Ngày đó, con gái chị mới hơn một tuổi, bé rất thích cây quất, cứ chạy vòng quanh, thỉnh thoảng lại sờ nhẹ lên quả.
Sau tết, chị tưới nước và chăm sóc tốt nên cây quất vẫn ra hoa, nhưng do điều kiện khí hậu nên quả đậu lứa sau không to và vàng như ở quê nhà. Những khi con gái bị ho, chị hái quất để hấp đường phèn cho con gái uống. Khi gia đình chuyển đến Singapore, chị đưa cây quất đến "gửi" ở vườn của cô chồng ở ngoại ô Paris. Cây quất bén đất Pháp, tốt tươi khoẻ khoắn. Mỗi lần gia đình về Pháp, con gái chị vẫn nhắc và ra vườn để ngắm cây quất đặc biệt.
Mâm cỗ ngày tết của gia đình chị Mùi ở Pháp với đầy đủ các món ăn truyền thống Việt Nam cùng cây quất đặc biệt (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị nhớ mãi cảm giác hồi hộp thiêng liêng của tết năm đó, khi tự lo chu toàn một cái tết cổ truyền cho gia đình nhỏ. Năm đó, gia đình chị đã đón một cái tết đầy đủ hương vị Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều người. Bạn bè đến nhà chơi trầm trồ và thán phục vì nhà chị có hẳn một cây quất tươi chơi tết.
Đây cũng là lần đầu tiên chị tổ chức tết cho vài gia đình người bạn Việt Nam cũng xa quê nhưng không có điều kiện đón tết đủ đầy.
Đón tết ở xa quê dù thế nào, lòng người xa xứ cũng không thôi nhớ tết quê hương. Chị Mùi chia sẻ: “Dù đầy đủ đến đâu, vẫn thấy thiếu nhiều lắm. Nhớ cái lạnh của Hà Nội, nhớ hương lá mùi già tắm tết, nhớ những con phố vắng vào chiều 30, nhớ cảnh gia đình anh em ruột thịt sum vầy, ngày mùng Một tết xếp hàng chúc tết ông bà. Có một mùi tết của quê hương như đã ngấm sâu trong tiềm thức, không thể tả thành lời”.
Chị Mùi nói, từ Singapore về Việt Nam chỉ mất vài tiếng. Chị hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, dịch bệnh qua nhanh để gia đình chị được trở về đoàn viên bên nhau.