Chuyện chai nước của Toshiya Miura
Đó là một trận đấu mà cựu HLV của ĐT Việt Nam - ông Toshiya Miura đã "vi hành" đến sân Long An để xem chân giò những cậu học trò cưng là Phạm Hoàng Lâm và Huỳnh Tấn Tài đang thi đấu cho Long An.
Mọi động thái, cử chỉ, điệu bộ của ông thầy người Nhật đều lọt vào ống kính của giới truyền thông. Đơn giản lúc bấy giờ ông Miura đích thực là một "idol" của bóng đá Việt Nam.
Nhưng có một câu chuyện mà không phải ai cũng biết đó là ông Miura đã phản ứng khi bước vào phòng vệ sinh của sân Long An.
Một góc sân Long An.
Đấy là những cái lắc đầu ngao ngán, vì nhà vệ sinh của sân vận động này dùng chung với khán giả. Tức không có lối đi riêng, khu vệ sinh riêng cho quan chức…
Hệ thống nhà vệ sinh ở đây gần như không có cửa. Khi muốn rửa tay thì phải thò tay múc nước từ hai cái bể chứa nước bên trong.
Dĩ nhiên, nếu được vệ sinh thì cái bể chứa nước này tạm được xem là sạch. Nhưng cũng không ít lần, người ta thấy vỏ ni lông, giấy gói bánh mì lềnh bềnh trên mặt nước…
Hơn một lần ông Miura là "khách" của cái nhà vệ sinh này. Trong số ấy, có một lần ông phải dùng chai nước uống của mình để rửa tay…
Có người bảo vì đông quá nên ông thầy người Nhật không thể chen chân vào rửa tay. Sau khi "gửi tình yêu vào đất" thì ông phải dùng tạm chai nước uống rửa tay. Có người khẳng định, ông Miura "không dám" rửa tay vì bể nước đục ngầu…
Thực ra chuyện chai nước của Miura chỉ bé cỏn con. Và ông thầy người Nhật còn sướng chán vì dù gì, đấy cũng là "khu VIP". Còn nếu là một khán giả ở các khán đài khác, chắc ông Miura sẽ hiểu cái cảnh thế nào là… tra tấn sống mũi.
Khán đài A sân Long An chỉ có 2 nhà vệ sinh.
Chuyện cái toilet của Công Vinh
Mới đây chia sẻ với tờ Vietnamnet, Công Vinh cho biết: "Tôi đã từng nói chuyện với nhiều CĐV, và họ nói rằng họ sợ đến sân không phải vì không vui hay đội thua hoặc như thế nào đấy mà nguyên nhân khiến họ sợ xuất phát từ cái nhà vệ sinh. Rất hôi thì thực sự không thể được.
Một đơn cử, cuối tuần khán giả đến sân, đặc biệt là những khán giả nữ đến sân mà nhà vệ sinh hôi hám thì ai dám đến nữa. Thâm tâm tôi luôn muốn giải quyết tất những điều tưởng chừng như nhỏ nhất này".
Sau khi sửa phòng thay đồ, Công Vinh có thể tiếp tục ghi điểm với những việc làm được cho là "tiểu tiết" như sửa toilet. Sửa toilet của một sân vận động tưởng chừng như đó là một việc đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp.
Thực ra, để sửa một cái gì đó trong sân Thống Nhất thì quyền Chủ tịch CLB TP.HCM phải được cấp phép. Nếu nhìn từ việc sửa chữa phòng thay đồ, có vẻ như CLB TP.HCM đã được cấp trên "bật đèn xanh" để thay đổi và có thể khai thác.
Nhưng cần phải nói lại, sân Thống Nhất vẫn nằm trong quyền điều hành của Trung tâm thể thao Thống Nhất. Tức, ngoài bóng đá thì vẫn còn có những môn thể thao khác hoạt động ở đây. Nghĩa là các bên phải có những thỏa thuận, cam kết… chứ không phải thích là sửa ngay và luôn.
Sân Thống Nhất tại TP.HCM.
Nhân nói chuyện Công Vinh lại nói đến chuyện những cái sân khác. Vừa qua, CLB Hà Nội đã được bàn giao sân Hàng Đẫy để khai thác và đội bóng Thủ đô đang ấp ủ biến sân này thành một "thiên đường" bóng đá.
CLB Hà Nội, hay trước đó là HAGL, B.BD và có thể sắp tới là CLB TP.HCM được xem là may mắn. Còn hầu hết những CLB khác đều không có quyền sở hữu sân vận động riêng. Thậm chí, nhiều nơi phải thuê chính sân nhà của mình cho nên không phải muốn bỏ tiền ra để xây, sửa là được.
Năm 2015, có đến 7 CLB của V-League từng nằm trong danh sách "có nguy cơ" không được cấp phép dự giải đấu này vì hệ thống cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, có những đội bị "tuýt còi" vì cái toilet không đủ tiêu chuẩn.
Cho đến nay, đây vẫn còn là câu chuyện thời sự bởi các đội bóng chỉ hoạt động độc lập về tài chính, nhân sự... còn sân vận động vẫn do các Sở quản lý, hoạch định, thu chi…
Chuyện sửa cái toilet của Công Vinh không mới nhưng vẫn là luôn là đề tài được quan tâm của các đội bóng và các khán giả. Vì thế, có thể hiểu tại sao lại được nhiều người ủng hộ đến vậy.
Công Vinh đã và đang thay đổi CLB TP.HCM từ những cái nhỏ nhất không ngoài mục đích kéo "thượng đế" đến sân với các dịch vụ mà họ xứng đáng khi bỏ ra những đồng tiền mua vé.
Có thể Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM đã có thực quyền và người ta tin Công Vinh sẽ làm được chứ không phải những phát ngôn cho vui.
Nhìn cái cách Công Vinh làm có lẽ rất nhiều ông chủ của đội bóng khác cũng ước được sửa cái toilet như anh. Chuyện cái toilet của Công Vinh vì thế sẽ còn được bàn và nhắc đến nhiều trong thời gian tới.
Sân Wembley 90.000 chỗ ngồi có đến 2.618 toilet
Sân Wembley được đập đi xây lại với kinh phí đầu tư tốn kém nhất thế giới lên đến 1,2 tỷ USD. So với sân Wembley cũ, sân mới có 2.618 toilet ở các tầng, trở thành sân vận động có nhiều toilet nhất thế giới. Rõ ràng, toilet cũng là nơi mà các CĐV lưu tâm chứ không chỉ có các dịch vụ giải trí.
VPF không có quy định về nhà vệ sinh cho CĐV
Điều lệ Toyota V-League 2017 dường như không đề cập đến hệ thống nhà vệ sinh phục vụ cho khán giả. Cụ thể:
IV. SÂN THI ĐẤU VÀ SÂN TẬP
4.1 Sân thi đấu
4.1.1 Tiêu chuẩn kỹ thuật:
4.1.1.1 Sức chứa: Tối thiểu 10.000 (mười nghìn) khán giả.
4.1.1.2 Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật: Phải đảm bảo an toàn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu; phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn do cơ quan quản lý xây dựng của địa phương cấp.
4.1.1.3 Mặt sân: - Cỏ tự nhiên, mọc phủ đều, được lu phẳng và mịn. Trước ngày thi đấu phải cắt cỏ, tưới nước trên mặt sân (nếu thời tiết nắng)
…
4.1.1.5 Hệ thống phòng chức năng: - Bố trí đầy đủ hệ thống phòng chức năng theo quy định, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. - Tối thiểu phải có phòng nghỉ dành riêng cho từng đội, cho giám sát, trọng tài; trong đó, có trang bị: Đèn chiếu sáng, phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn, ghế, bảng trắng, tủ khóa hoặc móc treo, 2 giường mát-xa, bắt buộc phải có máy lạnh và quạt điện (đối với phòng thay đồ của các đội); đối với phòng Giám sát, phải trang bị đầy đủ đường truyền internet, máy vi tính và máy in. - Phải có phòng (hoặc cabin) dành riêng cho truyền hình và cabin cho chỉ huy an ninh ở vị trí trên cao giữa khán đài A; trong đó, trang bị đầy đủ bàn ghế, tivi, nguồn điện...