Zimbabwe đã gặp nhiều khó khăn với những đợt khủng hoảng tiền tệ trong hơn 24 năm. Hôm 5/4, nước này cho ra mắt đồng Zimbabwe Gold (ZiG), được hỗ trợ bởi 2,5 tấn vàng và dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 285 triệu USD.
Các nhà chức trách đã buộc phải thay đổi đồng nội tệ sau khi đồng ZWL mất giá mạnh kể từ khi được tái phát hành vào năm 2019 và mất hơn 80% giá trị kể từ đầu năm nay. Chính quyền của Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã đưa ra một loạt chính sách để hỗ trợ đồng tiền mới, bao gồm cả việc bỏ tù những người bị cáo buộc tiếp tay trao đổi ngoại tệ và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái.
Trong khi tỷ giá hối đoái ngoại tệ chính thức vẫn tương đối ổn định ở mức 1 USD đổi 14,5 ZiG, thì thị trường chợ đen hiện là 24 ZiG đổi 1 USD. Những người theo dõi thị trường cho biết tình trạng mất giá xảy ra hầu hết trong tháng này và một số cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Họ cho biết, đồng tiền mới của Zimbabwe có thể đang có diễn biến quen thuộc.
Eddie Cross, nhà kinh tế học và cố vấn của Tổng thống Mnangagwa, cho biết nếu chính phủ không can thiệp ngay lập tức, đồng nội tệ sẽ không thể hồi phục sau đà sụt giá mạnh trong tháng qua.
Ông nói: “Khi ZiG được đưa ra thị trường vào tháng 4 năm nay, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (RBZ) thông báo ông đã 3 lần đưa ra động thái bảo vệ đồng tiền này bằng cách sử dụng đồng ngoại tệ mạnh và dự trữ vàng.”
Cross cho biết: “Thống đốc nói rằng ông ấy quyết tâm bảo vệ giá trị của đồng tiền và tin rằng ông có thể làm như vậy. RBZ giữ giá trên thị trường giao dịch ngoại hối ở mức khoảng 15 ZiG đổi 1 USD trong 2 tháng, song tỷ giá đã xuống 24 trong tháng qua.”
Cross lo ngại: “Tỷ giá tăng giảm là bình thường nhưng xu hướng với ZiG là liên tục giảm. Nếu tình hình này tiếp diễn, ZiG sẽ chịu ảnh hưởng lớn và không thể hồi phục.”
Theo nhà kinh tế này, các vấn đề đối với đồng nội tệ tái diễn là do Zimbabwe không kiểm soát quá trình phi đô la hoá sai cách. Ông cho biết, tâm lý chung trên thị trường là ZiG sẽ rớt giá như đồng ZWL trước đây.
Cross chỉ ra: “Mới đây, RBZ đã yêu cầu người dân phải giao dịch đồng ZiG ở mức 14,5 đổi 1 USD. 500 doanh nghiệp đã bị phạt vì vi phạm.”
Những “tay buôn” trên thị trường chợ đen, hiện chiếm tới hơn 1 nửa nền kinh tế Zimbabwe, đi đến các cửa hàng, mua mọi thứ họ muốn với giá 14,5 đổi USD, sau đó đi ra và bán lại để lấy USD với giá 24.
Nhà sản xuất đường lớn nhất Zimbabwe, Hippo Valley, đã gặp khó khăn trong đúng thời điểm công bố báo cáo tài chính kết thúc ngày 30/7. Công ty cho biết doanh thu tính bằng USD của họ đang giảm và tính theo đồng nội tệ lại tăng. Song, các nhà cung cấp lại thích thanh toán bằng ngoại tê.
Liên đoàn Công nghiệp Zimbabwe (CZI), cơ quan đại diện cho ngành, cho biết trong khi ZiG có dấu hiệu mất giá trên thị trường chính thức thì đà sụt giảm lại lớn hơn trên thị trường chợ đen. Theo CZI, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để có được ngoại tệ trên thị trường chính thức và điều này có thể khiến việc sử dụng đồng ZiG bị suy yếu.
Morgan&Co, một công ty tư vấn có trụ sở tại Harare, cho biết áp lực lên ngân sách của chính phủ đang lớn hơn vì nhu cầu nhập khẩu thêm ngũ cốc do hạn hán tăng lên, báo hiệu cho tình trạng không ổn định của đồng tiền mới.
Chính phủ của Tổng thống Mnangagwa cũng đã chi mạnh tay cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trước thềm hội nghị thượng đỉnh khu vực được tổ chức tại Harare. Công ty tư vấn cho biết điều này cũng gây áp lực lên đồng nội tệ.
"Điều này có thể dẫn đến việc đồng ZiG tiếp tục mất giá trong nửa cuối năm, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tốc độ mất giá của đồng ZWL trong quý đầu tiên", công ty cho biết.
Theo nhà kinh tế Cross, cách duy nhất để chấm dứt tình trạng hiện tại là chấm dứt hệ thống đa tiền tệ và bảo vệ ZiG là đồng tiền duy nhất của đất nước.
Lần đầu tiên Zimbabwe đổi tiền là vào năm 2009 khi tỷ lệ lạm phát là 500.000.000.000 phần trăm, theo IMF. Điều này đã buộc chính quyền của cựu Tổng thống Robert Mugabe phải từ bỏ đồng nội tệ và hợp pháp hóa một rổ tiền tệ do đồng USD thống trị.