Chuyện buồn nơi cửa từ

Khả Minh |

Trưa ngày 5-10-2016, tại chùa Bửu Quang, tọa lạc tại đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM xảy ra vụ trọng án, khiến một người tử vong và ba người khác bị thương.

Vụ việc này nhanh chóng gây xôn xao dư luận vì không ai có thể ngờ đến một ngày cửa từ cũng lụy mùi đau thương thế tục.

Tuy nhiên, như một mệnh đề cũ, bi kịch nào cũng ẩn chứa những nỗi niềm.

1. Trưa, cậu em đồng nghiệp gọi hốt hoảng "Cuồng sát trong chùa, anh ơi". Cúp máy vẫn không tin, bởi lẽ đâu chốn thiền môn cũng lâm vào nhốn nháo hiện thực. Đáng tiếc, sự thật thì không thể khác.

Cậu thanh niên đang gieo duyên (tu tập) được sư thầy Nguyên Tuệ hướng dẫn có tên Ngô Văn Huy (21 tuổi, quê quán Nghệ An, pháp danh Thiện Huy). Anh trai của Thiện Huy dẫn Thiện Huy đến chùa vào những ngày của tháng 5.

Nhiều người ở trong chùa Bửu Quang cho biết, hằng năm chùa có mở các lớp thiền để các phật tử vào học. Huy vốn có nhiều biểu hiện bất thường, nhưng cửa từ nào không rộng mở cho chúng sinh. Sư thầy Nguyên Tuệ vẫn cố gắng từng chút một hướng dẫn Thiện Huy.

Ít lâu sau, Thiện Huy tìm về một ngôi chùa khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp tục tu tập. Thời gian trôi qua, mãi cho đến ngày 4-10, Thiện Huy trở về chùa. Vẫn như cũ, Thiện Huy lầm lì, không trò chuyện cùng ai. Gặng hỏi mãi thì Thiện Huy mới nói, họ bảo không bình thường nên Thiện Huy bỏ về.

Sáng ngày 5-10, Thiện Huy cùng sư thầy Nguyên Tuệ và các sư thầy, ni sư khác chuẩn bị lễ cúng 21 ngày mất cho cha của một vị phật tử của chùa. Trong lúc chuẩn bị đồ lễ, sư thầy Nguyên Tuệ có tỏ ý không bằng lòng về Thiện Huy.

Cũng chẳng biết câu chuyện này diễn ra theo lối nào, chỉ biết dường như bị kích động nên Thiện Huy chạy vào nhà bếp vơ lấy con dao đuổi chém các sư thầy, ni sư. Cơn kích động của Thiện Huy khiến một ni sư tử vong và làm ba sư thầy khác bị thương.

Khi thông tin này được loan đi, rất nhiều người đồn đoán Thiện Huy ngáo đá. Bởi nếu không ngáo đá thì người ta không thể lý giải được vì sao Thiện Huy lại có hành động như vậy.

Tôi vốn luôn kính trọng các vị sư, lại thường tìm sự an lạc khi vãn cảnh chùa. Ngày trước cạnh nhà có ngôi chùa nhỏ bên kênh Cầu Mật. Mỗi chiều đi làm về ngang cho dù đang stress hay mỏi mệt ra sao, chỉ cần nhìn vào tượng Quan Âm đang đứng trước chùa là lòng bỗng bình yên đến lạ thường.

Thời sinh viên, tôi vẫn thường sang chùa Vĩnh Nghiêm thưa chuyện cùng các bức phù điêu, các vị La Hán chỗ bảo tháp. Những lần trò chuyện như vậy luôn khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Nhà tôi có thờ đức Dược Sư và Quan Âm, sớm đi làm thắp hương cúi đầu đều nhẹ nhàng mọi hỉ nộ ái ố.

Mỗi người có một niềm tin, mỗi người có một tín ngưỡng nhưng chắc chắn không có niềm tin và tín ngưỡng nào lại khiến xui người ta sa vào điều xấu. Lấy niềm tin và tín ngưỡng như là một phương pháp để răn mình, để tu dưỡng.

Chuyện tưởng không ai biết lại tính làm thì sợ vào quả báo luân hồi mà dừng lại, ác niệm vừa khởi thủy lại nương vào nhân duyên mà kìm hãm, đều không phải là không có uyên nguyên khiến con người trở nên thiện tính hơn.

Các sư thầy ở chùa Bửu Quang thuật rằng các sư đã có kế hoạch đưa Thiện Huy đi trị bệnh, chỉ tiếc rằng dự tính ấy chưa thành hiện thực thì câu chuyện đau lòng đã ập đến.

Tôi viết chi tiết này không phải để trách ai, nhưng thật ra chúng ta đã từng chứng kiến quá nhiều cảnh xót xa từ người tâm thần gây án.

Cậu sinh viên mắc chứng hoang tưởng, luôn nghe trong tai có người rì rầm rằng hàng xóm của cậu đang có âm mưu sát hại toàn gia đình cậu. Tiếng nói cứ thúc giục cậu phải hành động để bảo vệ gia đình.

Cậu giấu dao vào người và sang nhà hàng xóm, không may người hàng xóm đang ngồi trên xe máy trước sân. Cậu sinh viên tiến lại từ phía sau và vung dao lên, một bi kịch lập tức hiện hữu.

Hay như chuyện mẹ già đã ngoài 70 tuổi, con gái bị tâm thần đang điều trị tại địa phương. Con gái lên cơn, cầm dao chém chết mẹ.

Câu chuyện đau đớn nhất là câu chuyện về người cha tâm thần lên cơn chém chết cậu con trai đang ngủ ở một huyện thuộc tỉnh Nghệ An. Sau khi gây án, người cha bị đưa đi điều trị bắt buộc, đến khi tỉnh táo, ông bị dằn vặt về tội lỗi của mình với con trai và tìm đến cái chết để lãng quên.

Ngày tôi còn bé ở quê, trong xóm có người đàn ông trung niên bất bình thường, người lớn bảo ông bị ma nhập. Người đàn ông hiền khô, chỉ lang thang khắp xóm bất kể nắng mưa, không trò chuyện cùng ai cũng như không có biểu hiện gì gây phiền toái cho người khác.

Người đàn ông ấy chỉ trò chuyện một mình rồi nhoẻn miệng cười. Một ngày, người thân của người đàn ông phát hiện người đàn ông treo cổ ngay trên cây xoài ngoài vườn sau.

Trên thực tế, những gia đình không may có người thân mắc bệnh tâm thần thường rất ít khi quyết đoán trong việc điều trị. Phần vì ngại, phần vì quan điểm người mắc bệnh tâm thần cũng hiền lành, có làm gì ai đâu mà phải điều trị.

Họ toàn ngồi một chỗ hay đi lang thang thôi, có chọc phá ai đâu, điều trị làm gì. Người ta quên mất rằng bệnh tâm thần nếu không điều trị mỗi ngày lại thêm nặng và chắc chắn không ai có thể lường trước những hậu họa luôn rập rình chờ cơ hội để hiện hữu.

Hồi lâu có vị bác sĩ chuyên về điều trị tâm thần gọi cho tôi để trao đổi về một bài báo trên một tờ báo.

Đại khái tờ báo này viết về chuyện những cơn ghen kỳ lạ, có nhắc đến chi tiết, người đàn ông ghen vợ đến mức đập chai thủy tinh, chén sứ rồi rải xung quanh nhà nhằm khiến cho người tình của vợ không thể tiếp cận được.

Vị bác sĩ nói, "Nếu như chuyện này là sự thật hoàn toàn, anh nên gọi cho đồng nghiệp để khuyên người đàn ông này đi điều trị. Bởi đây là biểu hiện rất nặng, không thể không điều trị, có nhiều nguy cơ không lường trước hết trong trường hợp này".

Đó rõ ràng không còn là một cơn ghen thuần túy yêu thương nữa, đó là một căn bệnh. Buồn là ít người hiểu và chấp nhận đấy là bệnh lý cần phải điều trị.

2. Trở lại vụ trọng án của Thiện Huy. Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) củng cố hồ sơ, chuyển giao Thiện Huy cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44, Công an TP Hồ Chí Minh) theo chỉ định của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, do có biểu hiện như người phê ma túy nên Công an quận Thủ Đức đã tiến hành thủ tục kiểm tra nhanh chất gây nghiện trong cơ thể nghi can Thiện Huy nhưng phát hiện Thiện Huy không nghiện ma túy, không sử dụng chất kích thích.

Với những biểu hiện bất thường, Công an quận Thủ Đức đã làm các thủ tục trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi can Huy để có căn cứ hoàn tất hồ sơ xử lý Thiện Huy.

Ni sư Huỳnh Thị Ngọc, pháp danh Diệu Tâm, nạn nhân tử vong trong cơn kích động của Thiện Huy năm nay đã 104 tuổi. Đó là một vị ni sư thành tâm.

Ni sư Diệu Tâm có người thân ở nước ngoài, thi thoảng họ hàng có ghé chùa vấn an ni sư Diệu Tâm. Sáu mươi năm nay, ni sư Diệu Tâm thiền tịnh ở tịnh cốc trong khuôn viên chùa Bửu Quang.

Ni sư không lập gia đình. Mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng ni sư Diệu Tâm vẫn còn minh mẫn, nói năng mạch lạc.

Chỉ có điều do sức yếu, nhiều năm nay ni sư Diệu Tâm không tự đi lại, ni sư sử dụng xe lăn. Chuyện cơm nước do các vị phật tử đưa đến tịnh cốc cho ni sư mỗi ngày. Bình thường, khoảng 11h trưa ni sư sẽ được đẩy ra ngoài ghế đá để ngồi phơi nắng.

Cái hôm oan nghiệt Thiện Huy lên cơn kích động, ni sư Diệu Tâm lại phơi nắng trước một tiếng theo như lệ thường. Nghiệt oan thay.

Ni sư Diệu Tâm được các sư thầy tổ chức lễ tang trong chùa Bửu Quang. Sinh ký tử quy, một đời gửi mình vào kinh kệ nay thác ở nơi gửi mình. Biết rằng là đớn đau nhưng nếu không tìm sự an ủi trong chi tiết ấy thì biết tìm đâu nữa.

Dẫu rằng, oan khiên kiếp này nếu theo thuyết nhà Phật thì bao giờ không xảy ra có nguồn cơn thì từ tiền kiếp. Kiếp này khép lại oán hận thì hậu kiếp sẽ bình an, hy vọng vậy.

3. Theo thông cáo phát đi từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết mọi thông tin liên quan đến vụ án phải chờ kết luận của cơ quan điều tra làm rõ.

Về nghi can Thiện Huy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói thêm để rõ, Huy là một tín đồ bình thường, không phải là tu sĩ Phật giáo, chỉ vào chùa tu gieo duyên khoảng 4 tháng nay theo truyền thống của Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh.

Trụ trì chùa Bửu Quang không đăng ký người nhập tu theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Sau vụ việc nói trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Thủ Đức tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận người vào tu gieo duyên tại chùa Bửu Quang.

Khi có kết quả, căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tùy theo mức độ vi phạm, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh tiến hành xử lý nghiêm để chấn chỉnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại