10 bị cáo - 10 tên gián điệp sừng sỏ được quan thầy tuyển mộ đưa đi đào tạo bài bản tại Guam đã phải nhận những bản án nghiêm khắc nhất: 1 án tử hình và 103 năm tù cho 9 tên còn lại. Thời gian dẫu đã qua đi hơn nửa thế kỷ nhưng GM65 - chuyên án phản gián lừng lẫy một thuở vẫn mãi để lại những dư âm về chiến công xuất sắc của lực lượng an ninh thành phố Cảng trước cơ quan tình báo nhà nghề đế quốc…
Kỳ 1: Tiếng "moóc" giữa đêm khuya và những ổ điện đài, vũ khí dưới các ngôi mộ giả
23h đêm 11-3-1957, công dân Bùi Văn Trúc, trú tại số nhà 46/18 đường An Dương thuộc tiểu khu An Dương, Hải Phòng trong lúc xem hát về qua phố Dinh bỗng nghe có tiếng "rít" rất lạ - đặc trưng của loại máy thu phát vọng ra từ gác chuông nhà thờ An Tân.
Vốn là người có chút am hiểu về kỹ thuật vô tuyến điện, ông Trúc vội nép vào cây cột điện ven đường tiếp tục nghe ngóng. Ít phút sau, vẫn từ phía bên trong nhà thờ tối đen, những âm thanh "tít", "tít"… đều đặn, theo một chu kỳ của người đang gõ ma - níp càng rõ mồn một trong đêm khuya.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là một điện đài đang hoạt động.
Nhưng ai là người sử dụng? Sử dụng vào mục đích gì tại khu nhà thờ bị bỏ hoang này? Nén nỗi sợ hãi khiến máu trong người như đông cứng, ông Bùi Văn Trúc vội đến Đồn Công an An Dương trình báo toàn bộ sự việc.
Tuy nhiên, khi cơ quan công an tiến hành kiểm tra bí mật thì toàn bộ nhà thờ An Tân lúc đó đã vắng tanh không còn một bóng người…
Theo hộ tịch viên Thuận của Đồn An Dương phản ánh, nhà thờ An Tân từ sau Hải Phòng giải phóng bị bỏ hoang phế không ai coi sóc. Dân cư xung quanh rất thưa thớt, không có loa truyền thanh công cộng cũng không nhà nào có ra-di-ô.
Như vậy, nếu tin báo của ông Trúc là chính xác thì đây có thể là một trong những điểm bọn tình báo, gián điệp được địch cài cắm lại sử dụng để liên lạc với trung tâm chỉ huy trong Nam.
Từ nhận định trên, lực lượng phản gián của Sở Công an Hải Phòng đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh. Kết quả cho thấy, tại đây và nhà thờ Cấm, thường xuyên xuất hiện một số đối tượng, nhất là vào những đêm khuya.
Trong số này có: Nguyễn Văn Quế (tức Văn), sinh năm 1930 tại huyện Thạch Thất, Sơn Tây, trú quán: số nhà 38/21 Tô Hiệu, là công nhân bốc vác Cảng Hải Phòng; Nguyễn Cưu Sang (tức An), sinh năm 1934 tại huyện Chương Mỹ, Hà Đông, trú quán: 14B/206 Cát Dài, là công nhân Nhà máy đóng tàu Hải Phòng; Nguyễn Văn Sự, sinh năm 1932 tại huyện Tam Nông, Phú Thọ, trú quán: 71 Lạch Tray, Hải Phòng, là nhân viên Ty Thị chính Hải Phòng…
Tất cả những người này đều là ngụy quân, theo đạo Thiên chúa, có lý lịch và các mối quan hệ xã hội rất không rõ ràng…
Điều đáng nói, chỉ ngay trước đó 3 tháng, vào ngày 16-12-1956, qua phát hiện của người dân chuyên hành nghề bốc mả, Công an Hải Phòng cũng đã thu hồi nguyên vẹn một bộ điện đài mới tinh chưa qua sử dụng mang nhãn hiệu "made in USD" cùng một hộp phụ tùng được chôn dưới một ngôi mộ giả tại nghĩa địa "Bảo Anh thiên thần" (phía sau nhà thờ An Tân).
10 ngày sau, 26-12-1956, anh Nguyễn Văn Tưởng, một giáo dân trong khi đào hố tôi vôi bên trong tường bao nhà thờ Cấm lại phát hiện một hộp sắt chứa các phụ tùng của một bộ điện đài khác cùng chủng loại bao gồm: 1 bộ tai nghe, 3 bảng điện tử và một số linh kiện, đã mang đến Đồn Công an Gia Viên giao nộp.
Việc kiểm tra toàn bộ khu vực nhà thờ Cấm và khu vực xung quanh được tiến hành ngay tức khắc. Tại trước cửa khu vệ sinh phía trong nhà thờ, lực lượng công an ta phát hiện một hố mới đào, được cho là một điểm chôn giấu phương tiện nữa song đã bị kẻ địch bí mật lấy đi rồi lấp lại một cách sơ sài…
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù chỉ mới có hơn 1 năm sau tiếp quản thành phố, song công tác nghiệp vụ cơ bản của các cán bộ, chiến sỹ Công an Hải Phòng thời điểm ấy được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc, kịp thời, bài bản với độ chính xác cao.
Báo cáo của hộ tịch viên (CSKV) cùng các tin tức của cơ sở quần chúng kèm kết quả xác minh của các sỹ quan phản gián được lưu giữ trong hồ sơ vụ án đến ngày nay cho thấy: Ngay từ cuối năm 1956, nhất là sau vụ anh Nguyễn Văn Tưởng nộp lại chiếc hộp sắt đào trong khuôn viên nhà thờ Cấm, cơ quan an ninh thành phố đã được người dân - với tinh thần cảnh giác cách mạng cung cấp những thông tin quan trọng (sau đó đã được xác minh) về một nhóm người hay lén lút tụ tập tại nhà thờ - nhất là vào ban đêm trên khu gác chuông.
Đó là những cái tên mà chúng ta đã từng nghe ở phần trên: An, Văn, Sự và còn có thêm cả Dương Văn Nhận (tức Nguyễn Thiện Hồi), sinh năm 1928 tại xã Hiền Văn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, trú tại: 23 Đoàn Thị Điểm (phố Dinh), Hải Phòng; Nguyễn Danh Hòe, sinh năm 1928, tại xã Chu Ninh, huyện Quảng Oai, Sơn Tây, trú tại: 83A phố An Đà, huyện Hải An, Hải Phòng; Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1952, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ; Đặng Văn Lượng, sinh năm 1927 cùng quê với Nguyễn Tiến Thành…
Đặc biệt, một người phục vụ trong nhà thờ Cấm - ông Bùi Văn Uy phát hiện, sau tiếp quản Hải Phòng, Thành và Lượng lấy danh nghĩa là con chiên từng đến xin linh mục nhà thờ cho được tạm trú.
Trong thời gian ngắn Lượng và Thành ở đây, ông Uy thấy họ có rất nhiều tiền, vàng và thường lén lút gặp, nói chuyện rất lâu với một số người lạ khác nên đã báo Công an.
Ngày 19-8-1959, hộ tịch viên Hoàng Thanh Sơn (Đồn Công an Lạch Tray) cũng đã có một báo cáo mật gửi về Sở thông báo: có một nam công dân tuổi 35, tên Thành từ Phú Thọ đến thăm nhà của Nguyễn Danh Hòe ở 83 An Đà - đối tượng hiềm nghi trong một tổ chức phản động ở Hải Phòng đang bị ta quản lý nghiệp vụ…
Tiếp theo các sự kiện trên, vào hồi 12h trưa ngày 12-12-1960, Đồn Công an Dư Hàng lại nhận được tin của anh Dương Văn Hạ là bảo vệ dân phố của tiểu khu phát hiện 1 bọc nghi vấn phụ tùng điện đài đào thấy tại một nghĩa trang mới gần nghĩa địa Cây Thông.
Đến ngày 10-4-1962, ông Nguyễn Trọng Cư - công nhân công trường nghĩa địa này khi đào ngôi mộ gạch đề tên bia là Hoàng Văn Mỹ, 15 tuổi ở Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên tiếp tục tìm thấy 1 ổ điện đài nữa.
Tất cả đều cùng chủng loại với ổ các điện đài ta đã thu được.
Trước tình hình đó, cơ quan an ninh ta nhận định, không chỉ chôn sẵn các ổ điện đài, nhiều khả năng địch sẽ còn có những ổ vũ khí với cơ số lớn giấu dưới các ngôi mộ giả ở nghĩa địa Cây Thông.
Đây sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm nếu số vũ khí này lọt vào tay bọn tình báo, gián điệp được cài cắm lại trong kế hoạch hậu chiến của chúng.
Cũng qua các tài liệu, hồ sơ lưu trữ, ta còn được biết, gần tiếp quản Hải Phòng, quân Pháp thường tập trận giả ban đêm trong nghĩa địa.
Tên Hoàng Văn Măng - một sỹ quan "Phòng Nhì" khét tiếng của Pháp thời kỳ ấy, còn liên tục đi xe ô tô mui kín ra vào nơi lính Pháp đóng quân.
Chính vì thế, UBHC thành phố Hải Phòng ngay đó đã ban hành một chỉ thị về việc "di chuyển mồ mả" tại khu nghĩa địa đầy bí ẩn trên (nay là khu dân cư nằm phía sau Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng, thuộc địa bàn phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân).
Quả như dự đoán, qua thẩm tra kỹ, Công an Hải Phòng đã phát hiện tiếp một ngôi mộ giả có tên Lê Văn Định ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, phía dưới là hàng chục khẩu súng tiểu liên cạc - bin, hàng chục ngàn viên đạn cùng các phương tiện phục vụ cho hoạt động phá hoại…
* Số nhà và một vài tên phố trong bài báo được trích nguyên văn trong hồ sơ vụ án đến nay đã thay đổi.
(còn nữa)