Theo nhiều nhà nghiên cứu võ thuật Trung Quốc, võ công của một số nhân vật nổi tiếng ở thế kỷ 20 như huyền thoại Diệp Vấn hay Hoàng Phi Hồng thực tế còn kém xa so với Cung Bảo Điền – người từng giữ chức Tổng quản đại nội thị vệ vào cuối triều đại nhà Thanh.
Đáng chú ý, Cung Bảo Điền lại là đệ tử của Đổng Hải Xuyên, một huyền thoại võ thuật của Trung Hoa từ cuối thế kỷ 19. Vậy, võ công của Đổng Hải Xuyên trên thực tế lợi hại ra sao và nhân vật này có điểm gì đặc biệt?
GÃ HỘ PHÁP TỪNG BỊ TRUY NÃ VÌ LỠ TAY ĐÁNH CHẾT NGƯỜI
Theo Baidu, Đổng Hải Xuyên (1797-1882) sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc. Do cuộc sống bần hàn nên Đổng Hải Xuyên bỏ học từ nhỏ, ngày ngày đi làm nông phụ giúp gia đình. Tuy chẳng được học hành nhưng gia đình ông vẫn kỳ vọng rằng sau này, Đổng Hải Xuyên có thể tạo dựng được sự nghiệp để làm rạng danh gia tộc.
Bức họa chân dung huyền thoại võ thuật Đổng Hải Xuyên.
Đổng Hải Xuyên vốn có niềm đam mê với võ thuật từ khi còn rất nhỏ. Năm lên 15 tuổi, ông bắt đầu rời khỏi nhà, lang bạt khắp nơi để tầm sư học đạo. Trong thời gian này, ông phải đổi tên vì không muốn gây ra rắc rối cho gia đình.
Trong suốt hơn 10 năm, Đổng Hải Xuyên đã thọ giáo nhiều võ sư ở các môn phái khác nhau. Năm lên 18 tuổi, ông đã trở thành một võ sĩ có tiếng, từng đánh bại rất nhiều cao thủ ở Hà Bắc, Giang Tô, An Huy, Tứ Xuyên…
Giai thoại kể lại rằng trong giai đoạn mà ông rời Hà Bắc để đi tầm sư học đạo, trong một lần đi Giang Nam, Đổng Hải Xuyên bị lạc đường tại núi Cửu Hoa Sơn, thuộc tỉnh An Huy và đã học được một số công phu chân truyền của phái Võ Đang từ một đạo sĩ ở miền núi. Trên cơ sở đó, ông đã kết hợp với những nền tảng sẵn có để sáng tạo ra một môn võ công mới và đặt tên là Bát Quái Chưởng.
Theo website Qulishi.com, Đổng Hải Xuyên có dáng vóc vạm vỡ như một hộ pháp. Ông sở hữu cánh tay rất dài, đến nỗi khi ông đứng thẳng thì ngón tay của ông có thể chạm tới đầu gối, bàn tay của ông cũng to khác người. Thế nên, nhiều người bảo ông có "long hình hầu tướng". Không chỉ giỏi võ nghệ, Đổng Hải Xuyên còn là người nổi tiếng thích hành hiệp trượng nghĩa, mỗi lần thấy chuyện bất bình, ông luôn đứng ra can thiệp.
Theo tờ báo KK News của Trung Quốc thì chính bản tính hiệp nghĩa khiến Đổng Hải Xuyên từng phải khốn đốn. Một lần, vì nhìn thấy một cụ già bị kẻ côn đồ hành hung, Đổng Hải Xuyên đã nổi cơn tam bành. Ông định dạy cho kẻ côn đồ này một bài học nhưng không may là Đổng Hải Xuyên lại lỡ tay đánh chết hắn chỉ sau hai đường quyền.
Chính vì vụ việc này mà Đổng Hải Xuyên bị truy nã gắt gao ở khắp mọi nơi. Sau nhiều nỗ lực hòng trốn nã, Đồng Hải Xuyên cuối cùng đã chọn giải pháp biến mình trở thành một hoạn quan rồi sống trong vương phủ Tiêu Thân Vương ở Bắc Kinh.
Trong cái rủi lại có cái may. Tiêu Thân Vương vốn là vị hoàng thân quốc thích đặc biệt mến mộ những anh hào võ thuật. Có lần, vì nhìn thấy Đổng Hải Xuyên luyện võ nên Tiêu Thân Vương hết mực ngưỡng mộ.
Sau nhiều lần chiêm ngưỡng tài năng của Đổng Hải Xuyên, Tiêu Thân Vương đã rất coi trọng và giao cho Đổng Hải Xuyên trọng trách làm tổng quản hộ vệ phủ Thân Vương, đảm nhiệm thêm chức giáo đầu dạy võ trong phủ. Từ đó, Đổng Hải Xuyên cũng trở thành vị võ sư tiếng tăm nổi như cồn ở Bắc Kinh. Môn Bát quái chưởng của ông cũng vì thế mà được phát dương trong giới võ lâm.
VÕ CÔNG CÁI THẾ, TỪNG KHIẾN NHIỀU ĐỐI THỦ PHẢI THÁN PHỤC
Theo Qulishi.com, Đổng Hải Xuyên chưa từng một lần thất bại dù thời trẻ, ông từng đấu với rất nhiều cao thủ khắp từ Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây… Trước khi đến Bắc Kinh và trở thành một hoạn quan trong phủ của Tiêu Thân Vương thì Đổng Hải Xuyên từng có nhiều năm luyện Bát Quái Chưởng ở những vùng núi. Có giai thoại kể rằng sau mỗi ngày luyện võ, ông thường ngồi thiền và tập khí công ở trong hang động.
Sau khi trở thành một vị giáo đầu rất nổi tiếng ở Bắc Kinh, Đổng Hải Xuyên cũng từng bị nhiều võ sư có tiếng ở Bắc Kinh thách đấu. Thế nhưng, tất cả đều lần lượt bị Đổng Hải Xuyên đánh bại.
Chỉ có một lần hiếm hoi Đổng Hải Xuyên bị thủ hòa, đó là lần ông tỉ thí với Quách Vân Thâm – một cao thủ phái Hình Ý Quyền. Sau trận giao đấu này, Đổng Hải Xuyên Quách Vân Thâm đã kết tình bằng hữu. Hai người cùng kết hợp để truyền bá võ nghệ cho nhiều đệ tử.
Cũng sau những lần tỉ thí, có nhiều cao thủ tại Bắc Kinh như Doãn Phúc, Trình Đình Hoa, Sử Kế Đông… dù đã rất giỏi võ nghệ nhưng vẫn phải khâm phục và bái Đổng Hải Xuyên làm sư phụ. Trong số này có Trình Đình Hoa từng đào tạo ra một bậc kỳ tài võ học đó là Tôn Lộc Đường. Do đó, nếu xét về vai vế, huyền thoại Tôn Lộc Đường phải gọi Đổng Hải Xuyên là sư công.
Đồng Hải Xuyên được tạc tượng và trở thành một huyền thoại của võ thuật Trung Quốc.
Tờ báo Sohu từng viết: "Đổng Hải Xuyên luyện võ vô cùng chăm chỉ. Dường như ông ta không bao giờ biết mệt mỏi. Ông luôn tập võ từ sáng sớm, bất kể mùa đông hay mùa hạ, nóng hay lạnh. Về võ thuật, Đổng Hải Xuyên là người có thần dũng. Những tên cướp luôn phải chạy trốn mỗi khi nghe thấy tên của Đổng Hải Xuyên".
Đổng Hải Xuyên qua đời vào năm Quang Tự thứ 8 ở triều đại Mãn Thanh (1882). Chuyện kể rằng khi trút hơi thở cuối cùng, đôi bàn tay của ông vẫn giữ ở tư thế của một đòn đánh của Bát Quái Chưởng. Ông được chôn cất ở phía Tây của thủ đô Bắc Kinh nhưng được cải táng, xây dựng lại vào năm 1980. Cuối tháng 1/2016, một nhà tưởng niệm mang tên Đổng Hải Xuyên cũng được khánh thành ở nơi mà ông sinh ra, tại huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc.
Sau khi ông qua đời, môn võ Bát Quái Chưởng vẫn được quảng bá và lưu truyền, ngày nay vẫn được rất nhiều người tập luyện.
Hậu thế cũng có rất nhiều giai thoại, viết sách, dựng phim về Đổng Hải Xuyên, đồng thời ca ngợi ông là một trong những võ sư xuất chúng nhất của võ thuật cổ truyền Trung Quốc từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.
(Xem thêm các tin tức võ thuật tại đây)