Theo thông tin từ CTCP FPT Retail, tính đến cuối tháng 4, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có 30 cửa hàng, tăng 8 cửa hàng so với cuối năm 2018.
Trước đó, trong cả năm 2018, Long Châu mở thêm chưa tới 20 cửa hàng. Theo chia sẻ của CEO Nguyễn Bạch Điệp, Long Châu trong năm 2018 là giai đoạn thử nghiệm, mở ở nhiều địa điểm khác nhau để xem nơi nào là lý tưởng nhất, nhằm tối ưu doanh thu và lợi nhuận.
Giờ đây, FPT Retail đã tìm ra công thức đúng cho Long Châu trên địa bàn TPHCM nên bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai hàng loạt.
Trong thời gian tới, Long Châu sẽ được mở rộng ra các tỉnh lân cận TPHCM và cũng sẽ lại bắt đầu thử nghiệm, vì thị trường ở các tỉnh sẽ khác so với thị trường TPHCM.
FPT Retail dự kiến mở tới 70 cửa hàng Long Châu trong năm 2019 và đạt 400 cửa hàng vào năm 2022.
Ngành bán lẻ dược phẩm được chia thành 3 kênh: Kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc.
Với việc mở rộng mạnh mẽ, FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail với doanh thu đạt khoảng 10.000 tỉ đồng.
Hiện nay, mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu trung bình 1,6 tỷ đồng tháng và khoảng sau 6 tháng bắt đầu hòa vốn đến có lời.
Năm 2018, tân dược đóng góp hơn 58% doanh thu, tuy nhiên thực phẩm chức năng là mảng có biên lợi nhuận tốt nhất, đóng góp đến 49% lợi nhuận của FRT, tiếp đến là thuốc và trang thiết bị y tế.
Theo FPT Retail, trước đây, mỗi tháng phải Long Châu phải gom hàng cận date để tiêu hủy với giá trị cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên giờ đây, sau khi đưa công nghệ vào quản lý, giá trị tiêu hủy của cả hệ thống chỉ còn khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Cùng với kết quả khả quan, các công ty chứng khoán như HSC, Bản Việt, FPTS mới đây đều đã cấp margin cho cổ phiếu FRT của FPT Retail. "Công ty tin rằng trong thời gian tới các công ty chứng Khoán khác sẽ tiếp tục cung cấp margin cho FRT", FPT Retail nhận định.