Nếu Mỹ tiếp tục ngăn Huawei không sử dụng công nghệ Mỹ, giống như hãng đã từng làm với ZTE, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gián đoạn theo những cách vô cùng khó dự đoán.
Trong mỗi một cuộc chiến, luôn có những hậu quả khó lường trước. Quyết định của Washington trong việc phòng thủ chống lại tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc – Huawei Technologies bằng việc đề nghị bắt giữ và dẫn độ giám đốc tài chính của doanh nghiệp này cũng không phải ngoại lệ.
Chuỗi cung ứng trên khắp thế giới rồi sẽ phải trả giá cho quyết định này của Washington, theo khẳng định của Nikkei đưa ra trong bài báo mới đây.
Thông tin bà Mạnh Văn Châu bị bắt tại Canada vào ngày 1/12/2018, ngày mà Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp, đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt mất điểm bởi lo sợ tình trạng đình chiến trong chiến tranh thương mại cuối cùng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Tổng thống Mỹ đã cố gắng trấn an thị trường bằng cách ghi dòng trạng thái: “Các cuộc đối thoại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp”.
Quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Trump đã cố gắng gạt đi những đồn đoán rằng vụ bắt giữ nhắm mục tiêu gây sức ép buộc Bắc Kinh nhượng bộ. Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow nói với Bloomberg: “Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Một bên là cải tổ chính sách thương mại còn bên kia là hành động thực thi pháp luật”.
Khi mà vụ việc bắt giữ CFO của doanh nghiệp gây chấn động thị trường toàn cầu, nó cho thấy tầm ảnh hưởng ngày một lớn dần của Huawei. Trong vòng 31 năm kể từ khi mới được sáng lập bằng chỉ khoảng 3.000USD tại thành phố Thâm Quyến miền Nam Trung Quốc, Huawei đã vươn lên từ một công ty kinh doanh bình thường thành một công ty sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới cũng như công ty kinh doanh điện thoại thông minh lớn thứ 2.
Với doanh thu hàng năm 92,5 tỷ USD, Huawei có quy mô gần tương đương như Microsoft hay Google, và gấp 4 lần Alibaba. Huawei cũng là nhà tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc với khoảng 180 nghìn nhân viên đang làm việc trên khắp thế giới, mỗi năm Huawei dành đến 15 tỷ USD cho ngân sách nghiên cứu và phát triển.
Vụ bắt giữ diễn ra ở thời điểm các hãng viễn thông trên khắp thế giới chuẩn bị đổ hàng tỷ USD vào thiết bị sử dụng công nghệ 5G. Huawei đã dành nhiều năm để đón đầu làn sóng này.
Và với Trung Quốc, Huawei “quá lớn để sụp đổ”.
Huawei có khả năng tự chủ cao hơn nhiều so với ZTE, Huawei nắm công nghệ bán dẫn hiện đại nhất - một lĩnh vực mà Trung Quốc đang tha thiết muốn phát triển. Công ty cũng tự thiết kế được bộ xử lý chip trong điện thoại thông minh và là một trong năm nhà cung cấp máy chủ lớn nhất thế giới.
Huawei cũng không hề che giấu tham vọng trong phát triển chip trí tuệ nhân tạo sử dụng trong máy chủ và thách thức sự phát triển của các công ty hàng đầu thế giới như Qualcomm và Nvidia.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Văn Châu cho thấy phía Mỹ vẫn còn vô khối các vũ khí phi thuế quan để có thể chiến đấu với Trung Quốc trong chiến dịch kinh tế và công nghệ chống lại nước này, theo phân tích của Gavekal Research.
Nếu Mỹ tiếp tục ngăn Huawei không sử dụng công nghệ Mỹ, giống như hãng đã từng làm với ZTE, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gián đoạn theo những cách vô cùng khó lường.
Dù hiện đang là nhà cung cấp đứng đầu Trung Quốc, Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp toàn cầu để sản xuất được thiết bị cầm tay cao cấp, máy chủ và thiết bị viễn thông.