Theo số liệu từ công ty nghiên cứu BTIG của phố Wall, 43% sản phẩm của Nike xuất xứ từ Việt Nam.
Điều này biến công ty thời trang, giày dép của Mỹ trở thành một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nhất của các yêu cầu hạn chế sản xuất kể từ khi làn sóng đại dịch thứ 4 tại Việt Nam bước vào giai đoạn nghiêm trọng, các nhà máy phải đáp ứng "3 tại chỗ" thì mới có thể hoạt động.
Trong báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh cách đây ít ngày, Nike cho biết việc tạm dừng các nhà máy ở Việt Nam và vấn đề chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty, tuy nhiên đây là các yếu tố mang tính nhất thời. Sự kiện cũng ảnh hưởng đến các đối thủ cạnh tranh của Nike, do đó công ty khó có khả năng mất thị phần.
Nike cho biết, mặc dù các nhà máy tại Việt Nam đang dần mở cửa trở lại, nhưng công ty đã mất khoảng 10 tuần phải dừng hoạt động do đại dịch.
Mặt khác, thời gian chuyển hàng hoá từ châu Á sang Bắc Mỹ hiện tiêu tốn 80 ngày, gấp đôi so với điều kiện thông thường. Việc chậm trễ trong chuỗi cung ứng khiến cho Nike khó có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là khi giai đoạn cao điểm cuối năm đang đến gần.
Dữ liệu sản xuất của Nike cho thấy, tính đến hết tháng 8/2021, có 138 nhà sản xuất, cung ứng của công ty này đặt nhà máy tại Việt Nam. Cơ cấu tập trung vào ba sản phẩm chính: hàng may mặc, trang thiết bị, giày dép.
Các nhà máy này có tổng cộng gần 484.000 lao động, trong đó 79% là nữ. Các nhà máy tập trung chủ yếu ở phía Nam Việt Nam, khu vực chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch.
Năm tài chính gần nhất kết thúc vào ngày 31/5/2021, doanh thu của Nike đạt hơn 44,5 tỷ USD, chi phí giá vốn 24,6 tỷ USD. Với việc Việt Nam cung ứng hơn 40% số sản phẩm cho thương hiệu thời trang và đồ thể thao của Mỹ, giá trị ước tính cho giá vốn - tức lượng hàng hóa mua từ các nhà cung ứng tại Việt Nam có thể vào khoảng 8-10 tỷ USD.
Các nhà cung ứng chủ lực cho Nike đều là những doanh nghiệp FDI tên tuổi trong ngành may mặc, da giày của Việt Nam. Doanh thu nhóm dẫn đầu từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi năm.