Chợ cá buổi sáng không còn tấp nập bán mua, vài chiếc tàu về, chục người xuống cân, đếm...
Một o xách rổ cá vụn đi lên từ bãi cá, thấy chúng tôi đang chụp ảnh, hỏi han, ghi chép bỗng mỉm cười hỏi: “Cá ăn được chưa, đồng chí?”. Bỏ lại câu hỏi khó mang đầy vẻ châm biếm, o đi...
Không thể rời biển
Ông Nguyễn Văn Nuôi (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) - một lão ngư dân rắn chắc, sạm đen đứng tựa vào chiếc thuyền thúng nhìn ra biển - khắc khoải: “Cả đời sống với biển, chưa bao giờ chúng tôi phải có cảm giác mất mát như bây giờ.
Bão, có mất thì chỉ một vài người, một vài gia đình phải chịu đựng. Vụ ô nhiễm này, cả làng, cả nước cùng phải gánh...”.
* Formosa đã thỏa thuận đền bù, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiệt hại... Những người dân như ông có thấy được bù đắp và khắc phục được những khó khăn không?
- Ông Nguyễn Văn Nuôi: Làng Cảnh Dương chúng tôi do những ngư dân xứ Nghệ lập nên, đến nay đã 373 năm rồi đấy.
Đàn ông Cảnh Dương tầm tuổi tôi (ông Nuôi 67 tuổi - PV) ai cũng có tròm trèm 50 năm đi biển, tôi là bộ đội cũng đầu quân từ biển. Vất vả sung sướng cùng với biển. Sinh nghề tử nghiệp cùng với biển.
Ấy vậy mà bốn tháng nay, dân chúng tôi phải đứng bất động trước biển. Thuyền úp, lưới treo, rổ khô, người thất nghiệp, cá không dám ăn, biển không dám tắm.
Không được sống với biển, hưởng thụ biển, người Cảnh Dương chẳng còn là người Cảnh Dương, xót lòng đứt ruột...
Chính sách đền bù, hỗ trợ không bàn tới vì là chuyện nhà nước, tất cả chúng tôi chỉ mong biển trở lại là của mình, trong sạch, dồi dào sự sống để chúng tôi lại được sống bình thường như trước.
* Trong các giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra có đề cập đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Ông và những người khác có quan tâm hay không?
- Có quan tâm, nhưng không phải quan tâm để chuyển nghề.
Chúng tôi tự hỏi lý do gì mà chúng tôi được gợi ý hay yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp? Sống với biển đã mấy đời như chúng tôi sao có thể chuyển nghề? Mà chuyển nghề rồi, biển mình không còn người nữa hay sao?
Ừ thì chuyển nghề, nhưng...
Chúng tôi chờ rất lâu, ông Nguyễn Đình Lình (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới về đến quán nước của vợ ông trên bãi biển Kỳ Ninh.
Ông nói: “Tôi đã tự chuyển sang nghề xe lai (xe ôm - PV) từ hai tháng nay rồi. Mọi năm, mùa này quán ăn của gia đình khách chờ đông đen, kiếm được cả trăm triệu đồng.
Giờ 10.000 đồng một cuốc xe ra chợ, 20.000 đồng ra thị xã cũng đã là lớn, khách gọi là phải đi...”.
* Nói vậy là ông đã sẵn sàng để “lên bờ”?
- Ông Nguyễn Đình Lình: Tôi đánh cá hơn 30 năm, từng buôn hải sản, làm mực sấy, rồi cùng với vợ mở quán bán hải sản trên bãi biển cũng gần 10 năm rồi.
Bốn tháng nay thì tất cả các nghề ấy lâm vào đường tắc. Thế là lại chuyển sang nghề xe lai, kiếm chút ít đóng tiền điện, nước. Không có sự cố biển này, tôi làm gì đến nỗi phải đi xe lai.
* Trước sự cố môi trường biển này, biển rất hào phóng với ngư dân. Chắc hẳn gia đình cũng còn tích lũy chứ?
- Đúng là dân biển kiếm được tiền, nhưng không giàu được đâu. Mỗi năm chúng tôi đi biển được hai mùa, mùa mưa bão phải nghỉ. Quán hải sản bán cho khách du lịch chủ yếu vào mùa hè, những mùa khác cũng thất thu.
Tiền làm ra phải đầu tư lại: vầng lưới dùng một năm là rách nát, phải thay; thuyền úp lên bờ gặp mưa là mục, phải tu bổ...
Dân nói “biển giả” là vậy, làm ăn được phải trả lại biển. Dân chúng tôi đa số đi thuyền nhỏ, tàu nhỏ, đánh lưới vừa đủ ăn, không vét biển để làm giàu, có vậy biển mới nuôi mình đời này sang đời khác được.
Từ tháng 4 tới nay, đúng mùa hè, mùa cá, mùa du lịch thì xảy ra sự cố môi trường. Không thu được đồng nào nhưng tiền xăng dầu, điện nước, rau thịt vẫn nguyên đó.
Vào năm học mới, tiền học, đóng góp, sách vở vẫn vậy, thử hỏi xoay trở ra sao? Mùa mưa bão lại đến rồi...
* Mối lo nhất và mong muốn nhất của ông bây giờ là gì?
- Chúng tôi chịu thiếu thốn chút cũng được, thi thoảng cắt con cá, xẻ con mực loại to, loại ngon trước nay chỉ dành bán cho khách ra ăn cũng được.
Không ăn thì tiếc, ăn thì buồn, nhưng khổ là không dám cho con ăn, khổ hơn nữa là thấy con phải thiếu thốn vì gia đình không còn thu nhập.
Hơn nữa lại không biết bao giờ biển sạch, bao giờ cá ăn được? Formosa còn sừng sững đó, còn mở rộng hoạt động, sang năm có gây ô nhiễm nữa hay không, ai sẽ canh giữ ống xả thải của họ? Con tôi sau này có còn theo nghề biển được hay không?...
Đó mới là chuyện cần thiết mà chúng tôi chờ Nhà nước giải đáp, giải quyết, chứ không phải 15 cân gạo một tháng hay đền bù, hỗ trợ.
Tôi có nghe việc ưu tiên cho dân vùng bị ảnh hưởng đi xuất khẩu lao động. Đó cũng là một giải pháp tốt, tuy nhiên còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu từng gia đình và phụ thuộc vào việc đi xuất khẩu lao động làm nghề gì.
Trước nay dân vùng này đi xuất khẩu lao động cũng nhiều, chủ yếu làm trên các tàu đánh bắt xa bờ. Nay nếu được ưu tiên, đi mà không tìm hiểu, định hướng, chọn lựa trước, sang đó sẽ rất khó khăn.
Nhiều gia đình không còn người đủ sức khỏe, khả năng để đi xuất khẩu lao động.
Mong muốn nhất chỉ là biển sạch để được yên tâm sống với biển quê hương mình như xưa...
* Ông HỒ QUANG HƯỜNG (phó chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình):
Phải kiểm tra chặt chẽ Formosa
Muốn ra khơi đánh bắt xa bờ phải đóng tàu có công suất máy tối thiểu 200 - 300CV, giá cả tỉ đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay tối đa 100 triệu đồng, số còn lại ngư dân khó kham nổi. Mặt khác, không phải ai cũng đủ năng lực để sang đánh bắt xa bờ, làm nghề khác trên bờ lại càng khó.
Những chính sách đền bù, hỗ trợ trước mắt là cần thiết, tuy nhiên về lâu dài người dân cần những câu trả lời "Biển khi nào sạch? Cá tôm ăn được chưa?" để ổn định tâm lý, yên tâm làm nghề. Chúng tôi đòi hỏi cơ quan chức năng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ đối với hoạt động của Formosa.