Các hoạt động này diễn ra trong phạm vi lớn, với phương thức thủ đoạn tinh vi, tính chất nguy hiểm, khó lường, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ đảm bảo ANCT và TTATXH.
Kỳ 1: Internet - “miền đất hứa ”?
Từ năm 2010 đến năm 2016, cơ quan điều tra trên toàn quốc đã khởi tố 958 vụ án, 1.352 bị can phạm tội về vũ khí; 1.189 vụ án, 2.164 bị can phạm tội về vật liệu nổ.
Đáng chú ý, Cơ quan ANĐT Công an các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn thu giữ 5 súng K54 (vụ Lê Văn Toán); Hà Giang thu giữ 1.008 kg thuốc nổ, 600 kịp nổ (vụ Nguyễn Hữu Phước); Lào Cai thu giữ 4.360 kg thuốc nổ, 41.400 kíp nổ...
Riêng tại thành phố Hải Phòng, lực lượng công an đã điều tra khám phá một số chuyên án phức tạp, giải quyết tình hình sản xuất, mua bán trái phép các loại VK-VLN-CCHT đang “nóng” từng ngày.
Điển hình như vụ ngày 20-6-2013, Công an Hải Phòng phá chuyên án 613S bắt đối tượng Dương Minh Nhất, sinh 1975 ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân có hành vi chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; thu được 29 súng các loại, 1 quả lựu đạn, 286 viên đạn và một số phôi súng, dụng vụ, nguyên liệu sản xuất và nhiều phụ kiện khác do Nhất tự nghiên cứu chế tạo.
Hoặc ngày 21-12-2014, lực lượng Công an Hải Phòng cũng bắt giữ Phạm Đức Phương, sinh 1980, tàng trữ 8kg thuốc nổ tự chế 38 kíp điện. Khám xét tại nhà riêng của Phương nhà chức trách cũng thu được thêm 180 kg thuốc nổ tự chế.
Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra là đâu là môi trường gián tiếp giúp những đối tượng như Dương Minh Nhất, Phạm Đức Phương ngang nhiên “chế tạo” vũ khí, một lĩnh vực vốn bị cấm hoàn toàn bởi pháp luật của Nhà nước? Câu trả lời phần lớn là nằm ở trên mạng Internet.
Thời gian gần đây, lượng tương tác liên quan đến VK, VLN, CCHT trên mạng internet là rất lớn. Tình trạng rao bán các loại vũ khí ngày càng diễn ra công khai và phức tạp, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook hay Zalo.
Chỉ tính từ ngày 1-7 đến 26-8-2017, trên mạng Internet ghi nhận có gần 92.500 lượt tương tác bao gồm bài đăng, bình luận, chia sẻ, lượt thích liên quan đến hành vi mua bán vũ khí.
Ngoài ra có trên 4.500 lượt tương tác liên quan đến rao bán vật liệu gây nổ.
Với sự phát triển của Internet và thương mại điện tử, việc mua bán qua mạng ngày nay diễn ra rất đơn giản.
Chỉ bằng một vài từ khóa qua công cụ tìm kiếm Google, người mua có thể tìm mua được nhiều loại hàng hóa cần mua, trong đó có từ súng quân dụng, đạn, súng điện, súng bắn đạn cao su, dùi cui điện cho đến bình xịt hơi cay, đèn pin siêu sáng cùng chức năng chích điện 2500Kv…
Số liệu mới đây nhất của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) còn chỉ ra những tài khoản Facebook, Zalo rao bán vũ khí, CCHT nhận được số lượng rất lớn người quan tâm, có khi tới hàng chục nghìn lượt thích (like), bình luận và chia sẻ.
Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục C50 cho biết: Để phục vụ đa dạng nhiều loại đối tượng khách hàng, các chủ tài khoản đã móc nối lập đường dây nhập lậu nhiều loại súng hơi, súng bắn gas, CO2, các loại CCHT…có giá thành từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng 1 khẩu từ nước ngoài để tuồn về Việt Nam.
Thậm chí nhận thấy nhu cầu mua bán lớn và mang lại lợi nhuận cao, nhiều đối tượng còn dùng công nghệ 3D sao chép, sản xuất nhiều loại súng hơi, súng gas, CO2 có nhiều tính năng cao cấp, giá trị lớn tới hàng trăm triệu đồng rồi bán ra thị trường với giá thành rẻ hơn.
Không chỉ vậy, hoạt động tự chế vũ khí qua mạng Internet cũng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Các đối tượng thông qua kênh Youtube hoặc các diễn đàn để liên tục đăng tải các hình ảnh Video hướng dẫn làm súng săn, súng cồn, súng hơi, súng khí CO2…và nhiều loại vũ khí thô sơ khác để thu hút người xem.
Thoạt xem clip, ai cũng nghĩ đó chỉ là trò chơi sáng tạo hoặc những thí nghiệm lý, hóa thú vị nhằm bổ túc kiến thức cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên hầu hết những đồ chơi ấy đều có tính sát thương rất cao.
Nhiều diễn đàn trên không gian mạng như “CLB tên lửa mô hình”, “CLB Hóa học”…đã hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các loại thuốc nổ, thuốc phóng, gây cháy, kíp nổ điện, phương pháp kích nổ từ xa bằng điện thoại di động, nổ hẹn giờ bằng những đồ dùng hàng ngày như trang thiết bị trong tivi, quạt điện, điều kiển từ xa.
Đặc biệt nguy hiểm, trên mạng còn xuất hiện clip, video hướng dẫn chế tạo “bom xăng” bằng vật liệu đơn giản, dễ làm.
(Còn tiếp)