'Chúng ta sắp chết hả bố?': Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất

Minh Nhật |

Với người lớn, những gì diễn ra trong 1 tuần đau thương vừa qua thật khủng khiếp, song với những đứa trẻ thơ ngây, mọi thứ có lẽ còn tồi tệ hơn gấp trăm ngàn lần.

"Chúng ta sắp chết hả bố?", đó là câu hỏi ngây thơ của cô con gái 6 tuổi khiến anh Serkan Tatoglu ám ảnh. Cô bé liên tục nhắc lại câu hỏi đó kể từ khi ngôi nhà của gia đình em sụp đổ trong trận động đất hôm 6/2 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Cô bé đặt câu hỏi khi nhìn vào cảnh tượng tan hoang hệt như trong phim khoa học viễn tưởng về ngày tận thế. Quan tài xếp hàng dài ở bên đường, tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi suốt ngày đêm.

Đi bộ qua đống đổ nát của dãy nhà bị san phẳng, đám trẻ ngơ ngác nhìn nhân viên cứu hộ nhấc những chiếc túi đựng thi thể đã bốc mùi ra khỏi đống đổ nát.

Tatoglu đã che chở cho 4 đứa con của anh - từ 6 đến 15 tuổi - thoát khỏi ngôi nhà sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực của Syria rạng sáng 6/2. Ngôi nhà nơi gia đình anh sống đã đổ sập sau gần 3.000 cơn dư chấn. Hơn 35.000 người đã chết trên toàn khu vực và con số có thể sẽ tiếp tục tăng trong nhiều ngày.

Tatoglu mất gần 10 người thân.

Nhưng người đàn ông 41 tuổi biết rằng anh phải mạnh mẽ đối mặt với nỗi đau vô tận này.

Trong khi chờ đợi những cơn dư chấn qua đi tại một khu lều trại gần tâm chấn của trận động đất ở khu vực miền Nam tỉnh Kahramanmaras, việc ưu tiên hàng đầu của Tatoglu là bảo vệ những đứa con của mình khỏi những nỗi kinh hoàng cứ ập đến trong đầu chúng.

"Đứa út nhỏ tuổi nhất, bị ám ảnh sau thảm họa, liên tục hỏi tôi: 'Bố ơi, chúng ta sắp chết sao?'", Tatoglu nói. "Con bé cứ hỏi về người thân của chúng tôi. Tôi không cho các con xem thi thể của họ. Vợ chồng tôi ôm các con và trấn an chúng 'mọi chuyện vẫn ổn'. Tôi không thể làm gì khác cả".

Hãy quan sát từ góc độ tâm lý

Nhà tâm lý học Sueda Deveci, làm việc cho tổ chức tình nguyện Doctors Worldwide tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cả người lớn và trẻ em đều cần hỗ trợ tinh thần nhiều như nhau sau thảm kịch.

"Một người mẹ nói với tôi rằng: 'Mọi người bảo tôi phải mạnh mẽ lên, nhưng tôi chẳng làm được gì cả. Tôi không thể chăm sóc con mình, nuốt thức ăn không trôi nữa'", Deveci nói khi đang làm việc tại khu vực lều trại dành cho những nạn nhân mất nhà cửa.

Deveci muốn hiểu rõ hơn về những gì bọn trẻ đang cảm nhận từ những bức tranh chúng vẽ. "Tôi không nói nhiều với các em ấy về trận động đất. Chúng tôi sẽ xem mức độ ảnh hưởng của trận động đất trong các bức vẽ của bọn trẻ", cô nói.

Chúng ta sắp chết hả bố?: Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất - Ảnh 2.

Hiện tại, các bức vẽ đều bình thường. Chuyên gia về quyền trẻ em Esin Koman cho biết điều này là do trẻ em thích nghi với môi trường xung quanh nhanh hơn người lớn.

Nhưng cô nói thêm rằng trận động đất đã phá hủy các mạng lưới hỗ trợ xã hội hiện có khiến những đứa trẻ phải đối mặt với chấn thương về mặt tâm lý lâu dài.

"Một số em đã mất cả gia đình. Hiện không có ai hỗ trợ tinh thần cho chúng", Koman nói.

Mẹ cháu đâu rồi?

Nhà tâm lý học Cihan Celik đã đăng tải một cuộc trao đổi của ông với một nhân viên y tế tham gia công tác cứu hộ lên tài khoản mạng xã hội Twitter.

Nhân viên y tế nói với Celik rằng những đứa trẻ được kéo ra khỏi đống đổ nát gần như ngay lập tức hỏi về cha mẹ của chúng.

Chúng ta sắp chết hả bố?: Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất - Ảnh 4.

"Những đứa trẻ bị thương hỏi câu đầu tiên sau khi được kéo lên: "Mẹ cháu đâu, bố cháu đâu rồi? Chú bắt cóc cháu sao?'", nhân viên y tế nhớ lại.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết 574 đứa trẻ được kéo ra khỏi các tòa nhà bị sập nhưng bố mẹ chúng đều đã thiệt mạng. Chỉ có 76 em là còn người thân sống sót.

Chúng ta sắp chết hả bố?: Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất - Ảnh 5.

Một nhà tâm lý học tự nguyện làm việc tại một trung tâm hỗ trợ trẻ em ở tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất - cho biết nhiều bậc cha mẹ đang điên cuồng tìm kiếm những đứa con còn mất tích.

Hatice Goz cho biết qua điện thoại từ tỉnh Hatay: “Chúng tôi nhận được hàng loạt cuộc gọi về những đứa trẻ mất tích".

Những câu hỏi vẫn đến

Bà Selma Karaaslan đang cố gắng hết sức để chăm lo cho 2 đứa cháu của mình sau khi các thành viên khác trong gia đình đều đã mất.

Người phụ nữ 52 tuổi sống cùng các cháu ở tạm trong một chiếc ô tô đậu dọc theo một trong những con đường đầy gạch vụn của Kahramanmaras kể từ khi trận động đất xảy ra.

Chúng ta sắp chết hả bố?: Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất - Ảnh 6.

Bà Karaaslan cố gắng nói chuyện với bọn trẻ về bất cứ điều gì ngoại trừ trận động đất. Bà cho rằng chúng sẽ ít có những ký ức ám ảnh về thảm họa hơn nhiều nếu bà truyền cho chúng những suy nghĩ vui vẻ, tích cực.

Vậy mà, những câu hỏi vẫn đến.

"Bà ơi, sẽ có một trận động đất nữa phải không?", đứa trẻ 6 tuổi có lúc bật ra câu hỏi như vậy.

Giữa đống đổ nát, hàng trăm nghìn người vô gia cư phải đối mặt với cái lạnh và cái đói khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria giải quyết thảm họa nhân đạo tàn khốc do trận động đất khiến hơn 37.000 người thiệt mạng.

Chúng ta sắp chết hả bố?: Câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ và nỗi ám ảnh từ thảm họa động đất - Ảnh 7.

Khi hy vọng tìm thấy những người còn sống dưới đống đổ nát tan biến sau hơn 1 tuần, công tác cứu hộ đã chuyển sang tập trung cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho số lượng lớn những người sống sót.

Theo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 1,2 triệu người đã được ở trong các khu ký túc xá, hơn 206.000 lều trại đã được dựng lên và 400.000 nạn nhân đã sơ tán khỏi các khu vực bị tàn phá.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã kêu gọi vào cuối ngày 12/2: “Hãy gửi bất kỳ thứ gì bạn có thể vì có hàng triệu người ở đây và tất cả họ đều cần được cung cấp thức ăn".

Ở Antakya và Kahramanmaras, lương thực và các nguồn cung cấp viện trợ khác đang đổ về.

Hiệp hội các nhà tuyển dụng Thổ Nhĩ Kỳ Turkonfed cho biết trong một báo cáo hôm 13/2 rằng thiệt hại kinh tế do thảm họa động đất lần này có thể lên tới 84,1 tỷ USD, trong đó gần 71 tỷ USD dành cho nhà ở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại