Cuối cùng, các nhà khoa học cũng có được câu trả lời cho một trong những câu hỏi quan trọng nhất về COVID-19: Liệu con người có phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với căn bệnh này được hay không?
Các nghiên cứu trong giai đoạn đầu của đại dịch cho thấy kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong máu của những bệnh nhân COVID-19 sẽ giảm dần sau khi họ khỏi bệnh. Cuối cùng, chúng sẽ biến mất trong vài tháng khiến nhiều nhà khoa học nghĩ rằng bệnh nhân có thể tái dương tính với COVID-19 bất cứ lúc nào trong cuộc đời mình.
Nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy kháng thể không phải là hàng rào phòng thủ duy nhất mang tính quyết định tới khả năng tái nhiễm COVID-19. Bây giờ, các nhà khoa học đã phát hiện ra các tế bào nhớ T cũng tham gia vào quá trình này.
Chúng ta đã có bằng chứng tốt nhất cho thấy miễn dịch COVID-19 là miễn dịch lâu dài
Tế bào nhớ T là một loại tế bào miễn dịch có nhiệm vụ tiêu diệt các tế bào trong cơ thể nếu chúng bị nhiễm bệnh. Đúng như tên gọi, loại tế bào T này có thể ghi nhớ được virus SARS-CoV-2 nếu bạn từng nhiễm nó.
Khi bạn phơi nhiễm với COVID-19 lần thứ hai - dù cho kháng thể của bạn đã cạn kiệt - các tế bào nhớ T vẫn có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch. Một mặt, chúng sẽ tiêu diệt các tế bào đầu tiên nhiễm virus, mặt khác, chúng sẽ báo ngay cho các tế bào B sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt các virus SARS-CoV-2 trôi nổi chưa xâm nhập tế bào.
"Các tế bào nhớ T dường như là một minh chứng chắc chắn cho khả năng miễn dịch lâu dài, bảo vệ chúng ta khỏi COVID-19", các tác giả nghiên cứu viết. Chúng có thể tồn tại trong máu của bệnh nhân suốt nhiều năm, trong khi nồng độ kháng thể giảm xuống chỉ vài tháng sau khi khỏi bệnh.
Họ nhấn mạnh thêm rằng các hiệu ứng miễn dịch của tế bào nhớ T hoàn toàn "có thể ngăn ngừa các đợt tái phát COVID-19 nghiêm trọng". Bằng chứng là rất nhiều bệnh nhân được coi là tái dương tính với COVID-19 không hề phát triển các triệu chứng nghiêm trọng và dễ dàng khỏi bệnh sau đó.
Ngay cả những bệnh nhân không có kháng thể cũng có tế bào T đặc hiệu với virus
Nghiên cứu mới được công bố hôm nay trên tập san khoa học Cell cho thấy tất cả những người nhiễm COVID-19 - ngay cả những người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng - phát triển các tế bào T có thể săn lùng virus corona nếu họ bị phơi nhiễm trở lại sau đó.
Các tác giả của nghiên cứu đã xét nghiệm máu của 206 bệnh nhân COVID-19 ở Thụy Điển với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Họ phát hiện ra rằng bất kể ai đã hồi phục sau một ca bệnh nhẹ hay nặng, họ vẫn phát triển một phản ứng tế bào T mạnh mẽ.
Kết quả cho thấy ngay cả những bệnh nhân COVID-19 không dương tính với kháng thể, nghĩa là kháng thể của họ đã biến mất hoàn toàn, thì vẫn sở hữu các tế bào nhớ T chống lại được virus.
Tế bào miễn dịch T lymphocyte hay còn gọi là tế bào T.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, gọi những nghiên cứu về tế bào T như thế này là "tin tốt". Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Facebook của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ vào thứ Năm rằng lĩnh vực nghiên cứu tế bào T đang cho chúng ta rất nhiều kết quả mới.
"Ở những người không có hiệu giá kháng thể cao, nhưng nếu họ đã bị nhiễm COVID-19 hoặc từng binh nhiễm bệnh, thì vẫn có phản ứng tế bào T tốt", Bác sĩ Fauci nói.
Các nghiên cứu khác gần đây cũng củng cố phát hiện mới này.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 cho thấy 36 bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi hồi phục đều sản sinh ra các tế bào nhớ T đặc hiệu có thể nhận biết và chống lại virus SARS-CoV-2. Một nghiên cứu khác mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy trong số 18 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Đức, hơn 80% đã phát triển các tế bào T đặc hiệu với virus.
Ngay cả những người chưa bao giờ tiếp xúc với SARS-CoV-2 cũng có thể có tế bào T bảo vệ
Đó là một phát hiện thậm chí còn gây nhiều ngạc nhiên hơn nữa. Trong hai nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học tìm thấy nhiều người chưa bao giờ nhiễm COVID-19 nhưng cũng có các tế bào nhớ T có thể nhận ra virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ này đúng với hơn một nửa nhóm thuần tập gồm 37 người trong nghiên cứu vào tháng 7 và ít nhất một phần ba trong số 68 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu đăng trên Nature.
Lời giải thích dễ hiểu nhất cho những phát hiện này là một hiện tượng được gọi là phản ứng chéo: khi các tế bào T được phát triển để phản ứng với một loại virus khác, nó sẽ phản ứng với cả những mầm bệnh tương tự nhưng chưa được biết đến trước đó.
Trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng có thể những người này đã từng bị nhiễm virus corona (chủng chỉ gây cảm lạnh) trước đó, nên cũng phát triển các tế bào T để chống lại virus SARS-CoV-2 cùng họ với chúng.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, gọi những nghiên cứu về tế bào T như thế này là "tin tốt".
Thật vậy, một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng này ủng hộ giả thuyết đó: Các nhà nghiên cứu tìm thấy 25 người chưa bao giờ nhiễm COVID-19 nhưng lại sở hữu tế bào nhớ T nhận ra được cả virus corona gây cảm lạnh và virus SARS-CoV-2 như nhau.
Alessandro Sette, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Điều này có thể giúp giải thích tại sao một số người mắc COVID-19 có các triệu chứng bệnh nhẹ hơn, trong khi những người khác bị bệnh nặng".
"Bạn đang bắt đầu với một chút lợi thế - một sự khởi đầu trong cuộc chạy đua vũ trang giữa virus muốn sinh sôi và hệ thống miễn dịch muốn loại bỏ nó".
Chính xác khả năng miễn dịch này kéo dài bao lâu: Vài tháng, vài năm hay hàng thập kỷ?
Mặc dù tin tức về tế bào T và khả năng miễn dịch với COVID-19 rất hứa hẹn, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác liệu chúng tồn tại trong cơ thể người lâu dài chính xác là bao lâu. Điều này sẽ quyết định khả năng miễn dịch của những bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 sau khi họ khỏi bệnh.
Các tác giả của nghiên cứu mới cho biết họ đã phát hiện ra các tế bào T "vài tháng sau khi một người bị nhiễm bệnh, ngay cả khi trong máu của họ không có kháng thể lưu hành có thể phát hiện được".
Những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-1 hay còn gọi là virus SARS vẫn còn tế bào T đặc hiệu sau 17 năm.
Một nghiên cứu sơ bộ khác được công bố tuần trước cho thấy tế bào T tồn tại ít nhất ba tháng sau khi các triệu chứng COVID-19 khởi phát. Trong một số trường hợp, nồng độ tế bào T còn tăng dần lên suốt khoảng thời gian đó.
Hơn nữa, manh mối thu thập được từ các chủng virus corona khác, như SARS, cho thấy tuổi thọ của tế bào T có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Nghiên cứu hồi tháng 7 cũng tìm kiếm tế bào T trong mẫu máu của 23 người sống sót sau đại dịch SARS năm 2003. Và họ chắc chắn rằng những người này vẫn còn tế bào nhớ T đặc hiệu với SARS ở thời điểm 17 năm sau khi khỏi bệnh. Chính những tế bào T đó cũng có thể nhận ra virus SARS-CoV-2 mới.
Tham khảo Businessinsider