Chứng khoán và tiền tệ châu Á lao dốc vì nỗi lo khủng hoảng lây lan trên thị trường mới nổi

Thu Hương |

"Nhà đầu tư đang trở nên chọn lọc hơn, và các nước có tin tức tiêu cực như tăng trưởng kinh tế yếu ớt, cán cân thanh toán không khỏe mạnh hay tỷ lệ lạm phát sẽ đối mặt với áp lực bán tháo lớn hơn", Koji Fukaya – CEO của công ty chứng khoán FPG – nói.

Phiên giao dịch hôm nay (5/9), áp lực trên các thị trường mới nổi đã chuyển từ thị trường tiền tệ sang cổ phiếu. Triển vọng chi phí vốn tăng cao đang đe dọa làm sụt giảm đáng kể sức hấp dẫn của các công ty vốn đang được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với các nền kinh tế phát triển.

Lúc đầu giờ chiều nay tại Hồng Kông, chỉ số MSCI Emerging Market Asia Index giảm 1,2%, trong đó thị trường Indonesia và Philippines lần lượt giảm 3,3% và 1,8%. Sắc đỏ cũng bao trùm khắp các thị trường châu Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc.

 Chứng khoán và tiền tệ châu Á lao dốc vì nỗi lo khủng hoảng lây lan trên thị trường mới nổi  - Ảnh 1.

Rupiah – một trong những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất trong nhóm mới nổi do những bất ổn trong nền kinh tế Indonesia – hồi phục chút ít sau khi chạm mức 14.940 rupiah đổi 1 USD, thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á trong phiên 4/9.

Đồng peso của Argentina cũng giảm 3% sau khi giảm 16% trong tuần trước. Tổng cộng đồng tiền này đã mất 50% giá trị so với USD kể từ đầu năm đến nay.

Cũng trong phiên sáng nay, đồng rupee của Ấn Độ giảm phiên thứ 7 liên tiếp và lập đáy mới. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm giá, trong khi rand Nam Phi mất 3%.

Nguyên nhân khiến các chỉ số chứng khoán trên các thị trường mới nổi ở châu Á sụt giảm là do đà tăng giá của đồng USD – yếu tố sẽ đẩy tăng chi phí vay nợ nước ngoài của nhiều nước từ Brazil đến Malaysia và Nam Phi tăng vọt. Thêm vào đó các báo cáo mới đây về những chỉ số như niềm tin tiêu dùng, lạm phát và PMI đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, làm tăng khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách. Một tin xấu khác là nền kinh tế Nam Phi đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Theo nhận định của Sameer Goel, chuyên gia tại ngân hàng Deutsche Bank chi nhánh Singapore, giờ đây vấn đề không chỉ nằm ở các yếu tố vĩ mô cơ bản tại các thị trường mới nổi nữa. Rắc rối ngày càng lây lan mà nguyên nhân là do các cấu trúc sở hữu chéo, áp lực rút vốn, tình trạng thiếu thanh khoản và cách các nước tung ra chính sách phản ứng.

Chứng khoán Indonesia đã bước sang ngày giảm điểm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này cố gắng hỗ trợ đồng rupiah bằng một loạt biện pháp trong đó có tăng lãi suất – điều sẽ ít nhiều khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bị giảm tốc.

"Nhà đầu tư đang trở nên chọn lọc hơn, và các nước có tin tức tiêu cực như tăng trưởng kinh tế yếu ớt, cán cân thanh toán không khỏe mạnh hay tỷ lệ lạm phát sẽ đối mặt với áp lực bán tháo lớn hơn", Koji Fukaya – CEO của công ty chứng khoán FPG – nói.

Ở bên ngoài khu vực châu Á, thị trường vẫn lo lắng rằng NHTW Thổ Nhĩ Kỳ không hành động đủ mạnh để vực dậy lòng tin của nhà đầu tư. Trong khi đó triển vọng kinh tế Argentina bị xói mòn đáng kể bất chấp Chính phủ nước này đang đàm phán với IMF để đẩy nhanh gói cứu trợ.

Thị trường trái phiếu mới nổi cũng bị ảnh hưởng, với chỉ số Bloomberg Barclays Emerging Market Index for dollar bonds giảm gần 4% từ đầu năm đến nay, hướng đến năm tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ 2013 – năm mà Fed bắt đầu phát tín hiệu cắt đứt chương trình nới lỏng định lượng.

Một trong những tia sáng hiếm hoi cho thị trường mới nổi ở thời điểm hiện tại là Trung Quốc vừa tung ra một số bước hỗ trợ đồng nhân dân tệ, trong đó có việc quay lại áp dụng yếu tố phản chu kỳ trong quá trình điều chỉnh tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ hàng ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại