Chỉ số Shanghai Composite đã mất 8,4% trong tháng 10, đang trên đà có tháng tệ nhất kể từ đầu năm 2016. Với xu hướng này, Shanghai Composite còn đối mặt nguy cơ có năm giảm mạnh thứ 3. Hai lần giảm mạnh trước đó của chỉ số trên là vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mất 65%, và năm 1994, mất 22%.
Trung Quốc đã trở thành nơi tệ nhất để mua chứng khoán trong năm 2018.
Lý do khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay ngày càng nhiều, bắt đầu từ chiến dịch hạ đòn bẩy, giảm thanh khoản dẫn đến tăng tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu và ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ, Fed tăng lãi suất và USD mạnh làm giảm triển vọng của tài sản tại các thị trường mới nổi.
Chứng khoán Trung Quốc đang đối mặt vòng xoáy đi xuống với hàng tỷ USD cổ phiếu có nguy cơ bị bán tháo.
Hoạt động tài chính “ngầm”, bao gồm các khoản vay, cho vay ủy thác, chấp phiếu ngân hàng, đang ngày càng xấu đi, quy mô đã giảm trong tháng 9, tháng thứ 7 liên tiếp, chạm đáy kể từ tháng 1/2017. Chiến dịch giảm đòn bẩy của chính phủ Trung Quốc đã gây khó khăn cho các công ty tư nhân có nguồn vốn phụ thuộc vào các kênh trên do các ngân hàng đang hạn chế cho vay.
Quy mô hoạt động tài chính ngầm đã giảm đáng kể.
Một đòn khác giáng lên tâm lý thị trường xuất hiện trong hai ngày trước là 5 quỹ có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã bán toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ. Điều này làm dấy lên đồn đoán về việc Bắc Kinh có thiết lập giá sàn hay không, các nhà đầu tư tự hỏi có phải cái gọi là “nhóm quốc gia” đang rút khỏi thị trường.
Mối đe dọa còn đến từ các công ty môi giới và ngân hàng, chiếm hơn một nửa số chứng khoán trị giá 640 tỷ USD thế chấp đi vay. Thị trường bị bán tháo có thể khiến các bên cho vay bán chứng khoán theo, càng thúc đẩy vòng luẩn quẩn nguy hiểm này.
Các công ty môi giới và ngân hàng chiếm hơn 50% số cổ phiếu thế chấp đi vay.
Đồng USD tăng giá, chỉ số Bloomberg Dollar Spot trong tuần đã đạt đỉnh kể từ tháng 6/2017, là lý do then chốt tạo ra các lo ngại. Chính điều này dẫn đến xu hướng bán tháo tài sản tại thị trường mới nổi, gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ. Dấu hiệu cho thấy dòng vốn thoát ra khỏi Trung Quốc đang tăng là các ngân hàng nước này đã bán nhiều ngoại tệ nhất cho khách hàng kể từ tháng 12/2016, theo số liệu từ Cơ quan quốc gia về Hối đoái ngày 25/10.
Diễn biến chỉ số Bloomberg Dollar Spot.
Các thị trường khác trên thế giới cũng giảm, khiến nhà đầu tư chứng khoán không còn nơi nào để đi. Tại Mỹ, cổ phiếu công nghệ lao dốc với những công ty lớn như Amazon, Alphabet có kết quả lợi nhuận quý III gây thất vọng. Chứng khoán thế giới đã mất gần 7,8 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ trong riêng tháng 10, và 15 nghìn tỷ USD kể từ tháng 1.
Vốn hóa chứng khoán thế giới đã giảm mạnh.
Những yếu tố trên dẫn đến khả năng chỉ số Shanghai Composite sẽ có ngày biến động trung bình mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 trong tháng 10. Nhà đầu tư đã đổ xô tìm cách phòng hộ trước biến động, thúc đẩy số hợp đồng quyền chọn liên quan đến một quỹ ETF theo dõi chỉ số SSE 50 lên cao chưa từng thấy.