Chỉ số công nghiệp Dow Jones kết phiên “bốc hơi” 380,83 điểm, tương đương 1,5%, xuống 25.029,20 điểm – mức thấp nhất trong ngày. Trong tháng 2, chỉ số này sụt 4,3%.
Diễn biến chỉ số Dow Jones. Biểu đồ: MarketWatch
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 sụt 30,45 điểm, tương đương 1,1%, xuống 2.731,83 điểm, và như vậy giảm 3,9% trong tháng 2. Giảm nhẹ hơn, chỉ số Nasdaq để tuột 57,35 điểm, tương đương 0,8%, xuống 7.273,01 điểm, đưa mức giảm cả tháng thành 1,9%.
Khép lại tháng 2, cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều bị đứt chuỗi tăng 10 tháng, còn chỉ số Nasdaq trước đó đã tăng 7 tháng liên tục.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua tháng 2 với nhiều sóng gió, cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 từng rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm 10% so với đỉnh gần nhất. Độ giảm trong tháng cũng diễn ra trên diện rộng khi cả 11 nhóm ngành của chỉ số S&P 500 đều giảm so với tháng trước.
Nguyên nhân của đợt giảm này là do thị trường lo ngại về việc lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến, và điều này có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh và mạnh hơn.
Số liệu mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy, mức tăng trưởng GDP của nước này trong quý IV/2017 bị điều chỉnh giảm xuống 2,5% từ mức ước tính 2,6% trước đó. Tính cả năm, GDP của Mỹ tăng 2,3% so với 1,6% năm 2016.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 27/2 lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, bày tỏ lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Điều này được thị trường diễn giải là Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay thay vì 3 lần như dự báo trước đó, và kích hoạt đợt bán tháo.
Những phát biểu của ông Powell đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 2,90% còn đồng đô la Mỹ tăng giá lên mức cao nhất kể từ 9/2.
Hôm thứ Tư, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm về 2,86% nhưng đồng bạc xanh vẫn tiếp tục tăng giá 0,3%.
Ông Powell sẽ có phiên điều trần khác trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện vào hôm nay (1/3).