Chứng khoán châu Á giảm điểm, Hang Seng mất 2% sau khi FED tăng lãi suất lên mức kỷ lục 15 năm

Linh Anh |

Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đã ngay lập tức phản ứng với việc tăng lãi suất 0,5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Dù vẫn nằm trong dự đoán của đại đa số các chuyên gia, việc FED tăng lãi suất 0,5%, thấp hơn so với 4 lần tăng 0,75% liên tiếp, đã đẩy lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất trong 15 năm. Điều này dẫn tới những phản ứng ở thị trường tài chính châu Á.

Hang Seng Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất khu vực với mức giảm 1,8%. Ở Trung Quốc địa lục, Shenzhen Component giảm 0,1% trong khi Shanghai Composite giảm 0,39%. Tuy nhiên, có một tin xấu khác tác động tới thị trường chứng khoán Trung Quốc đó là doanh số bán lẻ của nước này giảm nhiều hơn dự kiến. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục gây thất vọng.

Ở các thị trường khác, S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,43%, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,2% trong khi Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 0,92%. Hiện tại, các nhà đầu tư đang tập trung đào xới dữ liệu thương mại mà Nhật Bản và Hàn Quốc công bố.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ cũng quay đầu giảm điểm dù quyết định của FED là điều đã được dự báo trước. DowJones mất 142,29 điểm, tương đương 0,42%. S&P 500 cũng giảm 0,61% còn Nasdaq giảm 0,76%. Chứng khoán tương lai của Mỹ chưa có nhiều biến động trong phiên 15/11 theo giờ Hà Nội.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 thấp hơn dự kiến

Theo dữ liệu chính thức, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 chỉ tăng 2,2% dù tăng 5% trong tháng trước đó. Con số của tháng 11 thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 3,6% mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa suy đoán nó chỉ giảm 3,7%.

JPMorgan: Châu Á sẽ thận trọng

JPMorgan dự đoán bằng thị trường châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng trong hai phiên giao dịch còn lại của tuần sau khi FED tăng lãi suất.

“Với phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ sau cuộc họp của FED, chúng tôi tin rằng thị trường châu Á sẽ thận trọng hơn cho đến cuối tuần”, Tai Hui, chiến lược gia trưởng thị trường châu Á – Thái Bình Dương của JPMorgan, cho biết.

Tuy nhiên, triển vọng trung hạn về việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng như khả năng phục hồi của các nước châu Á có thể sẽ là điểm sáng khi mà Mỹ và châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức hơn trong tăng trưởng. Trong khi đó, FED sẽ chỉ bớt “diều hâu” nếu có thêm những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã yếu đi.

Hàn Quốc sửa đổi số liệu, thâm hụt thương mại giảm đi

Theo dữ liệu về cán cân thương mại của Hàn Quốc đã được sửa đổi, nhập khẩu của nước này tăng 2,7% trong khi xuất khẩu giảm 14%. Nó không khác nhiều so với số liệu của tháng trước. Điều này dẫn đến thâm hụt thương mại của Hàn Quốc là 6,99 tỷ USD, hẹp hơn một chút so với 7,01 tỷ USD được đưa ra trước đây.

Giá hàng hóa nhập khẩu của Hàn Quốc tăng 14,2% so với 1 năm trước. Trong tháng trước đó, con số này là 19,8%. Giá hàng hóa xuất khẩu tăng 8,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Con số này trong tháng 10 là 13,7%.

Thương mại Nhật Bản vượt ước tính nhưng thâm hụt lại lớn

Dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu của Nhật Bản đều tăng cao hơn dự kiến trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu trong tháng tăng 20%, vượt kỳ vọng 19,8% mà các nhà kinh tế đưa ra. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 30,3%, cao hơn so với kỳ vọng 27% của các chuyên gia.

Điều này dẫn tới thâm hụt thương mại của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ lớn hơn dự kiến là 14,91 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại