Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 5,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán châu Á năm nay, và đợt sụt giảm này của chứng khoán khu vực và thế giới vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Các nhà phân tích và giới đầu tư đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thị trường có thêm những phiên giao dịch với mức độ biến động cao trong thời gian tới.
Dưới đây là mức sụt giảm giá trị vốn hóa của một số thị trường chứng khoán hàng đầu ở châu Á từ đầu năm đến ngày 25/12, theo dữ liệu từ Bloomberg:
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chứng khoán châu Á giữ đà đi xuống, khi nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần do mâu thuẫn về ngân sách và bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell quanh chuyện FED nâng lãi suất.
Ngoài ra, thị trường cũng bất an về động thái vào cuối tuần vừa rồi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, người có cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành (CEO) 6 ngân hàng lớn nhất Mỹ về vấn đề thanh khoản và triệu tập một nhóm quan chức về khủng hoảng tài chính.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có thời điểm giảm 0,5%, chạm đáy của 2 tháng. Chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm 0,4%, chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc mất 1,6%.
Sau khi giảm 5% trong phiên ngày thứ Ba và rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản biến động mạnh phiên hôm nay trước khi đóng cửa với mức tăng 0,9%.
"Ngoài nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, thị trường còn đang bị phủ bóng bởi những bất ổn ở Nhà Trắng", chiến lược gia Masahiro Ichikawa thuộc Sumitomo Mitsui Asset Management nhận định.
Chứng khoán Mỹ sụt mạnh những tuần gần đây do nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ông Trump đổ lỗi cho chính sách của FED gây khó khăn cho nền kinh tế, công khai chỉ trích ông Powell - người đã được chính ông bổ nhiệm vào ghế Chủ tịch FED.
Tình hình ở Mỹ khiến giới đầu tư toàn cầu càng thêm phần lo ngại giữa lúc họ đã đối mặt với nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, lợi nhuận doanh nghiệp và xung đột thương mại Mỹ-Trung.
"Nhà Trắng có thể sẽ có những nỗ lực nhằm trấn an thị trường, nhưng tình trạng đóng cửa Chính phủ có thể sẽ kéo dài sang những ngày đầu tiên của năm mới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng chưa có dấu hiệu tìm được giải pháp", chuyên gia kinh tế cấp cáo Kenta Inoue của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định.