Chửi cho sướng mồm xong làm gì nữa?

Bảo Nam |

Trước một hiện tượng gây bức xúc, cơn sóng của dân cư mạng rất khủng khiếp. Tất của hùa nhau chửi bới. Nhưng rồi, tất cả trở về như cũ và sẽ có thêm những chuyện tương tự. Rồi lại chửi…

Dạo nọ đất nước chúng ta có một cô ra nước ngoài ăn cắp, bị cảnh sát phác giác và tống vào tù. Cô ra tù, về nước và bị đón nhận cơn "lên đồng" của dân mạng. Tất cả hùa nhau chửi.

Như đã đoán bắt được thói quen của dân Việt, cô im lặng giả điếc. Quả thật vài tuần sau, dân ta chửi chán, sự việc bị lãng quên, rồi tất cả trở lại như cũ.

Gần đây cũng có một anh say rượu lái xe. Anh mất kiểm soát, đâm lung tung, rồi bỏ chạy. Bị dân đuổi theo bắt lại, anh bước ra khỏi xe lớn tiếng thách thức.

Thế là dân mạng lại chửi. Nhưng cũng giống như vụ cô kia, dân chửi được vài ngày lại thôi. Và sau đó, thi thoảng lại có thêm một anh say rượu lái xe đâm lung tung. Rồi anh lại bị chửi.

Vấn đề ở đây là gì? Dân ta chửi, ví dụ anh say rượu lái xe gây tai nạn chẳng hạn, là vì "ghét cái thái độ". Đã say rượu gây tai nạn còn ngông nghênh. Ghét cái thái độ. Thế là chửi.

Xe biển xanh gây tai nạn - người lái xe được cho là đã uống say

Thực tế là rất ít người nhìn vào gốc rễ vấn đề: Cái đáng bị chửi ở đây là hành vi uống rượu đến say bí tỉ rồi còn liều lĩnh cầm vô lăng. Cái đáng bị lên án là nhận thức của người lái xe, là hành vi coi thường pháp luật và tính mạng của người khác.

Cũng giống như vụ cô gái ăn cắp ở nước ngoài. Thực tế hành vi ăn cắp mới đáng bị lên án, lại còn ăn cắp ở nước văn minh và bị cảnh sát gô cổ.

Nhưng dân chửi không phải vì cô ăn cắp, mà vì cô về nước, rồi biểu hiện như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.

Trong thời buổi mạng xã hội phát triển, một ý kiến cá nhân có thể lan truyền nhanh tới mức không tưởng và cũng chính khía cạnh này tạo nên thói quen thích được đưa ra ý kiến, góc nhìn, quan điểm cá nhân, thể hiện mình là một người sáng ngời tư cách đạo đức.

Thực tế là những câu chuyện như cô gái ăn cắp hay anh say rượu lái xe xảy ra hàng ngày, dưới những loại hình khác nhau.

Nếu chịu khó theo dõi các diễn đàn hot trên mạng xã hội, chúng ta sẽ không khó kiếm thứ để… chửi.

Một chiếc xe ngông nghênh đi ngược chiều. Chửi. Một anh chàng biker rú ga ầm ĩ, rồi bị cô nàng đi Lead chỉ thẳng mặt mắng. Chửi. Vài chiếc xe máy vượt đèn đỏ gây tắc đường. Cũng chửi.

Cô gái chặn đầu mắng biker: "Chạy xe phải có lương tâm và có não"

Vấn đề là chửi xong thì sao? Có thay đổi được những thói quen xấu, có giúp những người vi phạm pháp luật ý thức được hành vi của mình, có ngăn chặn nó tái phát hay không? Câu trả lời là không.

Chửi không giải quyết được vấn đề gì nếu đơn giản chúng ta chỉ "ghét cái thái độ" rồi chửi. Thay vào đó, hãy hành động. Hãy tuyên chiến với những thứ đáng bị chửi trong xã hội bằng hành động thực tế.

Thời xa xưa, những tên tội phạm thường bị đóng dấu nung đỏ trên mặt để cả xã hội đều biết hắn đã từng phạm tội, để chính hắn nhớ rằng bản thân đã từng mắc tội.

Thời nay, pháp luật bao dung hơn. Ai cũng xứng đáng với cơ hội thứ hai, nên dĩ nhiên là chẳng ai làm vậy nữa.

Tất nhiên đóng một cái dấu lên mặt là quá tàn bạo, nhưng đó là hình ảnh ẩn dụ để chúng ta hiểu rằng: Hãy hành động quyết liệt để xã hội ý thức được hành vi phạm tội của kẻ có tội, và bản thân kẻ phạm tội cũng không quên tội lỗi của mình.

Điều đó thiết thực hơn gấp vạn lần so với việc lên mạng xã hội chửi chỉ vì ghét cái thái độ.

Bởi nếu đơn thuần chỉ bị chửi, từ những kẻ phạm tội nhẹ như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều cho tới những tội phạm ăn cắp, ấu dâm đều chẳng có lý do gì để sợ hãi, để cảm thấy việc mình làm thật tội lỗi.

Và họ, vào một ngày không xa, sẽ lặp lại hành vi của mình. Bởi hình phạt họ phải đón nhận từ dư luận xã hội đơn giản chỉ là bị chửi mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại