Đối với hội chị em yêu bếp núc, từ mâm cơm nhà thường ngày cho đến những bữa sáng, bữa trưa mang đi làm cũng đều cần đảm bảo đủ tiêu chí: Bổ dưỡng - ngon - tiết kiệm. Điều này càng được chú trọng hơn mỗi khi chuẩn bị hộp cơm trưa cho chồng. Thu Hải, 23 tuổi, hiện đang học tập và sinh sống tại tỉnh Daejeon (Hàn Quốc) cũng không ngoại lệ.
Thu Hải cho biết, cô nàng không rõ tình yêu với chuyện nấu nướng bắt đầu từ bao giờ nhưng khi có gia đình riêng, cô cảm thấy hạnh phúc vì được tự tay làm những món ăn ngon cho chồng. Cô nàng cũng là một người phụ nữ khá truyền thống, không ngại việc nội trợ và luôn thích được chăm sóc người thân.
Thu Hải hiện đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc
"Ở Hàn Quốc cũng có văn hoá mang cơm đi làm. Chồng mình làm cách nhà khoảng 5 - 6km, trước đây anh thường ăn cơm trưa ở công ty, chỉ ăn bữa sáng và bữa tối ở nhà thôi. Nhưng bữa trưa do người Hàn nấu nên đôi khi sẽ không hợp khẩu vị, chồng mình không ăn được nhiều mà làm việc vất vả nên mình cũng rất lo lắng. Đến đầu năm nay, tính chất công việc của chồng mình có sự thay đổi nên buộc phải mang cơm trưa đi làm. Mình cũng thấy vui vì đây là cơ hội để được chăm sóc cho chồng hơn", Thu Hải nói.
Chia sẻ nhiều hơn về niềm vui của mình, cô cho hay: "Từ ngày làm cơm cho chồng mang đi làm mình thấy anh béo hơn hẳn so với lúc trước ăn cơm ở công ty, làm việc mệt mà được ăn uống đủ chất ngon miệng mình thấy anh cũng đỡ vất vả hơn.
Mỗi lần xách hộp cơm đi làm là cảm giác anh vui lắm. Mình thật chẳng biết diễn tả thế nào với những điều mình cảm nhận được nhưng vợ chồng mình luôn chăm sóc yêu thương nhau như vậy, cuộc sống cứ thế trôi qua vui vẻ và hạnh phúc lắm".
Từ ngày công việc chồng thay đổi, Thu Hải thường xuyên chuẩn bị cơm trưa cho chồng mang đi làm
Vừa đi học, vừa đi làm và kinh doanh thêm, thời gian trong một ngày của Thu Hải rất bận rộn. Do vậy, cô nàng thường đi chợ 1 tuần 1 lần và sẽ liệt kê hết những đồ cần mua. Sau đó, khi về sẽ chia thực phẩm vào hộp để bảo quản trong tủ lạnh.
Cô bật mí, để thời gian buổi sáng chuẩn bị cơm hộp nhanh hơn, cô sẽ sơ chế sẵn rau, củ, thịt, cá,... khi cần chỉ lấy ra và chế biến sẽ tiện hơn. Hơn nữa, việc chuẩn bị sẵn như vậy giúp Thu Hải không bị quên hay thiếu nguyên liệu nào của món ăn.
"Thấy mình nấu nướng để chồng mang đi làm, anh ấy liền sắm cho mình nồi chiên không dầu, bếp nướng,.. đủ cả nên mọi thứ mình làm cũng nhanh lắm, không tốn thời gian là mấy. Điều khiến mình thấy khó khăn nhất lại chính là khâu bày biện. Vì hộp cơm trưa cũng cần bày biện sao cho đẹp mắt, hấp dẫn để tạo hứng thú ăn nữa.
Hiện mình cứ tự sắp xếp sao cho gọn gàng và bắt mắt theo ý mình thôi. Mình cũng thấy thực ra còn khá sơ sài. Vì không học qua trường lớp nấu ăn nên mình không giỏi cắt tỉa hay trang trí cầu kì. Nhưng thú thật đồ ăn mình luôn muốn màu sắc vì nhìn đồ ăn màu sắc mình thấy rất thích thú. Chồng mình tuy không nói ra nhưng mỗi lần nhìn hộp cơm mình làm rồi tủm tỉm cười là mình biết anh cũng thích lắm", Thu Hải chia sẻ.
Về chi tiêu, Thu Hải cho biết vợ chồng cô thường lên kế hoạch cho từng mục, 1 tháng sẽ dành khoảng 20 - 30% thu nhập cho việc ăn uống: "Mình không định giá chính xác được một hộp cơm trưa mang cho chồng mỗi ngày là khoảng bao nhiêu nhưng cũng khá ít và tiết kiệm. Và vì đã chia riêng từng mục nên mình cũng không bao giờ bị chi tiêu quá mức mà ngày nào cũng giống ngày nào.
Gần đây mọi người cũng hay nói về bão giá nhưng cá nhân vợ chồng mình, cuộc sống chi tiêu tại Hàn Quốc không bị ảnh hưởng mấy. Đúng là bây giờ giá cả thực phẩm cũng có đắt hơn mà mình lại muốn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nên mình sẽ cân đối chi tiêu bù trừ vào các khoản khác nên nhìn chung cũng không có gì bị vượt quá kiểm soát".
Ảnh: NVCC