Năm 2002, bà V.T.V (52 tuổi) kết hôn với ông N.G.Đ (56 tuổi). Đều lỡ một lần đò, cả hai chắp vá tình cảm cho nhau trong cố gắng. Do không có khả năng sinh con nên bà V. đưa 2 con của chồng (1 trai, 1 gái) từ quê lên TP HCM chăm sóc, dạy dỗ không khác gì con ruột. Những tưởng hạnh phúc mãi ở lại trong căn nhà nhỏ, thế nhưng...
12 năm hạnh phúc
Sau khi kết hôn, ông Đ. và con dọn vào sống chung với bà V. ở căn nhà tập thể do bà đứng tên. 12 năm trôi qua trong êm ả. Hai người con sớm thành đạt, là niềm tự hào của cha mẹ. Gia đình ông bà là gia đình văn hóa kiểu mẫu tại địa phương.
Vậy mà, từ năm 2015, ông Đ. đột nhiên thay đổi tính tình. Ông thường xuyên chửi bới, xúc phạm vợ. "Ông ấy đem chuyện tôi không thể sinh nở ra chì chiết làm tôi tủi thân, bực tức. Từ đó, gia đình lục đục.
Có những lúc, vợ chồng to tiếng đến nỗi hàng xóm sang nhà hòa giải. Nhiều lần ông ấy đòi đánh, tôi đành chạy qua nhà họ hàng ở tạm mấy ngày. Tôi không thể tin đó là người chia ngọt sẻ bùi với mình mười mấy năm qua" - giọng bà V. đượm buồn.
Sau một thời gian dài ly thân, bà V. đâm đơn ly hôn.
Trái lại, ông Đ. giãi bày từ năm 2015, ông nghỉ hưu sớm, chuyển sang kinh doanh. Do làm ăn, ông không có tiền mang về nhà nên vợ chồng mới cãi vã.
Ông Đ. hậm hực kể: "Ngoài khúc mắc về tiền bạc, chắc chắn bà ấy không chung thủy. Hơn nữa, bà ấy coi thường, phê phán tôi là kẻ ăn bám". Ông Đ. lý giải vợ ông tìm cớ ly thân để dọn ra ngoài chung sống với nhân tình.
Từ đó đến nay, gia đình này xào xáo, mỗi người một nơi.
Phân tranh
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Tranh chấp ly hôn" và tài sản chung, ông Đ. cho rằng khúc mắc giữa vợ chồng ông không nghiêm trọng đến nỗi cần nhờ tòa án phân xử.
Ngược lại, bà V. khăng khăng đòi chấm dứt quan hệ vợ chồng. Hai vợ chồng tranh cãi không biết mệt mỏi, nhất là khi HĐXX phân chia tài sản. Căn nhà tập thể từng là mái ấm, nay trở thành lạnh lẽo qua chuyện phân tranh giữa đôi vợ chồng già.
Trước tòa, bà V. nhấn mạnh bà đứng tên giấy tờ sở hữu căn nhà. Vì thế, đây là tài sản riêng bà có trước hôn nhân.
Năm 2004, vợ chồng bà phá căn nhà cũ, xây mới một căn nhà 4 tầng ở đây. Bà V. đề nghị: "Tôi sẽ trả lại phần công sức ông Đ. đóng góp vào căn nhà 4 tầng nếu tòa xử tôi có quyền sở hữu tài sản".
Ông Đ. không phủ nhận điều đó. Song, ông trình bày chi phí thiết kế, xây dựng căn nhà mới đều do ông bỏ ra.
Nếu tòa án đồng ý vợ chồng ly hôn và chia tài sản, ông yêu cầu vợ trả hơn 1,1 tỉ đồng. Phản bác, bà V. khăng khăng rằng ông Đ. làm ăn sa sút, không thể có chừng ấy tiền bỏ ra xây cất nhà vào thời điểm đó. Không chịu thua, ông Đ. chỉ trích vợ có ý đồ cướp trắng công sức, tiền bạc đóng góp khi xây nhà.
Nghe chồng mắng nhiếc, bà V. rấm rứt khóc.
Cuối cùng, tòa án quyết định bà V. là người sở hữu hợp pháp tài sản. Bà có trách nhiệm hoàn trả ông Đ. hơn 400 triệu đồng, tương đương 60% giá trị căn nhà (theo định giá). Họ chính thức kết thúc quan hệ hôn nhân từ đây.
Ông Đ. tỏ ra tức giận, nhất quyết ngồi lì phòng xử án. Thấy vậy, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: "Hơn 1 năm qua, không muốn ly hôn nhưng ông không hề tỏ ra có thiện chí hàn gắn tình cảm vợ chồng.
Chúng tôi nhiều lần mời hòa giải nhưng ông đều vắng mặt. Vì thế, cơ quan xét xử có đủ căn cứ xác định cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng mâu thuẫn trầm trọng". Theo chủ tọa phiên tòa, ông Đ. khai ông bỏ toàn bộ tiền xây nhà và mua sắm nội thất.
Tuy vậy, suốt quá trình tham gia tố tụng, ông không giao nộp chứng cứ chứng minh điều này. HĐXX không có căn cứ chấp nhận đề nghị hưởng 80% giá trị ngôi nhà.
"Tôi sẽ kháng cáo!" - ông Đ. phản bác chủ tọa.
Phòng xử án đóng cửa...
Tóc đều điểm bạc, dáng đã còng, hai ông bà bước ra cùng những lời sỉ nhục nhau. Bà nhiếc móc ông "cạn tàu ráo máng". Ông mắng bà phản bội, dối lừa. Giờ đây, căn nhà vẫn còn nguyên đó nhưng tình nghĩa đã vĩnh viễn chia đôi.
Nhằm tạo điều kiện cho ông Đ. và các con tìm nơi ở mới, HĐXX cho phép họ lưu trú trong căn nhà thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực.