Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại thời điểm cuối tháng 9/2023, có tổng cộng 7,763 triệu tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2023, con số này bất ngờ chỉ còn 7,384 triệu, giảm tới 378 nghìn tài khoản chỉ trong 1 tháng. Theo số liệu từ VnEconomy, nhà đầu tư trong nước mở mới 167.659 tài khoản và đóng 545.386 tài khoản.
Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng số tài khoản đóng lớn hơn tài khoản mở, thậm chí còn gấp tới hơn 3 lần. Theo thống kê từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng đều có từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn tài khoản được tăng thêm. Đặc biệt, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2022, mỗi tháng thị trường có thêm tới gần 500.000 tài khoản.
Hiện tượng giảm tài khoản chỉ xảy ra đối với tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong khi đó, tài khoản của các nhà đầu tư tổ chức trong nước, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn đều đặn tăng lên.
Trước đó, đầu tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 11/2023, Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11/2023.
Tháng 10/2023 là tháng mà chỉ số VN-Index giảm tới 10,91%, đóng cửa tại 1.028,19 điểm.
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 11, thị trường đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.
Số liệu tại VSD
Theo thông tin từ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nâng hạng thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán đã làm việc tại Mỹ để họ hiểu hơn về thị trường tài chính Việt Nam.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.