Chưa thể đá lại như V.League, cầu thủ Indo bán hàng rong, cầm cố xe chăm vợ đẻ vì cạn tiền

A Kha |

Việc bóng đá Indonesia chưa thể trở lại vì dịch Covid-19 khiến cầu thủ và nhân viên của các đội bóng lao đao do thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng.

Giống như nhiều nơi trên thế giới, bóng đá tại Indonesia hiện đang bị "đóng băng" vì dịch Covid-19 và trong thời gian này lương của các cầu thủ cũng tạm thời bị cắt giảm. Tuy nhiên, việc LĐBĐ Indonesia (PSSI) cho phép các CLB có thể giảm tối đa 75% tiền lương khiến không ít cầu thủ gặp khó. Để trang trải cho cuộc sống, không ít cầu thủ chuyên nghiệp đã phải đi bán hàng rong để kiếm thêm.

"Tôi đang đi bán kem và dừa non. Bình thường tiền lương giúp tôi đủ sống, nhưng giờ tôi chỉ còn nhận được 25% mức thu nhập. Thậm chí lần gần nhất tôi chỉ nhận được 10%. Một số đồng đội của tôi cũng phải đi bán xiên que trên đường phố", cầu thủ Ugik Sugiyanto của CLB Persiba Bantul chia sẻ.

Trong khi đó, cầu thủ từng được gọi lên ĐTQG vào năm 2017 Miftahul Hamdi cho biết: "Tôi hiện đang đi làm trong nhà xưởng của bố mình, còn vợ thì tự làm bánh rồi mang đi bán. Thật không hay với tình cảnh này nhưng có việc để thêm thu nhập là tốt rồi".

Chưa thể đá lại như V.League, cầu thủ Indo bán hàng rong, cầm cố xe chăm vợ đẻ vì cạn tiền - Ảnh 1.

Miftahul Hamdi khi khoác áo đội tuyển quốc gia Indonesia năm 2017.

Trên thực tế, ngoài việc lương bị cắt giảm thì việc các trận đấu không thể diễn ra cũng khiến nguồn thu từ tiền thưởng thắng trận của huấn luyện viên, cầu thủ và nhân viên các đội bóng bị mất đi.

Như trường hợp của CLB Arema, họ vẫn cố gắng duy trì thu nhập cho các nhân viên đội bóng tuy nhiên việc không còn tiền thưởng khiến nhiều người lao đao.

"Vợ tôi mới sinh 3 tháng trước, vì thế tôi cần chi tiêu nhiều hơn. Nhưng lúc này chẳng có gì ngoài khoản lương cứng khá thấp nên mới đây tôi đành phải cầm cố chiếc xe máy của mình", nhân viên vật lý trị liệu Ahmad Salik của CLB Arema tiết lộ.

Chưa thể đá lại như V.League, cầu thủ Indo bán hàng rong, cầm cố xe chăm vợ đẻ vì cạn tiền - Ảnh 2.

Bóng đá chưa trở lại đồng nghĩa những người như Ahmad Salik sẽ phải cố xoay sở để lo cho bản thân và gia đình.

Cũng theo lời Salik, anh phải mở thêm dịch vụ massage và trị liệu để kiếm thêm, trong khi nhiều thành viên khác của đội bóng cũng phải bán đi những đồ đạc giá trị như xe, laptop, hoặc cố tìm cách vay tiền để duy trì cuộc sống.

Hiện tại, bóng đá Indonesia chưa thể ấn định chính xác ngày trở lại do tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Điều này trái ngược hoàn toàn với V.League, giải đấu duy nhất tại Đông Nam Á đã tiếp tục thi đấu và mở cửa cho khán giả vào sân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại