Những ngày đầu năm 2020, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, đâu đâu cũng thấy người ta bàn luận rôm rả xung quanh chủ đề: Cấm lái xe khi đã sử dụng bia rượu. Không chỉ các điều luật, các mức phạt... mà các trường hợp bị phạt trong những ngày đầu luật được áp dụng cũng là chủ đề khiến người ta đặc biệt chú ý.
Khi luật được đưa vào áp dụng, có lẽ tỉ lệ tai nạn giao thông mà nguyên nhân đến từ bia rượu sẽ giảm xuống, người nhà sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi người thân ra ngoài tham gia các bữa tiệc. Rồi trước cửa các quán ăn, người ta sẽ ít phải chứng kiến thêm cảnh các tài xế đã sử dụng bia rượu nhưng vẫn một mực muốn cầm lái, tự tin: "Chưa say đâu" - câu khẳng định chắc nịch trở thành nguyên nhân của biết bao vụ tai nạn giao thông.
"Nhiều người đã uống rượu say tới ngọng líu lưỡi nhưng vẫn tự tin khẳng định "chưa say đâu" rồi nhảy lên cầm lái. Quãng đường họ đi chẳng biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa, nên tôi thấy vui vì luật được áp dụng", thành viên Hạnh Nguyên bình luận.
"Mình là nữ, cũng có uống. Nhưng mình ủng hộ cái luật này hết sức. Các bác cứ sống đúng luật thì yên tâm là chả có cái biên bản nào hết. Đầu tiên là vì an toàn của bản thân, sau đấy là vì an toàn của mọi người xung quanh. Nếu các bác từng có người nhà, người quen bị người say đâm tử vong thì sẽ thấy luật này thực sự cần thiết", tài khoản Trang Đào bình luận.
"Luật được áp dụng, em vui như Tết. Từ giờ không phải lo lắng, thấp thỏm mỗi khi chồng của mình ra ngoài tụ tập cùng bạn bè", tài khoản Hoa Trà bình luận.
"Lần đầu tiên đi ăn cỗ cưới mà cả bàn không uống một giọt rượu phải chăng Luật đã làm thay đổi ý thức", tài khoản Lương Thành Nam chia sẻ.
"Bao nhiêu lần đi trên đường suýt bỏ mạng vì mấy thằng rượu bia rồi. Đi làm, công việc, đối tác cứ phải ép nhau uống bằng được mới gọi là "tôn trọng" nhau? Tôi còn đã mất việc, mất mối quan hệ vì không uống rượu bia rồi.
Sao mọi người lại thích uống rượu được nhỉ? Tôi thấy rượu bia vừa cay, vừa đắng, uống xong đau đầu, buồn nôn, say thì không kiểm soát được cơ thể gây nguy hiểm cho mọi người. Tại sao cứ phải chén rượu mới vui, anh em tôi vẫn ngồi nước ngọt, trà chanh vẫn sống với nhau tốt đấy thôi", thành viên Hải Long bình luận.
"Phạt nặng ma men là việc rất cần thiết để giảm thiểu tai nạn, chúng ta nên ủng hộ. Nghiêm túc thực hiện luật là bảo vệ cho chính bản thân mình, những người xung quanh và cho cả những người thân của chúng ta đang lo lắng chờ ở nhà mỗi khi chúng ta lái xe đi tụ tập", thành viên Hoàng Liên bình luận.
2 thanh niên say rượu nhưng vẫn cố lên xe để đi
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1.1.2020.
So với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Nghị định 100 có nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.
Nghị định cũng điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…).
Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.