Trong quá khứ, Công Vinh chính là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang châu Âu thi đấu (chỉ kéo dài vài tháng ở Bồ Đào Nha). Đáng chú ý, trở về sau chuyến đi ấy Công Vinh gần như chẳng nói về những trải nghiệm tốt đẹp, hay những bài học bổ ích mà chỉ chia sẻ sự cay đắng.
Cựu tiền đạo này từng nói trong chương trình Góc khuất của kênh Bóng đá TV: "Sang Bồ tập đến 2 tháng mà không ai chuyền bóng cho mình cả, toàn chạy không mà thôi. Họ cũng không thèm nói chuyện với mình".
Thật đáng sợ. Công Vinh không chỉ bị cách ly về chuyên môn mà còn cả trong sinh hoạt thường ngày. Nếu cầu thủ Việt Nam nào đến châu Âu cũng bị đối xử như vậy thì chẳng khác nào ác mộng.
“Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy. Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi”.
“Hai tháng đầu rất khó khăn, gần như không làm được điều gì cả. Trên sân thì họ không chuyền bóng cho mình, ở ngoài họ không chào hỏi nói chuyện với mình. Niềm vui của mình khi thui thủi một mình chỉ là lên internet để chat với bạn bè, người thân rồi đọc báo. Phải đến 2 tháng sau thì mình mới thể hiện được” - Công Vinh chia sẻ.
Tiếp bước Công Vinh sang châu Âu cũng là một ngôi sao có chữ Công, cùng quê Nghệ An, cũng chơi tiền đạo: Công Phượng. Nhưng có vẻ như những gì Công Phượng đang trải qua ở Bỉ khác hoàn toàn so với người đàn anh.
Ngay từ khi chưa sang Bỉ, Công Phượng đã được đại diện CLB Sint-Truidense VV sang tận Việt Nam tham gia lễ ký kết hợp đồng cho mượn từ HAGL. Rồi khi CP15 đặt chân đến đất Bỉ, anh được CLB trân trọng chụp ảnh, đưa lên thông báo trên mạng xã hội. NHM Sint-Truidense VV thi nhau bình luận, bày tỏ tình yêu mến và kỳ vọng cho ngôi sao Việt Nam.
Và chỉ trong buổi tập đầu tiên với các đồng đội mới, người ta đã thấy Công Phượng hớn hở cười, cực kỳ hòa đồng với các cầu thủ của CLB châu Âu.
Thậm chí mới đây, hậu vệ Jorge Teixeira còn chia sẻ bức ảnh cả nhóm đón mừng Công Phượng lên trang mạng xã hội của mình kèm dòng chia sẻ: "Gửi lời chào ấm áp đến chàng trai mới của chúng tôi". Đáng chú ý, Jorge Teixeira chính là một cầu thủ Bồ Đào Nha - đất nước Công Vinh từng chia sẻ bị kỳ thị, cô lập.
Trước mắt Công Phượng chắc chắn sẽ là những ngày tháng rất khó khăn về mặt chuyên môn, vì tại Sint-Truidense VV các cầu thủ đều có đẳng cấp rất cao. CP15 sẽ cần nỗ lực rất nhiều để hy vọng hòa nhập được cũng như tìm vị trí thi đấu chính thức.
Nhưng trước hết, Phượng đã đập tan được định kiến tồn tại nhiều năm qua, với lăng kính u ám của Công Vinh: Cầu thủ Việt Nam bị kì thị tại châu Âu.
Đã có quá nhiều thứ thay đổi. Vị thế của bóng đá Việt Nam đã khác. Chúng ta không phải được biết đến như một nền bóng đá hùng mạnh, chất lượng, mà được biết đến như một đất nước có những tập thể, cầu thủ biết bùng nổ, thi đấu gắn kết, đầy đam mê và quyết tâm. Hình ảnh ấy không chỉ khiến nhiều đối thủ e ngại Việt Nam, mà còn yêu quý cầu thủ, đội bóng của chúng ta.
Ngoài ra, những chuyến đi, trải nghiệm là của riêng mỗi người và khác biệt theo mỗi cá nhân, hoàn cảnh. Những gì Công Vinh từng gặp phải cũng chỉ là câu chuyện của riêng cựu sao xứ Nghệ này và không thể phản ánh một bức tranh chung. Chính bởi thế, câu chuyện hoàn toàn khác với Công Phượng - một cầu thủ luôn tràn đầy năng lượng tích cực, sự vui vẻ, lạc quan... là điều dễ hiểu.
Sớm hòa đồng với các đồng đội ở CLB mới, tin rằng dù có thành công tại Sint-Truidense VV hay không, Công Phượng cũng sẽ có những kỉ niệm đẹp với nơi đây, cũng như học hỏi được nhiều từ các đồng đội trên khắp thế giới. Đấy là điều cực kì đáng quý khi nền bóng đá của chúng ta vẫn còn ở vùng trũng.
Công Phượng đang đi thật xa để trở về cống hiến, để mở ra khoảng trời mới đầy tích cực cho các đồng nghiệp, đàn em. Trước nhất chính là đập tan một định kiến, rằng chẳng có sự kì thị nào cả!