Chưa mừng "độc lập" được bao lâu, người Kurd vỡ mộng trong cảnh nghèo đói, cấm vận

Tất Đạt |

Nền kinh tế không vững vàng của người Kurd hiện tại dường như không thể hỗ trợ toàn vẹn cho công cuộc đòi độc lập của khu tự trị này.

Giấc mơ tan vỡ

Khoảng 1 tháng trước, người Kurd tại Iraq đã có cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai khỏi Iraq, thỏa nguyện "ước mơ" giành độc lập kéo dài hàng thập kỉ.

Nhưng thay vì tiếp tục đà đàm phán, chính thức thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Baghdad, những nhà chính trị người Kurd lại chịu sự chỉ trích của người dân vì để mất thành phố Kirkuk vào tay quân đội Iraq hồi tuần trước.

Không còn Kirkuk đồng nghĩa với việc nền kinh tế vốn đã khó khăn của nền tự trị người Kurd ngày càng kiệt quệ hơn. Sau vụ việc, sản lượng dầu của khu tự trị giảm hơn 2 lần, từ 790.000 thùng/1 ngày xuống còn 350.000/1 ngày, theo số liệu từ Viện Năng lượng Iraq.

Chưa kể, những đồng minh người Kurd ở Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có ý muốn phản đối chính quyền trung ương Iraq. Tại thời điểm hiện tại, những nhà lãnh đạo người Kurd dường như bị dồn vào thế bí, khi các bên đều đồng loạt ngăn chặn quá trình ly khai của cộng đồng người này.

Ông Ali Awni, cố vấn của nhà lãnh đạo Chính quyền Khu vực Kurdishtan (KRG) Masoud Barzani, nói: "Họ [chính quyền Iraq] muốn đẩy cộng đồng Kurd vào cuộc nội chiến."

Chưa mừng độc lập được bao lâu, người Kurd vỡ mộng trong cảnh nghèo đói, cấm vận - Ảnh 1.

Cửa hàng quần áo người Kurd vắng vẻ sau cấm vận. Ảnh: AP

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Baghdad hôm thứ Hai (23/10) vừa qua không đem lại kết quả khả quan hay hướng hòa giải nào cho mâu thuẫn giữa Iraq và người Kurd.

Hôm thứ Ba (24/10), lực lượng Peshmerga của người Kurd tuyên bố đã đẩy lùi hai đợt tiến công của quân đội Iraq và đồng minh Iran tại các khu vực dầu mỏ quan trọng nhất thuộc quyền quản lí của người Kurd.

Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi yêu cầu chính quyền Kurd phải trao trả những đường ống dầu nằm giữa khu vực người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, một nước đi nhằm triệt tiêu nguồn dầu xuất khẩu cũng như ngân sách của khu vực tự trị này. Theo chính quyền Baghdad, lãnh thổ giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ thuộc quyền quản lí hợp pháp của Iraq.

Người dân đã quá mệt mỏi

Dẫn lí do nói trên cùng việc quân đội chính phủ liên tiếp dồn tới khu vực biên giới, nghị viện người Kurd thông báo sẽ hoãn các cuộc trưng cầu tới 8 tháng sau. Chính quyền khu tự trị cũng đưa ra đề nghị "đóng băng" kết quả cuộc bỏ phiếu trước đó trong cuộc đàm phán với Baghdad.

Ông Saadi Pire, một thành viên chủ chốt của Liên đoàn Yêu nước người Kurd (PUK), một trong hai đảng nắm quyền tại khu tự trị, cho biết: "Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chuẩn bị danh sách cử tri hay các điểm bầu cử."

Các đảng đối thủ lại nhận định rằng đảng PUK và nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) Barzani đang tìm cách câu kéo thời gian vì nhiều lí do khác nhau.

Ông Bajdar Hassan, một nhà hoạt động chính trị thuộc đảng đối lập Gorran, cho rằng: "Họ sẽ tổ chức bầu cử khi nào có lợi cho họ nhất. Khi không thuận lợi, họ sẽ viện mọi lí do để né tránh."

Viễn cảnh ở vùng biên giới cũng không kém phần u ám. Chính quyền trung ương Baghdad và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đã bắt tay cấm vận, khóa chặt khu vực này.

Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 25/9 của cộng đồng Kurd, tổng thống Tayyip Erdogan đã đe dọa cắt đứt đường dẫn dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của Erbil.

Erbil, thủ phủ của cộng đồng người Kurd ở Iraq. Nguồn: Youtube

Từ trước tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với người Kurd ở Iraq, nhưng nếu cộng đồng người này ly khai thành công khỏi Baghdad, đây sẽ là tiền đề để người Kurd ở Thỗ Nhĩ Kỳ có động lực nổi dậy, đòi độc lập.

Trong khi đó, những người dân thường liên tiếp phàn nàn về sự thiên vị, tham nhũng của chính quyền địa phương. Các phương tiện truyền thông cũng bị thao túng, đưa thông tin có lợi cho việc kiểm soát và quản lí khu vực.

Trả lời AP, Karza Nabil, một thợ điện 36 tuổi nói: "Sẽ không ai tham gia bỏ phiếu. Người dân đã quá mệt mỏi vì bị lừa dối."

Các công chức người Kurd chỉ nhận được ½ hoặc 1/3 lương bình thường. Ở khu chợ Irbil, không khó bắt gặp cảnh tượng cảnh sát giao thông hoặc giáo viên phổ thông phải sửa đài radio, bán cà phê để kiếm thêm thu nhập.

Ông Nabbas Kattab, 46 tuổi, mệt mỏi đếm số lượng bánh mì kebab ông bán được: "Trước đây mỗi ngày có hơn 1.000 khách mua hàng. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ bán được khoảng 200 cái."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại