Sáng ngày 28/1 (23 tháng Chạp âm lịch), ngày tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, nhiều người dân sau khi cúng bái đã mang cá ra sông hồ thả.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa. Ngoài ý nghĩa là "cá hóa long", nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục thả cá chép còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Thế nhưng bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận nhỏ người dân xả rác xuống lòng hồ gây ô nhiễm môi trường nước.
Cùng với việc thả cá người dân xả luôn rác, bụi tro, đồ thờ cúng xuống hồ.
Nhiều nơi khác như cầu Long Biên cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Việc thả quá nhiều bụi tro khiến cá chép vừa thả xuống lúc sau đã bắt đầu ngoắc ngoải rồi chết.
Theo ghi nhận tại hồ Hoàng Cầu người dân vớt được rất nhiều cá chết.
Một công nhân môi trường có mặt tại đây cho biết, từ sáng nay 4 công nhân được huy động đến đây để thu gom rác đó người dân đổ xuống hồ.
"Chúng tôi có bảng hiệu tuyên truyền không cho người dân ném rác, tro xuống hồ nhưng ý thức người dân không tốt vẫn thả rất nhiều rác xuống", nam công nhân chia sẻ.
Một nhóm tình nguyện viên vớt rác thải, cá chết ở hồ Tây.
Một con cá chép được thả phóng sinh đã chết.