Mới đây, công ty cổ phần Gỗ An Cường công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 11 tháng năm 2022. Theo đó, doanh thu thuần đạt 3.950 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 553 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 45,6% so với cùng kỳ năm 2021.
So sánh với kế hoạch kinh doanh năm 2022 đề ra từ đầu năm, Gỗ An Cường đã hoàn thành 93,1% kế hoạch doanh thu và đạt 100,6% kế hoạch lợi nhuận ròng.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức vào ngày 23/12, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ An Cường (HoSE: ACG) chia sẻ lợi nhuận năm 2022, gần như chắc chắn đạt mức 600 tỷ đồng.
" Chúng tôi vừa công bố số liệu kinh doanh 11 tháng với mức tăng trưởng lợi nhuận gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Cho cả năm 2022, gần như chắc chắn sẽ đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng khoảng 35% so với mức lợi nhuận của 2021. Bản thân tôi đang kỳ vọng con số thực tế sẽ hơn 600 tỷ " ông Nghĩa chia sẻ với cổ đông tại đại hội.
Tại đại hội, một trong những chủ đề được cổ đông quan tâm là việc thị trường bất động sản gặp khó, An Cường lại phụ thuộc khá lớn vào ngành này. Trả lời về vấn đề trên, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường, ông Lê Đức Nghĩa đánh giá thị trường bất động sản ở Việt Nam đang gặp khó khăn thực sự, tuy nhiên đây chỉ là tình huống ngắn hạn vì nhu cầu thực tế vẫn đang có.
Ông Nghĩa cho biết An Cường đã chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản từ mức 30% - 40% giai đoạn 2019 – 2022 về mức chỉ hơn 10% trong năm 2022. Với mức tỷ trọng doanh thu như hiện tại, bất động sản không có quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của An Cường. Thay vào đó công ty đẩy mạnh các hoạt động phân phối, mở thêm hệ thống đại lý.
Công ty cho biết, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước nhờ vào doanh thu tiếp tục tăng trưởng và chi phí sản xuất được tối ưu, đồng thời cơ cấu doanh thu dịch chuyển theo hướng tích cực. ACG kỳ vọng sẽ vượt kế hoạch doanh thu cả năm trong tháng 12 bởi đây là tháng cao điểm đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Theo đó, Lợi nhuận ròng sẽ tiếp tục vượt kế hoạch đã đặt ra.
Điều đáng nói, mặc dù chưa có BCTC năm cụ thể của các doanh nghiệp trong ngành, nhưng ngành gỗ từ quý II đã được đánh giá là gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất, thậm chí một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Theo Wood365.cn, thị trường gỗ toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn đến từ lạm phát.
Nguyên nhân của lạm phát đến từ nhiều khía cạnh. Một mặt, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng chi phí như sản xuất và vận chuyển; mặt khác do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong nửa đầu nằm 2022, thương mại gỗ xẻ mềm toàn cầu giảm 10%, nhu cầu gỗ xẻ từ Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu giảm, và việc quốc tế tẩy chay gỗ và các sản phẩm gỗ từ Nga đã mang lại sự bất ổn lớn cho thị trường gỗ Châu Âu. Giá gỗ xẻ cũng bắt đầu giảm sau mùa Xuân năm 2022.
Ngoài ra, thương mại gỗ mềm quốc tế giảm 20% do lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn của Nga và nhu cầu gỗ giảm do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc.
Quan sát giá gỗ ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc có thể thấy những biểu hiện suy yếu về nhu cầu.
Tại Mỹ, gỗ là nguyên liệu chính để xây dựng các ngôi nhà ở Mỹ, nhu cầu về gỗ chiếm khoảng 40% trong dựng nhà ở. Từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2022, giá gỗ xẻ Bắc Mỹ giảm gần 50%. Mặc dù vẫn ở gần mức trung bình trong vòng 5 năm, nhu cầu trên thị trường gỗ xẻ Bắc Mỹ đang suy yếu so với cùng kỳ năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh thị trường gỗ quốc tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát, thị trường gỗ Trung Quốc cũng gặp khó khăn do nhu cầu hạn chế và lượng nhập khẩu giảm, theo Doanh nghiệp và đầu tư đưa tin.
Thứ nhất, thị trường gỗ Trung Quốc vẫn đang phục hồi chậm sau dịch bệnh. Ngay cả trong mùa cao điểm của ngành gỗ diễn biến thị trường chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ hai, Trung Quốc là một trong những thị trường sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ lớn đồ gỗ, tuy nhiên lạm phát cao ảnh hưởng đến việc phân bổ chi phí sinh hoạt của người dân. Thu nhập nhiều hơn được sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày và như cầu về đồ nội thất và các sản phẩm gỗ khác ở Trung Quốc đã giảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, khối lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu của Trung Quốc đạt 47,18 triệu mét khối, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong tháng 8/2022 đạt 6 triệu mét khối, giảm 0,3% so với tháng 8/2021.
Tại Việt Nam, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021 và theo dự báo, con số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ thiết lập kỷ lục mới với 16 tỷ USD tuy nhiên khi nhìn vào số liệu thống kê chi tiết sẽ thấy sự phân hóa rõ rệt trong những sản phẩm thuộc ngành gỗ.
Hình ảnh được dẫn lại từ Vneconomy
Quay trở lại Gỗ An Cường, sản phẩm chính của công ty là MFC và các loại ván phủ Melamine, tấm laminate, tấm high gloss acrylic, ván sàn An Cường, cửa gỗ công nghiệp,... Đây đều là những sản phẩm đầu vào để hoàn thiện nội thất các căn hộ, nhà ở.
Thị trường chính của Gỗ An Cường vẫn là thị trường trong nước, với cơ cấu doanh thu (hợp nhất) xuất khẩu chỉ chiếm 15,4% trong năm 2021, đã tăng hơn so với tỷ trọng 6,8% và 12,3% của năm 2019, 2020. Điều này thể hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của công ty.
Tuy vậy, năm 2021 thị trường xuất khẩu mới chỉ mang lại 951 triệu đồng lợi nhuận sau thuế cho công ty, nhỏ hơn rất nhiều so với lợi nhuận từ thị trường trong nước là 450 tỷ đồng. Tính ra biên lợi nhuận trên doanh thu thuần của hoạt động xuất khẩu chỉ khoảng 0,2%.
Theo giải thích từ phía công ty, trong giai đoạn đầu mở rộng thị trường xuất khẩu, công ty phải làm sản phẩm mẫu và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với yêu cầu về sản phẩm và chất lượng của đối tác làm cho chi phí sản xuất cao hơn bình thường. Khi chốt được đơn hàng, và khách đặt hàng đều đặn, lợi nhuận sau thuế sẽ được cải thiện.
Năm nay, mặc dù chưa có cơ cấu doanh thu và lợi nhuận chi tiết, nhưng có lẽ phần lớn trong khối lợi nhuận 600 tỷ đồng của Gỗ An Cường sẽ vẫn chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh trong nước.