Theo các nguồn tin Nga, tại cuộc hội đàm, khác với thông lệ lễ tân là chủ nhà nói trước thì ông Rodrigo Duterte đã phát biểu đầu tiên và bộc trực, đúng phong cách của ông. Tổng thống Philippines nói:
“Tôi xin lỗi vì đã phiền Ngài Tổng thống phải thay đổi lịch làm việc. Ngài đã biết tình hình ở tỉnh Mindanao, các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) gây chuyện ở tỉnh này, các cuộc giao tranh đang tiếp diễn. Tôi phải trở về ngay…
Chúng tôi coi Nga là người bạn thân thiết của mình, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên tất cả mọi phương hướng. Hôm nay tôi đến đây để mong nhận được sự ủng hộ của Ngài và để khẳng định tình hữu nghị giữa chúng ta. Chúng ta cần phát triển thương mại song phương, phải tăng kim ngạch lên…
Và tất nhiên Philippines cần những vũ khí hiện đại. Chúng tôi đã có một số đơn đặt hàng với Mỹ nhưng hiện nay chuyện này không được suôn sẻ lắm. Chúng tôi cần những loại vũ khí hiện đại để chống IS, để đánh lại các đơn vị, các ổ nhóm của IS. Chúng tôi, bản thân tôi đến đây để mong có được sự ủng hộ của Ngài, để đề nghị Ngài giúp đỡ…”
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Moscow hôm 23/5 (Ảnh: Sputnik)
Nga là đối tác "an toàn" với Philippines hơn Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Duterte rời Nga, các bộ trưởng Philippines và Nga tiếp tục đàm phán tại Moscow.
Ngày 25/5 hai bên đã ký kết 9 hiệp định quan trọng, trong đó có hiệp định hợp tác quốc phòng. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hiện hai bên đang ở giai đoạn hoàn tất dự thảo và chuẩn bị ký tiếp một loạt văn kiện nữa, gồm cả lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự và phối hợp hành động giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật hai nước.
Các doanh nghiệp quốc phòng Nga hy vọng trong thời gian tới sẽ xuất được nhiều máy bay trực thăng, xe bọc thép, súng máy… sang Philippines.
Xoay trục, “nhạt” với Mỹ để hướng sang Trung Quốc và Nga là một trong những bước điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Philippines dưới thời Duterte.
Suốt hàng chục thập niên Philippines là đồng minh quan trọng thứ ba của Mỹ ở Đông Á, sau Nhật Bản và Hàn Quốc; Mỹ là nguồn cung cấp 70% vũ khí cho quân đội Philippines. Nhưng sau khi Duterte lên cầm quyền, quan hệ Washington - Manila trở nên lạnh nhạt rõ rệt.
Tổng thống Philippines từng tuyên bố sẽ giải thể các căn cứ hải quân và không quân của Mỹ ở nước này và hủy bỏ các thỏa thuận tập trận chung thường kỳ giữa quân đội hai nước. Hậu quả chính sách đối ngoại mới của Manila đến ngay lập tức: Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho đồng minh.
Không lâu trước khi Tổng thống Duterte sang Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có mặt tại Moscow hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.
“Philippines tìm kiếm cơ hội hợp tác với những nước mà chúng tôi có thể ký được những thỏa thuận hời về giá cả và đáp ứng được tốt nhất nhu cầu quân sự của mình” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines M.K. Navidad cho biết.
Theo nhà bình luận Ilya Polonsky của trang mạng “Bình luận quân sự” (Nga), Philippines coi Nga là một trong số những đối tác tốt, mặc dù Moscow không ở trong nhóm các đối tác chính trị - quân sự của Manila.
Polonsky cho rằng Nga cần nắm bắt cơ hội mới và “mở ra một trang mới” trong quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo tác giả, có thể Moscow ở một vị thế “dễ dàng” bắt tay với Duterte vì Tổng thống Philippines cũng “xoay trục” sang Bắc Kinh nhưng giữa Philippines và Trung Quốc có bất đồng, tranh chấp chủ quyền biển đảo, còn Moscow thì không vướng bất kỳ mâu thuẫn gì với Manila và ông Duterte hiểu rất rõ điều này.
Philippines chưa đủ điều kiện khiến Nga hào hứng?
Theo giới phân tích, vấn đề cấp bách đối với nhà lãnh đạo Philippines là không chỉ tìm được nhà cung cấp vũ khí hiện đại mới thay thế Mỹ mà giá cả phải “mềm”, phương thức thanh toán cũng phải thuận cho Philippines.
Nhà bình luận Ghevorg Mirzayan của tờ “Expert” (Nga) cho biết, Tổng thống Duterte nhận xét “người Nga không những có vũ khí tốt mà còn rất hào hiệp”, và ông đã bày tỏ hy vọng các hợp đồng mua vũ khí của Nga sẽ được thực hiện theo giá “hữu nghị”.
Nhưng nhà bình luận này cho rằng Moscow phải cân nhắc liệu sẽ được Manila đáp ứng điều gì nếu thỏa mãn đề nghị của Duterte. Có lẽ sẽ không phải lả những ưu đãi về kinh tế, bởi quy mô hợp tác kinh tế giữa hai nước cho đến nay vẫn rất nhỏ.
Năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều Nga – Philippines chỉ đạt 226 triệu USD (thấp hơn 80 lần so với buôn bán giữa Philippines và Mỹ).
Philippines xuất sang Nga xoài sấy khô và dầu dừa. Một số gia đình tại các thành phố lớn của Nga có thuê người giúp việc Philippines.
Phía Nga, ngoài triển vọng phát triển hợp tác kỹ thuật – quân sự thì nhắm tới khả năng hợp tác với Philippines trong những lĩnh vực truyền thống Nga có thế mạnh là năng lượng, chế tạo máy năng lượng, hạ tầng giao thông...
Cơ hội để Nga củng cố vị thế địa chính trị ở Philippines cũng không nhiều, vì Philippines suốt nhiều thập niên qua không phải là một nước thân hữu với Nga. Phần đông người Philippines (trên 70%) nhìn nhận tích cực về Mỹ.
Còn hy vọng Duterte sẽ là một đối tác bền vững thì cũng không xác đáng.
Hồi tháng 3/2017, mặc dù điểm số tín nhiệm của ông trong xã hội rất cao (78%) nhưng phe đối lập vẫn khởi xướng thủ tục luận tội với cáo buộc liên quan lập trường “nhún nhường” của ông với Trung Quốc. Tuy Tổng thống vượt qua được thử thách này nhưng thực tế cho thấy thách thức nhằm vào ông vẫn còn phức tạp.
Các nhà nghiên cứu Nga cho rằng chưa thể nói đến một liên minh quân sự giữa Nga và Philippines. Ít ra là lúc này Philippines chưa thể mang lại cho Nga một “phần thưởng” nào về mặt chiến lược quân sự, đặc biệt trong khi các căn cứ của Mỹ tại Philippines vẫn còn nguyên vẹn.