Chủ xe Beijing U5 Plus trải lòng: 'Mua xe Trung Quốc thực chất là tìm 'mua' đúng nhà phân phối, nếu không dễ bị đem con bỏ chợ'

Thanh Linh |

Theo trải lòng của chủ xe Beijing U5 Plus đã không còn nhà phân phối tại Việt Nam, điều đầu tiên khi quyết định mua xe không phải nhìn chiếc xe mà nhìn nhà phân phối.

  

Chương trình Trên Ghế ngày 10/12/2024 đón nhận sự quay trở lại của series Xe Trung Quốc vào Việt Nam. Lần này, khách mời chính là chủ xe Trung Quốc đến để chia sẻ những trải nghiệm về một mẫu xe đã không còn nhà phân phối tại Việt Nam.

Một vấn đề tôi tin chắc nhiều khán giả đang rất quan tâm là xe Trung Quốc giờ vào Việt Nam rất đông, nhưng nhiều người vẫn có tâm lý sợ rằng hãng sẽ không gắn bó lâu dài với thị trường. Một ngày nào đó, hãng rời đi thì những người đã mua xe Trung Quốc đấy sẽ trở nên bơ vơ. Đó cũng chính là câu chuyện anh đang gặp phải. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Cảm xúc ban đầu của tôi sau khi biết hãng không còn phân phối chiếc Beijing U5 Plus của mình là cũng thấy hơi hụt hẫng. Cảm giác như đem con bỏ chợ vậy, rồi chuyện bảo dưỡng bảo hành sau đó sẽ như thế nào.

Nhưng sau khi tìm hiểu lại và liên lạc với nhà phân phối, họ thừa nhận đúng là sẽ ngừng bán thương hiệu này, song vẫn sẽ hỗ trợ khách hàng bảo dưỡng, bảo hành đầy đủ theo đúng cam kết từ đầu. Nhưng có trường hợp là dễ thiếu phụ tùng, do đó chủ xe sẽ phải chờ để nhập về nếu cần. Chẳng hạn, có những phụ tùng quá khó tìm sẽ mất rất nhiều thời gian để chờ về nước, có thể tới một tuần dù Trung Quốc và Việt Nam rất gần nhau. 

Cảm giác chờ đợi cũng sẽ hơi khó chịu. Tuy nhiên, tôi là một người lạc quan, nên tôi cho rằng chỉ cần chiếc xe vẫn khiến mình hài lòng thì những vấn đề này vẫn có thể bỏ qua. 

Dẫu vậy, sẽ có nhiều người gặp phải trường hợp như tôi, và có thể sau này sẽ có những thương hiệu như thế này nữa. Do đó, tôi cho rằng mua xe Trung Quốc rất đơn giản, nhưng phải nhìn vào nhà phân phối có uy tín không mới nên đặt niềm tin. Nếu không, mọi người sẽ dễ rơi vào tình trạng giống như tôi.

Như anh vừa chia sẻ là có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến phụ tùng, phụ kiện không có sẵn. Vậy những phụ tùng, phụ kiện như thế nào không có sẵn khiến cho người dùng dễ phải chờ đợi lâu?

Thực tế sử dụng trong khoảng 2 năm qua thì tôi chưa gặp lỗi nào quá lớn với chiếc xe. Do đó cũng chưa gặp phải tình huống khó chịu này. 

Nhưng tôi có tham gia hội nhóm Zalo với những chủ xe U5 khác. Trong đó có những người chia sẻ đã gặp phải câu chuyện này, chẳng hạn càng A cần phải thay sau khoảng 40.000 km. Như anh ấy chia sẻ thì cũng phải chờ khoảng gần một tuần mới có đồ để thay. Còn nếu mang ra gara ngoài thì có thể có sẵn và thay được luôn không phải chờ đợi.

Nếu mang xe đến gara ngoài không phải chính hãng như thế thì liệu chúng ta có thể tin tưởng được không?

Hầu hết anh em chơi xe Trung Quốc sẽ có một điểm đặc biệt là sẽ có gara quen chuyên làm những dòng như thế này. 

Như bản thân tôi cũng bảo dưỡng ở một gara có liên kết với nhà phân phối này, nên họ có kinh nghiệm và phụ tùng khá đầy đủ. Do là gara liên kết nên nhà phân phối vẫn chấp nhận bảo hành như bình thường. Nếu không có bảo hành nữa thì đành tự bơi thôi.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, khi chủ xe đã bỏ ra hàng trăm triệu để mua một chiếc ô tô thì đương nhiên họ cũng cần sự tiện lợi. Ví dụ nếu tôi mua xe của những hãng có đầy đủ showroom, đại lý như Toyota, Honda, VinFast thì dù đến tỉnh thành nào, thậm chí quận nào, cũng có xưởng dịch vụ sẵn sàng sửa chữa bảo dưỡng. Trong trường hợp rơi vào kịch bản không mong muốn là chiếc xe của anh có vấn đề gì thì anh sẽ mang xe đi đâu, có quá xa hay bất tiện không?

Thực tế, nếu ở Hà Nội thì không quá bất tiện, vì tôi có trong tay một vài showroom quanh đây. Còn vấn đề anh hỏi thì dễ gặp phải khi đi tỉnh hơn. Tôi chưa gặp phải trường hợp nào và cũng không mong muốn kịch bản đó xảy ra.

Trong trường hợp anh nêu ra thì tôi cũng chưa có phương án nào. Nếu gặp lỗi quá nặng thì có thể chỉ còn cách cẩu xe về Hà Nội để sửa, chứ không dám sửa linh tinh bên ngoài. Đây đúng là một vấn đề. 

Tôi cho rằng đây là một vấn đề không nhỏ, bởi đã mua ô tô thì chắc chắn sẽ có dịp chúng ta đi đây đi đó, về quê rồi đi tỉnh. Trở lại với vấn đề khi hãng rời bỏ thị trường, nhà phân phối dừng bán xe thì quan hệ giữa anh và bên bán đã thay đổi như thế nào?

Câu hỏi này khá hay. Khi mua chiếc xe này, tôi không hề biết đến fanpage hay website của nhà phân phối. Sales lập ra một trang web hay group nào đó rồi họ công khai số điện thoại lên đấy. Khi nào cần tôi gọi là sales bắt máy. Điều đó có nghĩa là tôi chỉ làm việc với sales từ đầu đến cuối.

Nhưng bây giờ sales đó chuyển sang bán xe Mercedes mất rồi. Tôi gọi cho sales khác thì anh ấy cũng nói không còn công tác ở đó nữa, anh ấy giới thiệu một bạn khác cũng ở nhà phân phối đó để hỗ trợ. Lúc đó, tôi gọi cho bạn sales này, bạn ấy hướng dẫn nếu gặp vấn đề thì cần qua đâu, làm những gì, nếu muốn thay phụ tùng thì làm như thế nào. 

Nói chung, khi mua chiếc xe này, tôi gần như không làm việc gì với hãng hay nhà phân phối mà hầu hết qua sales. Nhưng giờ sales cũng nghỉ việc rồi.

Tức là bây giờ, anh gần như bị "đem con bỏ chợ" như đã nói ở trên đúng không? Vậy bây giờ, giả sử anh muốn bảo dưỡng sửa chữa là hoàn toàn phải "tự bơi", tự tìm quan hệ hoặc tự tìm đến những nơi mình cảm thấy uy tín? Trong trường hợp đó, giá cả sẽ như thế nào?

Đúng là dễ bị "đem con bỏ chợ". Còn vấn đề sửa chữa, do chưa phải thay gì nên tôi chưa nắm rõ chuyện giá cả lắm. Nhưng tham khảo một số người trong group thì tôi thấy giá cũng bình thường. Linh kiện phụ tùng có thể nhập khá dễ dàng mà cũng không quá đắt.

Tôi tin là còn nhiều người khác cũng sẽ tham gia vào các group chủ xe Trung Quốc như anh. Cộng đồng này có đông không? Họ có chia sẻ những lỗi nào mà anh may mắn chưa gặp phải không?

Tôi tham gia group chủ xe Beijing U5 thôi. Nhóm này có khoảng gần trăm người. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là một trong số nhiều group khác.

Như tôi vừa nói, sau 40.000 km thì có thể phải thay càng A, nếu không sẽ phát ra tiếng két két hơi khó chịu. Hoặc cần thay cao su. Cao su trên máy của xe này rất mềm, không được bền như xe Nhật, nên chỉ chạy khoảng 20.000 km là đã có xe phải thay rồi. Thay thì đơn giản thôi, nhưng gần như ai cũng sẽ phải thay cái này.

Ngoài những vấn đề mà các chủ xe chia sẻ trong group, thì với riêng anh, một người đang sử dụng chiếc Beijing U5 Plus, anh có gặp những vấn đề nào khiến anh mà cảm thấy chưa hài lòng với mẫu xe này?

Điểm tôi thấy chưa hài lòng và cũng chưa khắc phục được chính là màn hình. Màn hình xe này không có CarPlay. Tôi không thể cài CarPlay trực tiếp nên phải sử dụng qua box ngoài. Khi hãng bỏ đi, tôi không thể tìm được kỹ thuật viên có khả năng cài đặt nữa. Chẳng hạn có phần mềm mới cũng không thể cập nhật được. Tôi cũng hơi lo có một ngày bản đồ trên xe cũ quá thì chưa biết sẽ phải cập nhật ở đâu, liệu có phải mò tìm trên mạng một modder (người biết "vọc", biết cách can thiệp vào hệ thống - PV) nào đó để can thiệp vào hệ thống không.

Ngoài ra, tôi thấy chiếc xe này sử dụng cũng lành, không có vấn đề gì to tát. Tất nhiên, nhìn từ góc độ một chiếc xe hạng C, U5 vẫn còn nhiều khiếm khuyết như ồn. Vỏ mỏng nên đi đường trường rất ồn. Rồi vấn đề hộp số, khi đi trong phố, lúc mới bắt đầu di chuyển sẽ cảm thấy hơi bị "ngật ngưỡng", lái không sướng lắm. Còn lại thì chấp nhận được. 

Một vấn đề khác hẳn nhiều người cũng sẽ quan tâm. Người Việt Nam khi mua những sản phẩm lớn như ô tô thường quan tâm nhiều tới giá và nhất là giá bán lại. Với chiếc xe không còn nhà phân phối nữa, hãng cũng đi rồi, anh có quan ngại rằng, khi muốn bán lại chiếc xe thì sẽ mất giá, thậm chí kịch bản xấu hơn là không ai dám mua không?

Kịch bản không ai dám mua thì tôi cho rằng không có, quan trọng là bán giá nào thôi. Ví dụ với chiếc xe mà tôi đang sử dụng, nếu bán lại với tầm giá 100-200 triệu là sẽ có người xuống tiền ngay.

Nhưng tôi cũng cảm thấy bực mình. Tôi mua chiếc xe vào tháng 10/2022, tính đến nay mới được 2 năm đã mất giá khoảng 150 triệu. Mất giá quá kinh khủng.

Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, đó là cái giá tôi phải trả khi lựa chọn thương hiệu không có nhà phân phối uy tín. 

Tôi mua chiếc xe này là do hiệu ứng Beijing X7. Có nghĩa là, tôi thấy rất nhiều người chạy X7, tính thanh khoản cũng tốt, giữ giá cũng ngang xe Nhật, xe Hàn. Nhưng chiếc xe này lại không được diễm phúc như X7, bởi vì lượng người mua ít, nên khi bán ra thì nhìn chung nhu cầu không cao, giá sẽ bị giảm sâu hơn X7 rất nhiều.

Các chủ xe khác có chia sẻ nhiều về vấn đề bán lại không, thưa anh?

Mọi người cũng tạm quên nỗi đau đấy rồi. Có nghĩa là đã từng đau, nhưng thôi, cuối cùng vẫn phải tiến lên phía trước. Đã bỏ tiền mua chiếc xe này rồi thì khó đổi sang xe khác lắm. Bởi cùng tầm giá ít xe nào có trang bị tương tự. Còn muốn bán đi mua xe mới thì phải bù thêm rất nhiều tiền. Do đó, mọi người coi như bỏ tiền mua trải nghiệm. 

Bây giờ thị trường Việt Nam đang đón nhận khá nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc. Ở góc độ người dùng, với trải nghiệm của anh, anh có sợ chuyện đã xảy ra với mình cũng sẽ đến với những người khác đang sử dụng ô tô Trung Quốc không?

Tôi cũng đã suy ngẫm nhiều về vấn đề này. Chất lượng xe Trung Quốc bây giờ không phải lo lắng quá nhiều nữa, vì họ đã có một thời gian học hỏi rất dài. Tuy nhiên, thời điểm tôi mua chiếc U5 Plus thì mới có vài thương hiệu thôi. Ví như Beijing, Zoyte hay là Luxgen - một thương hiệu của Đài Loan. Khi đó, những thương hiệu này chưa có kinh nghiệm làm xe, xe chưa được tốt như bây giờ. Mua xe thời điểm đó cũng khá sai lầm. 

Còn bây giờ, với những người muốn xuống tiền mua xe Trung Quốc, tôi có một lời khuyên dành cho họ là: Hãy nhìn vào nhà phân phối.

Ví dụ như chúng ta có Geleximco, Tasco là những tên tuổi lớn, là những nhà phân phối có thể tin tưởng được. Nói cách khác, chọn nhà phân phối trước khi chọn xe. Khi làm như vậy, chúng ta có thể hạn chế những rủi ro như tôi đã gặp phải.

Như vậy, ý anh là ít nhất chọn những nhà phân phối tiềm lực tốt như Geleximco đã quyết định xây nhà máy, hay Tasco cũng có kế hoạch tương tự. Còn với những bên có chính sách khác thì anh thấy sao?

Những bên khác thì còn phải xét nhiều yếu tố, chẳng hạn quy mô công ty như thế nào. Nhìn chung có nhiều yếu tố phải xem xét.

Nói chung đó sẽ là những vấn đề khiến chúng ta lăn tăn khi xuống tiền mua xe. Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ vừa rồi.

Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.

Thanh Linh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại