Vào tháng 7, Trung Quốc đã tổ chức liên tiếp hai cuộc họp quan trọng với sự tham gia của nhiều Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương ĐCSTQ. Trong đó, ông Vương Hỗ Ninh xuất hiện ở cả hai cuộc họp này dù trước đó, ông được đánh giá là người hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Hai hội nghị này lần lượt là Hội nghị tổng kết cải cách thể chế đảng và nhà nước theo chiều sâu vào ngày 5/7 và Hội nghị công tác xây dựng đảng và trung ương vào ngày 9/7. Tại hội nghị đầu, Ủy ban thường vụ với 7 thành viên tham gia đầy đủ, hội nghị thứ hai có 4 Ủy viên thường vụ tham dự.
Đáng chú ý, ông Vương Hỗ Ninh đã chủ trì cả hai cuộc họp này. Trong trường hợp thông thường, các cuộc họp cấp trung ương tương tự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu quan trọng, vĩ mô trong khi vị trí chủ trì hội nghị sẽ được điều khiển bởi một quan chức cụ thể phụ trách trong các lĩnh vực liên quan.
Ông Vương Hỗ Ninh (thứ hai, từ trái sang) tham dự Hội nghị tổng kết cải cách thể chế đảng và nhà nước theo chiều sâu ngày 5/7. Ảnh: T
Theo đánh giá, động thái trên cho thấy, ông Vương Hỗ Ninh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cải cách thể chế hiện đại hóa hệ thống chính trị của Trung Quốc, thậm chí ông có thể là người vạch ra và thực hiện các vấn đề cải cách cụ thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kể từ sau Đại hội 19, ông Vương Hỗ Ninh chủ yếu chịu trách nhiệm về các vấn đề của đảng. Trên thực tế, ông này đóng vai trò quan trọng về phương diện cải cách của Trung Quốc. Ông là một trong ba Phó Chủ nhiệm của Ủy ban cải cách sâu rộng toàn diện trung ương Trung Quốc khóa mới, đồng thời ông cũng là Chủ nhiệm văn phòng ủy ban kiêm Tổng thư ký của ủy ban này.
Khi ủy ban được thành lập vào năm 2014 với tiền thân là Tổ cải cách sâu rộng trung ương, ông Vương Hỗ Ninh - Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương - đã trở thành thành viên thời điểm đó.
Ngoài ra, hội nghị tổng kết cải cách thể chế lần này còn nhắc tới Văn phòng Tiểu tổ điều phối cải cách thể chế đảng và nhà nước theo chiều sâu, như vậy, rất có thể đã tồn tại một Tiểu tổ điều phối cải cách thể chế đảng và nhà nước theo chiều sâu. Tiểu tổ này có thể là cơ quan quản lý thống nhất về cải cách thể chế và người đứng đầu có thể thuộc cấp Ủy viên thường trực Bộ chính trị.
Đáng chú ý, trong thời gian giảng dạy tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải những năm 90, ông Vương đã từng viết một loạt các bài nghiên cứu mang tính học thuật liên quan đến chế độ chính trị Trung Quốc, cho thấy ông có sự nghiên cứu sâu về hệ thống chính trị của Trung Quốc và có những kiến giải được đánh giá là vô cùng độc đáo.
Năm 1995, ông Vương Hỗ Ninh rời Đại học Phúc Đán lên Bắc Kinh và bắt đầu công việc tại Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương, sự nghiên cứu và hiểu biết về chính trị của ông đã được công nhận và hiện thực hóa.
Ông Vương từng được biết đến là "quân sư", cố vấn chính sách cấp cao cho ba đời lãnh đạo Trung Quốc – Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.