Trí Trần có nhiều nét tương đồng với Don Nguyễn, nụ cười khá duyên cùng chiếc răng khểnh. Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng, Trí dừng lại uống một ngụm nhỏ nước ép dưa hấu và thành thật trước mọi câu hỏi của tôi...
Cửa chùa không đóng với ai...
Trí từng khiến mạng xã hội dậy sóng trong hình dáng một chú tiểu còn mặc áo tu đi trang điểm và chỉnh sửa váy áo cho các thí sinh thi Hoa hậu Việt Nam năm 2012. Và tôi nhớ là tại thời điểm đó, Trí từng nghĩ mình không sai. Vậy tại sao, sau đó Trí lại hoàn tục?
Trí là Phật tử từ nhỏ theo truyền thống gia đình. Khoảng năm 2010 - 2011, Trí thọ giới, xuất gia với pháp danh Thích Trung Huệ.
Thực ra, lúc đó Trí nghĩ đơn giản là mình không làm gì sai quấy với lương tâm. Khi ấy mình còn trẻ, còn bồng bột nên nghĩ vậy.
Nhưng hành động đó là phạm vào phá kiến, nghĩa là phá tầm nhìn của người đời, khiến mọi người đánh giá, cảm nhận sai về cả một tăng đoàn. Bản thân mình đã làm hệ lụy tới giới tu hành chứ không còn là chuyện cá nhân nữa.
Khi ý thức được điều đó thì tự Trí về chùa đảnh lễ, xin phép các thầy cho cởi áo tu để ra lại đời. Tự Trí cần phải răn đe mình, có trách nhiệm với cái sai của mình.
Trần Hữu Trí sau khi cởi áo tu hoàn tục.
Thường thì khi đã mặc áo tu hành, mình sẽ tự sống khép lại nhưng Trí thì hình như hơi năng động quá?
Hồi đó, Trí khá năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động đoàn hội ở trường nên có duyên gặp nhà thiết kế Việt Hùng. Lúc đó anh Hùng tài trợ cho trường, mình nghĩ đơn giản là thích nên đi theo làm, không nghĩ tới những hệ lụy kinh khủng đến vậy.
Trí cũng không biết đến những chuyện trong showbiz, không biết rằng việc làm đó của mình vô tình trở thành một chiêu PR. Hình ảnh chú tiểu đi trang điểm cho các người đẹp dự thi Hoa hậu đã trở thành một scandal lớn lúc đó.
Hẳn là sức ép dư luận lúc đó khủng khiếp lắm?
Sức ép dư luận thì kinh khủng lắm. Mình đang là một người bình thường mà ngày nào cũng phơi mặt trên báo. Cả nửa tháng trời, người ta vào Facebook mình mắng chửi còn báo chí thì liên hệ phỏng vấn.
Mình không sẵn sàng cho chuyện đó. Lúc đầu mình nghĩ mình không làm gì sai nhưng sau đó thì bị hoang mang, không biết là đúng hay sai.
Rồi mọi thứ qua đi. Trí gặp được những người lớn, họ chỉ bảo cho mình nhiều. Trí quyết định mình sai thì phải sửa, phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.
Khi gửi áo tu cho chùa, Trí vẫn dặn mình rằng, thôi thì không đủ duyên để xuất gia tiếp tục thì mang hành trang đó vào đời, để mình còn biết lúc nào sai, lúc nào đúng để sống tốt hơn.
Trí nói: "Đạo Phật là đạo giác ngộ. Tu là sửa. Mình cảm thấy sai thì sửa. Khi trở lại với đời, Trí vẫn đem giáo lý nhà Phật vào để tự răn mình sống tốt".
Vậy còn từ phía tăng đoàn, Trí có bị áp lực gì không?
Tất nhiên là không. Cửa chùa không bao giờ đóng với ai, chỉ là tự mình thấy không phù hợp. Tất cả mọi thứ là do mình tự quyết.
Đi tu là mình tự nguyện, trả áo tu cũng là mình tự muốn. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Tu là sửa. Mình cảm thấy sai thì sửa. Mình cảm thấy việc làm lúc đó của mình là sai thì mình phải có trách nhiệm.
Đạo nào cũng hướng thiện con người. Khi chúng ta sai thì phải đủ can đảm để sửa. Trí cảm thấy không đủ lực để mặc chiếc áo đó thì trả lại để về với đời.
Nguyên tắc đạo đức của nghề: Không "la liếm" bằng mọi cách
Hiện tại, cái tên Trí Trần đã được kha khá nghệ sĩ nổi tiếng lựa chọn để đồng hành. Có phải sau scandal đó, Trí cũng nổi tiếng hơn và cũng có những cơ hội tìm tới?
Trí nghĩ đó là duyên. Xuất phát điểm của Trí là bên model nhưng sau này, Trí được làm việc nhiều với các anh chị diễn viên, nghệ sĩ. Người đầu tiên Trí gắn kết là chị Ngọc Lan, sau đó là chị Thu Trang, Đinh Ngọc Diệp, Thuỳ Dung, Phan Thu Quyên, Diệu Nhi, Trần Quỳnh, Hồng Ánh...
Giới makeup cũng có những góc khuất như giành show, phá giá, tố nghệ sĩ vô ơn... không thua gì showbiz. 6 năm trong nghề, Trí cảm nhận thế nào về công việc này, Trí có tin là mình đã lựa chọn đúng?
Mỗi con người đều chọn cho mình hướng đi riêng và khi đã chọn thì họ phải có trách nhiệm với hướng đi đó. Nhìn lại chặng đường 6 năm qua, Trí cảm thấy nghề khó và gian truân vô cùng nhưng nhiều niềm vui.
Khi mình đứng phía sau sự tỏa sáng của một người, mình được thỏa mãn về cảm xúc. Mình vui vì họ được khen đẹp nhưng khi họ bị chê xấu thì mình cũng rất tổn thương.
Trí luôn xem những người làm nghề makeup là một gia đình và thế hệ trẻ của Trí giống như những người con trong gia đình đó.
Bố mẹ ai cũng mong con trưởng thành. Mỗi người sẽ chọn cho mình cách trưởng thành khác nhau. Có người giỏi có người không, có người ngoan có người hư nhưng cái gì cũng có yếu tố hai mặt: tích cực và tiêu cực.
Nghề này có một sự chua chát là nhiều người cứ nghĩ mình sẽ gắn bó cả đời với một nghệ sĩ nào đó. Khi người nghệ sĩ ấy thay đổi một ê-kíp khác thì mình buồn, nghĩ là họ vô ơn, nói lúc khó khăn thì có nhau mà khi lên đỉnh cao danh vọng lại chia tay, đường ai nấy đi.
Nhưng Trí không nghĩ như vậy. Trí biết đó là thực tế mà ai cũng phải đi qua. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ phát triển thì mình cũng phải phát triển để cùng đi lên, phải luôn tự đổi mới.
Khi trang điểm cho người đó, mình mong người đó đẹp, mong họ nổi tiếng. Khi người đó chinh phục đỉnh cao thì theo quy luật mình cũng phải chinh phục đỉnh cao trong nghề của mình. Đồ thị đi lên thì mình cũng phải đi lên.
Nếu chúng ta không đủ lực, có thể là do lớn tuổi hoặc tay nghề giới hạn, sức mình chỉ đến đó thì mình phải tôn trọng việc họ chọn một ê-kíp khác, một người khác phù hợp hơn. Mình nên tôn trọng sự ra đi đó để khi gặp nhau còn được vui vẻ.
Trí nói thế không phải để khẳng định mình tốt. Trí chỉ muốn nói là khi mình không đáp ứng được nhu cầu thì phải chấp nhận.
Còn về chuyện phá giá, Trí luôn quán triệt tư tưởng không làm miễn phí. Makeup và nghệ sĩ có thể hỗ trợ nhau nhưng không được đi xin việc để làm. Điều đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cơ hội đến thì nắm bắt bằng sự chân thành và tài năng của mình chứ không "lê liếm", bằng mọi cách.
Tôi biết Trí còn mở lớp dạy makeup và đây cũng là một câu chuyện nhạy cảm đối với người trong ngành. Trí gặp những khó khăn gì ở hướng đi này?
Khi mở lớp dạy makeup Trí cũng bị nhiều vấp ngã, nhiều trăn trở và sai lầm. Trí chọn hướng đi cho mình là giáo dục, dạy nghề chứ không đẩy tên tuổi của mình gắn liền với những nghệ sĩ nổi tiếng. Do đó, sau 4 năm làm nghề Trí quyết định mở lớp dạy make-up.
Nhưng lúc đó, Trí bị cuốn theo đồng tiền. Trí dùng đủ chiêu quảng cáo để thu hút học viên trong khi mình chẳng có gì để dạy cho họ và cũng không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi họ ra nghề sẽ thế nào...
Chính vì thế, khoá đầu tiên Trí không dạy được ai thành nghề hết. Họ học mình xong rồi phải đi học nơi khác. Tất nhiên là sau lưng người ta cũng bàn tán xì xào nói ra nói vào về mình. Và may mắn là Trí biết mình sai và mạnh dạn sửa sai.
Trí đang dạy các học viên của mình.
Trí sửa sai thế nào?
Cuối năm 2016, Trí quyết định qua Hàn Quốc học makeup. Đó là lúc Trí ý thức là mình phải dạy được cái gì đó cho các học viên đến với mình.
Khi qua Hàn Quốc, Trí học thêm được bài học trách nhiệm. Trí đóng tiền và được họ dạy rất trách nhiệm, dạy tất cả những gì họ có.
Trí đem bài học trách nhiệm đó về dạy cho các bạn. Và việc đầu tiên Trí làm là mời những bạn khóa trước về để dạy lại và không lấy tiền. Những khóa sau, Trí soạn giáo án hẳn hoi. Có thể học viên của Trí không giỏi nghề nhất nhưng mọi người biết chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau khi làm nghề.
Cảm ơn Trí đã chia sẻ!