Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chung đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc ; Giám đốc, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc... (giai đoạn tháng 1-2028 đến tháng 6-2022) do liên quan đến sai phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra số 10 ngày 2-3-2023.
Các cấp chính quyền và ngành chức năng ở TP Phú Quốc buông lỏng quản lý dẫn đến hình thành khu biệt thự 79 căn xây dựng không phép trên đất gần 19 ha đất của nhà nước
Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, với vai trò của người đứng đầu nhưng Chủ tịch UBND TP Phú Quốc từng lúc còn thiếu đôn đốc, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý ngăn chặn kịp thời các vi phạm xảy ra thuộc phạm vi mình quản lý, dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm như kết luận thanh tra đã nêu. "Qua kiểm điểm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - kết luận thanh tra nêu.
Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ từ năm 2018 tới nay, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đất dự án, đất rừng trên địa bàn TP Phú Quốc có biểu hiện buông lỏng, sai phạm nghiêm trọng.
Tình trạng lấn chiếm đất đai ở Phú Quốc trong những năm qua diễn biến rất phức tạp
Những sai phạm đất đai trên địa bàn TP Phú Quốc cụ thể là: Chưa kịp thời cập nhật, chỉnh lý thông tin biến động thửa đất, chủ sử dụng, mục đích sử dụng đất thực hiện trên hồ sơ địa chính bản giấy; việc thực hiện thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), hồ sơ trễ hạn so với thời gian quy định; xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy CNQSDĐ đối với hàng chục hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của cá nhân.
Ngoài hơn 70 căn biệt thự không phép trên, còn hàng trăm căn nhà kiên cố khác đang xây dựng bao chiếm nhiều diện tích đất công ở Phú Quốc chưa được xử lý nghiêm
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, UBND các xã, phường An Thới, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Đông, Dương Tơ thực hiện trách nhiệm quản lý đất do nhà nước quản lý trên địa bàn quản lý chưa chặt chẽ, để xảy ra 744 trường họp chiếm đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng...
UBND các xã, phường quản lý địa bàn buông lỏng quản lý, để hình thành 202 khu phân lô có xây dựng đường bê-tông diện tích gần 30 ha. Vườn Quốc gia Phú Quốc không thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đăng ký bổ sung quyền sử dụng đất thuộc vườn quốc gia quản lý; đối với diện tích đất rừng hiện nay được đưa ra khỏi ranh rừng đặc dụng.
Nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm ở Phú Quốc
Trong quá trình quản lý từ năm 2001 đến năm 2021, Vườn Quốc gia Phú Quốc để xảy ra hiện trạng 1.092,73ha có người dân đang sử dụng, nhưng không xác định được quá trình sử dụng, diện tích, thời điểm sử dụng đất của từng hộ dân; chưa kiên quyết trong việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền, để tồn đọng 55 quyết định xử phạt hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Với nhiều sai phạm nêu trên, ngoài việc kiểm điểm hơn 50 cá nhân và 10 tập thể thuộc UBND TP Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang còn đề nghị chuyển 13 hồ sơ sai phạm trong xét duyệt nguồn gốc, cấp giấy CNQSDĐ; sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai đến việc bao chiếm, xây dựng nhà trái trên đất nhà nước quản lý, xây dựng trái phép trên đất rừng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra của công an tỉnh để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.